Các ngân hàng đối mặt với hàng tỷ USD phí FDIC bổ sung để chi trả cho sự sụp đổ của SVB, Signature Bank
Nhưng 4,500 ngân hàng sẽ không trả bất cứ khoản nào để vãn hồi các khoản lỗ quỹ bảo hiểm
Theo đề nghị của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), các ngân hàng lớn nhất quốc gia có thể sẽ phải đối mặt với hàng tỷ USD tiền “các khoản phí đặc biệt” nhằm giúp FDIC thu hồi chi phí cứu trợ những người gửi tiền không được bảo hiểm tại Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Để cứu trợ SVB và Signature Bank hồi tháng Ba, FDIC đã viện dẫn “ngoại lệ do có rủi ro hệ thống”, cho phép họ chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng, bao gồm cả các tài khoản vượt quá hạn mức bảo hiểm 250,000 USD. Tuy nhiên, theo luật, FDIC được yêu cầu thu hồi chi phí cứu trợ bằng cách tiến hành thu một khoản phí đặc biệt từ các ngân hàng.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào tháng Ba, đã có nhiều lo ngại ở cả hai đảng phái chính trị rằng các tổ chức tài chính nhỏ sẽ phải trang trải các chi phí liên quan đến việc cạn kiệt Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF). Do đó, các quan chức FDIC ước tính sẽ tốn 15.8 tỷ USD để bảo vệ tất cả những người gửi tiền tại hai ngân hàng phá sản trên, con số này giảm so với dự đoán trước đó là 22.5 tỷ USD.
Chi phí cuối cùng của khoản phí đặc biệt này sẽ dựa trên số liệu cuối cùng về các tổn thất mà DIF phải chịu.
Theo đề nghị của FDIC, các ngân hàng lớn nhất với tổng tài sản ít nhất là 50 tỷ USD sẽ trả hơn 95% phí đặc biệt để bổ sung cho quỹ bảo hiểm đó.
“Nhìn chung, các ngân hàng lớn với lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm là các bên hưởng lợi chính từ nhãn rủi ro hệ thống,” ông Michael Spencer, phó giám đốc nhánh quản lý rủi ro tài chính của FDIC cho biết. “Các ngân hàng lớn nhất cũng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự ổn định được cung cấp cho ngành ngân hàng với nhãn rủi ro hệ thống.”
Nếu hội đồng quản trị FDIC thông qua biện pháp này, 113 tổ chức ngân hàng sẽ trả một khoản nào đó, trong khi hầu hết 4,500 tổ chức còn lại sẽ không trả bất cứ khoản nào. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang, 45 ngân hàng sở hữu tài sản hơn 50 tỷ USD.
Theo kế hoạch trên, các ngân hàng sẽ trả lãi suất 0.125% hàng năm cho các khoản tiền gửi trên 5 tỷ USD không có bảo hiểm. Khoản thanh toán đầu tiên sẽ diễn ra vào quý hai năm 2024 và các khoản phí này sẽ được thu trong tám quý. Cấu trúc này được xác định để duy trì các điều kiện thanh khoản lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.
Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết trong một tuyên bố: “Việc xác định cơ sở tính phí theo cách này sẽ thực sự loại hầu hết các ngân hàng nhỏ khỏi quá trình thu phí đặc biệt.”
Sau khi được thông qua, quy định này sẽ được chuyển sang giai đoạn lấy ý kiến trong 60 ngày và có hiệu lực vào quý đầu tiên của năm 2024.
Các Ngân hàng Cộng đồng Độc lập của Mỹ (ICBA) đã ca ngợi quyết định của FDIC trong việc miễn trừ phần lớn các ngân hàng cộng đồng khỏi các khoản phí đặc biệt của cơ quan này, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định này “công nhận tầm quan trọng của việc phân biệt giữa các ngân hàng lớn gây rủi ro hệ thống cho hệ thống tài chính và hàng ngàn các ngân hàng cộng đồng địa phương phục vụ người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ.”
“Như ICBA đã nhiều lần nói, kể cả trong một bức thư gửi Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg, các ngân hàng cộng đồng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm tài chính nào đối với những tổn thất trong Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi do các tính toán sai lầm và các hoạt động đầu cơ của các tổ chức tài chính lớn gây ra. Các ngân hàng lớn nên trả tiền cho khoản phí đặc biệt này vì họ là những người hưởng lợi chính từ hai quyền tiếp nhận này,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ICBA Rebeca Romero Rainey cho biết.
“ICBA sẽ tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách để bảo đảm phản ứng của Hoa Thịnh Đốn đối với những thất bại này không ảnh hưởng đến các ngân hàng cộng đồng vốn đang tiếp tục quản lý rủi ro một cách phù hợp và làm điều đúng đắn cho các khách hàng và cộng đồng của họ.”
Ông Rob Nichols, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ (ABA), lưu ý rằng việc FDIC quyết định loại hầu hết các ngân hàng cộng đồng khỏi các khoản phí đặc biệt là điều đáng hoan nghênh.
Ông Nichols nói, “Kể từ khi chính phủ chọn áp dụng ngoại lệ rủi ro hệ thống sau thất bại của Silicon Valley Bank và Signature Bank, ABA đã kêu gọi FDIC làm mọi thứ trong khả năng của mình để giảm quy mô của khoản phí đặc biệt này, để tuân theo luật yêu cầu FDIC xem xét tổ chức nào được hưởng lợi từ quyết định này và đối xử công bằng với tất cả các ngân hàng của Mỹ.”
“Sau khi chúng tôi nhận được thông tin đầu vào từ các thành viên của mình, chúng tôi sẽ sẵn sàng cung cấp phản hồi của ngành cho FDIC về khoản phí đặc biệt này, thời điểm chi phí, và sự gia tăng liên tục trong các đánh giá của Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi hàng quý đối với các ngân hàng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times