Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen: Rủi ro địa ốc thương mại, áp lực tài chính có thể dẫn đến hợp nhất ngân hàng
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết, việc có nhiều thương vụ hợp nhất hơn trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ sẽ không gây ngạc nhiên khi xét đến môi trường hiện tại trong lĩnh vực tài chính.
Mặc dù bà Yellen thừa nhận rằng bà không muốn chứng kiến sự hợp nhất hơn nữa của một số ngân hàng nhỏ hơn đe dọa đến sự đa dạng của lĩnh vực ngân hàng, nhưng bà hiểu những áp lực to lớn mà nhiều ngân hàng phải đối mặt.
Bà nói với CNBC hôm 07/06: “Có động lực để thấy một số thương vụ hợp nhất, và tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy một vài sự kiện như vậy tiếp tục.”
Theo dữ liệu từ Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), tính đến cuối năm 2022, có tổng cộng 4,135 ngân hàng thương mại, giảm so với mức đỉnh 14,469 vào năm 1973.
Với sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature Bank, và First Republic Bank, cũng như một số tổ chức vừa và nhỏ khác đang gặp phải những thách thức, đã có nhiều lo ngại rằng ngành này đang trở nên quá hợp nhất và bị chi phối bởi một số ít ngân hàng.
Bà Yellen không phải là quan chức đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về số lượng ngân hàng ngày càng thu hẹp.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Michelle Bowman đã cảnh báo tại Hội nghị Quy định Tài chính Wharton ở Philadelphia hồi tháng Tư rằng Hoa Kỳ nên “lo ngại”, lưu ý rằng điều cần thiết là phải có “một hệ thống ngân hàng đa dạng và mạnh mẽ.”
Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng
Theo bà Yellen, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng rất mạnh.
Bà nói với ông Andrew Ross Sorkin của mạng tin tức kinh doanh rằng các bài kiểm tra khả năng chịu căng thẳng của các tổ chức tài chính lớn nhất đất nước cho thấy họ có thể vượt qua sự hỗn loạn tiềm ẩn trong nền kinh tế.
Bà nói, “Tôi cho rằng mức vốn và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng rất mạnh, và mặc dù sẽ có một số khó khăn liên quan đến điều này, nhưng các ngân hàng sẽ có thể chịu được khó khăn.”
Đồng thời, các ngân hàng có thể gặp rủi ro do liên quan đến thị trường địa ốc thương mại trị giá 20 ngàn tỷ USD đang suy yếu. Nếu tình hình trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, bà Yellen cho rằng điều đó có thể dẫn đến nhiều ngân hàng phá sản hơn.
Bà nói, “Tôi nghĩ rằng sẽ có những vấn đề liên quan đến địa ốc thương mại. Chắc chắn, nhu cầu về không gian văn phòng kể từ khi chúng ta chứng kiến sự thay đổi lớn về thái độ và hành vi đối với công việc từ xa đã đổi thay và đặc biệt là trong môi trường lãi suất cao hơn.”
Bà Yellen nói thêm rằng các ngân hàng có khả năng “đang chuẩn bị” cho những khó khăn của lĩnh vực này trong tương lai.
Một báo cáo gần đây của các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Columbia và Trường Kinh doanh NYU Stern ước tính rằng giá trị văn phòng đã giảm hơn 506 tỷ USD kể từ năm 2019. Thực tế này thật gây ra khó khăn vì báo cáo dự đoán rằng các ngân hàng kiểm soát khoảng 61% nợ tài sản thương mại.
Ngoài ra, bà Lisa Shalett, giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management, gần đây đã dự đoán rằng khoảng một nửa trong số 2.9 ngàn tỷ USD trong các khoản vay thế chấp thương mại sẽ được đàm phán lại trong hai năm tới “khi lãi suất cho vay mới có thể tăng lên” nhiều tới mức 450 điểm cơ bản (4.5%).
Một vấn đề nữa là các nhà cho vay nhỏ chiếm tới 70% số khoản cho vay địa ốc thương mại, với một số báo cáo cho thấy các ngân hàng nhỏ nắm giữ các khoản cho vay địa ốc thương mại nhiều hơn khoảng bốn lần so với các ngân hàng lớn.
Nhiều chuyên gia tài chính đã ám chỉ sự sụt giảm mạnh tiền gửi là bằng chứng cho thấy thanh khoản có thể không dồi dào như các quan chức khẳng định.
Dữ liệu H.8 của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy tiền gửi ngân hàng thương mại đang có xu hướng giảm kể từ tháng 08/2022, giảm gần 1 ngàn tỷ USD, tương đương 4.4%, xuống còn 17.238 ngàn tỷ USD.
Các chuyên gia thị trường cũng lo ngại về các vấn đề thanh khoản tiềm ẩn phát sinh từ việc phát hành trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ.
Bộ Ngân khố đang thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 1 ngàn tỷ USD để bổ sung cho Tổng Trương mục của Bộ Ngân khố (TGA), vốn đã cạn kiệt trong cuộc chiến về mức trần nợ ở Hoa Thịnh Đốn. Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng việc cho ra các khoản nợ ngắn hạn mới có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngân hàng khi thanh khoản là cần thiết để giảm bớt những tác động từ những sự kiện gây xáo trộn trong ba tháng qua.
‘Con đường’ cho lạm phát
Cựu lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang cho rằng có một “con đường” để lạm phát giảm hơn nữa trong bối cảnh thị trường việc làm phục hồi.
Bà Yellen nói: “Tôi đã nói gần một năm nay rằng tôi nhìn thấy một con đường để giảm lạm phát trong khi duy trì một thị trường lao động mạnh mẽ.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times