Các nhà quản lý ngân hàng muốn có thêm quyền hạn mới để kiểm soát chặt chẽ hơn
Cựu chủ tịch FDIC cho biết các cơ quan quản lý vốn đã có tất cả quyền lực họ cần để phát hiện, giải quyết các vấn đề của ngân hàng khu vực
Sau sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực, các nhà lập pháp đang cấp bách soạn thảo các dự luật mới để trao cho các cơ quan quản lý nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các ngân hàng. Nhưng một số chuyên gia nói rằng các nhà quản lý ngân hàng đã có tất cả quyền hạn mà họ cần, nhưng đã không sử dụng những quyền hạn này một cách hiệu quả.
“Mỗi khi chúng ta gặp khủng hoảng, các cơ quan quản lý lại đến và nói: ‘Chúng tôi cần thêm quyền hạn,’” bà Jelena McWilliams, cựu chủ tịch FDIC, nói với những người tham dự hội nghị của Viện Cato về quản lý ngân hàng hồi tuần trước (12-18/06). “Và sau đó quý vị hỏi họ, điều gì trong kho vũ khí quyền hạn của các vị mà các vị không có hoặc đã không thể sử dụng?”
Các chuyên gia quản lý diễn thuyết tại hội nghị đã tranh luận về lối tường thuật hiện nay rằng sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank, và First Republic Bank xảy ra là do các cơ quan quản lý không có đủ quyền giám sát. Họ nói rằng trước khi trao quyền hạn mới cho các cơ quan liên bang, thì Quốc hội nên tìm hiểu lý do tại sao các cơ quan quản lý lại bỏ sót những vấn đề căn bản tại SVB mà lẽ ra họ đã có thể phát hiện được với thẩm quyền hiện có.
Kể từ khi thông qua Đạo luật Dodd-Frank năm 2010 để ứng phó với cuộc khủng hoảng thế chấp, 18 tiêu chuẩn vốn khác nhau đã tăng gấp ba lần tổng yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng lớn hơn. Ngày nay, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) đang làm việc để đề ra yêu cầu tăng vốn thêm 20% nữa, điều mà một số nhà phân tích lo ngại sẽ khiến hoạt động cho vay bị thu hẹp hơn nữa.
Trong khi đó, các dự luật trao cho các cơ quan quản lý nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các ngân hàng vẫn tiếp tục được đề ra.
“Trong tuần qua, chúng ta đã có nhiều dự luật được đưa ra khỏi Thượng viện. Và một trong số đó được Thượng nghị sĩ [Tim] Scott và Thượng nghị sĩ [Sherrod] Brown trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện đồng bảo trợ,” ông Norbert Michel, giám đốc Trung tâm Giải pháp khác về Tiền tệ và Tài chính của Viện Cato, cho biết. “Một dự luật khác là của Thượng nghị sĩ [Elizabeth] Warren và Thượng nghị sĩ J.D. Vance. Và rồi hôm nay, bà Maxine Waters, thành viên cao cấp trong Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, đã giới thiệu không chỉ một, mà là 12 dự luật.”
Ông Michel cho biết, hầu hết các dự luật này sẽ trao cho các cơ quan quyền thu hồi khoản thu nhập của các giám đốc điều hành đã được chi trả vài năm trước khi ngân hàng sụp đổ. Tuy nhiên, theo bà McWilliams, Fed, OCC, và FDIC vốn dĩ đã có những quyền hạn đó rồi. Một số người muốn có quyền hạn mới cho các cơ quan quản lý có quan điểm rằng Đạo luật Tăng trưởng Kinh tế, Cứu trợ khỏi Quy định, và Bảo vệ Người tiêu dùng (S.2155) năm 2018, vốn đã nới lỏng một số quy định đối với các ngân hàng nhỏ hơn của Hoa Kỳ là nguyên do dẫn đến khủng hoảng.
“Có người nói, ‘chính việc giảm thiểu quy định trong S.2155 đã gây ra hậu quả này,’ và rồi khi quý vị không thể tìm thấy mối liên hệ thực sự nào giữa các điều khoản đã được khôi phục trở lại với những gì đã xảy ra với Silicon Valley Bank, thì họ nói, ‘đó là do các giám đốc điều hành,’” bà McWilliams cho biết. “Sự thật của vấn đề là, không có điều gì trong số các yếu tố này có thể ngăn cản những gì đã xảy ra, đó là một vụ rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng theo đúng kiểu truyền thống.”
Bà McWilliams cho biết, với Đạo luật Dodd-Frank, “chúng ta đã xây dựng một chiếc tàu con thoi để xem xét các công cụ phái sinh và các khoản cho vay hợp vốn và mọi thứ khác,” nhưng sự sụp đổ của SVB đã khiến “mọi người chỉ mất niềm tin mà thôi.”
Những vụ sụp đổ ngân hàng khu vực không phải là ‘bí ẩn’
“Điều tương tự thực sự đã xảy ra vào những năm 30, khi mọi người xếp hàng để rút tiền, còn lần này là trên trực tuyến,” bà nói. “Tại sao? Bởi vì họ không tin rằng tiền của họ sẽ còn trong ngân hàng. Ngân hàng Silicon Valley Bank đã mất 42 tỷ USD tiền gửi chỉ trong vài giờ. Tỷ lệ phần trăm tiền gửi bị rút của họ cao đến mức hầu như không ngân hàng nào ở Hoa Kỳ có thể chịu được kiểu tháo chạy đó.”
“Khi quý vị đọc các bản tin, thì đã không có gì là bí ẩn; ai cũng đều đã nói, cả Fed tại SVB và FDIC tại Signature, đều đã nói về điều này trong nhiều năm, về cái gọi là sai sót, và họ đúng là thực sự đã không làm gì với những sai sót đó,” ông Michel nói. “Không phải là họ không có thẩm quyền để làm bất cứ điều gì, hoặc khả năng để làm bất cứ điều gì. Dù lý do là gì, thì họ đã không làm.”
Ông Michel cho biết khi cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực lan rộng từ SVB sang các ngân hàng khác, thì các nhà quản lý đã viện dẫn lý do gọi là “miễn trừ vì có rủi ro hệ thống” để thực hiện những việc như bảo đảm cho toàn bộ các khoản tiền gửi bất chấp giới hạn của FDIC. Nhưng “tất cả các bằng chứng thực sự không ủng hộ sự lây lan hệ thống; bằng chứng cho thấy những sự rút tiền hàng loạt có tính phân biệt. Bằng chứng minh chứng những đợt rút tiền hàng loạt tại các tổ chức mất khả năng thanh toán là do các thua lỗ tài sản cụ thể, chứ không phải là do lây lan hệ thống.”
“Sự trợ giúp của chính phủ thôi là không đủ để ngăn chặn cách hành xử phân biệt đó,” ông Michel nói. “Lý do miễn trừ vì có rủi ro hệ thống này đã được viện dẫn để ngăn chặn sự lây lan hệ thống, và ngay lập tức chúng ta bắt đầu điều trần trước Quốc hội rằng chúng ta cần có thêm sự trợ giúp của liên bang.”
Trao thêm quyền lập pháp cho nhánh hành pháp
Theo ông Jeb Hensarling, cựu chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, một vấn đề quan trọng khác với các đề nghị quy định mới là cứ mỗi khi có khủng hoảng tài chính, Quốc hội lại trao thêm nhiều quyền lập pháp hơn cho các quan chức liên bang.
“Khối lượng to lớn và chất lượng thực chất của quyền lực tùy ý mà hiện nay đã được chuyển từ Điều I của Hiến Pháp sang Điều II là hết sức đáng sợ,” ông Hensarling nói, đề cập đến các điều khoản phân chia quyền lực giữa các nhánh lập pháp và hành pháp. “Trong nhiều thập niên, Quốc hội đã có thói quen viết ra những đạo luật mang tính mô tả rộng rãi này, và sau đó để lại quyền lập pháp thực sự cho những người không chịu trách nhiệm giải trình và không được bầu chọn.”
“Những người thích quyền lực tùy ý này sẽ thực hiện quyền quyết định này như thế nào?” ông nói. “Và họ sẽ sử dụng quyền quyết định tuỳ ý này cho mục đích như đã được lập ra, hay cho việc sử dụng để tiếp tục chính trị hóa quy định tài chính, điều mà chúng ta đang thấy từ FDIC đến OCC cho đến Fed?”
Xu hướng này đang xảy ra vào thời điểm khi mà Tổng thống Joe Biden đã chuyển hướng toàn bộ các cơ quan liên bang sang hướng theo đuổi các mục tiêu như “công bằng khí hậu” và bình đẳng chủng tộc. Các mục tiêu cấp tiến của các cơ quan quản lý liên bang đã được hiện thực hóa trong các chính sách như quy định bắt buộc về “kế toán xanh” của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, vốn yêu cầu rằng tất cả mọi công ty niêm yết đều phải phát hành các báo cáo đã được kiểm toán về lượng khí thải CO2 của họ, và Fed San Francisco, cơ quan quản lý SVB, đang ưu tiên “các tác động của một khí hậu đang thay đổi” và “công bằng hơn về chủng tộc và dân tộc.”
“Nói một cách lịch sự, chúng ta có một cuộc đua tổng thống sắp diễn ra, với một tổng thống đương nhiệm có những con số đầy thách thức, và biết rằng bất kỳ loại sự cố ngân hàng, khủng hoảng, lây lan hệ thống nào, quý vị có thể kể thêm ra, thì sẽ khiến những con số này giảm xuống thậm chí là hơn nữa,” ông Hensarling nói. “Nhưng những gì họ đang làm là họ dập tắt đám cháy nhỏ chỉ để tạo ra mồi lửa cho chính sách công để có một đám cháy lớn hơn nhiều, nếu quý vị nghĩ về điều đó.”
Bà McWilliams nói: “Tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều nghiên cứu sau khi điều tra kỹ về những gì các ngân hàng đã làm sai, cách mà họ lẽ ra đã nên đa dạng hóa, nên xem xét các rủi ro lãi suất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng cần xem xét phản ứng của cơ quan quản lý.”
Các cơ quan quản lý đã thực hiện một số hành động khi SVB tiến tới phá sản. Họ tiếp quản ngân hàng này; họ đã cung cấp một cơ sở thanh khoản trị giá 25 tỷ USD để các ngân hàng có thể nhận được tiền mặt ngay lập tức đối với các khoản vay và chứng khoán trên sổ sách của họ; và họ đã mở rộng bảo hiểm tiền gửi vượt quá hạn mức 250,000 USD để chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được lưu giữ tại các ngân hàng mục tiêu.
Người giàu chấp nhận rủi ro; còn mọi người phải chia sẻ chi phí
Hầu hết các khoản tiền gửi vượt quá hạn mức 250,000 USD đều thuộc sở hữu của các công ty, chứ không phải là của những người gửi tiền cá nhân mà FDIC được thành lập để bảo vệ.
Mặc dù bảo hiểm tư nhân là có sẵn cho các khoản tiền gửi không được FDIC chi trả, nhưng nhiều công ty đã chọn không mua bảo hiểm. Việc bảo đảm cho các khoản tiền gửi lớn hơn này sẽ gây ra chi phí mà cuối cùng sẽ trải ra khắp ngành ngân hàng dưới dạng các mức phí bảo hiểm FDIC cao hơn, và do những người gửi tiền cá nhân chịu dưới hình thức các khoản phí ngân hàng cao hơn.
“Vốn dĩ đã có sẵn dịch vụ bảo hiểm tiền gửi tư nhân cho các khoản tiền gửi trên 250,000 USD,” ông Hensarling nói, “Nhưng vì lý do nào đó, rất nhiều người gửi tiền vào ngân hàng Silicon Valley Bank đã không sử dụng bảo hiểm tư nhân. Họ đáng ra phải làm vậy, nhưng, cũng như nhiều người khác, họ đã bị ru ngủ trong sự an toàn do lịch sử hậu thuẫn cho các ngân hàng này.”
“Có một lý do để người ta gọi ngân hàng Silicon Valley Bank là Silicon Valley Bank,” ông Hensarling nói. “Tôi thực sự không tin có nhiều nhân viên đứng chào khách của Walmart có tiền gửi tại ngân hàng đó. Và để mà nghĩ rằng chính phủ sẽ bất ngờ vào cuộc, sau khi đã biết thực tế này, và rồi bảo đảm cho tất cả những khoản tiền gửi đó … và thực hiện những biện pháp cứu trợ này cho rất nhiều người, những người mà có lẽ là một vài trong số những người giàu có, thành đạt nhất.”
Ông Hensarling cho biết ông lo ngại rằng “trong một quốc gia hơn 300 triệu dân, có ba người về căn bản lại có thể quyết định về việc có sự lây lan hệ thống hay không, và sau đó chúng ta có sử dụng điều khoản rủi ro hệ thống mà tựu chung lại là cho phép chính phủ bảo vệ mọi khoản tiền gửi của tất cả mọi người hay không.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times