Tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng Hoa Kỳ giảm gần 600 tỷ USD
Các con số trong quý đầu tiên cho thấy sự sụt giảm niềm tin vào hệ thống ngân hàng do sự sụp đổ của các ngân hàng lớn
Tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng Hoa Kỳ đã giảm gần 600 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023, tiếp tục xu hướng giảm tiền gửi bắt đầu vào năm ngoái, cho thấy niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng giảm sút.
Một báo cáo Thông tin Thị trường Toàn cầu của S&P hôm 12/06 cho biết: “Tiền gửi không có bảo hiểm của các ngân hàng Hoa Kỳ đã giảm kể từ quý đầu tiên của năm 2022, cả về số lượng tiền gửi không được bảo hiểm và tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền gửi. Mức giảm theo quý mới đây nhất là mức giảm nhanh nhất từ trước đến nay.”
Tính đến ngày 21/03, tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng lên tới 7.118 ngàn tỷ USD, giảm 597.49 tỷ USD, tức là 44.9%, so với ngày 31/12/2022. Tiền gửi [nói chung cũng] giảm 47% so với một năm trước đó.
Một khoản tiền gửi không được bảo hiểm là khoản tiền gửi vượt quá giới hạn bảo hiểm tiền gửi 250,000 USD của Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Mức giảm tiền gửi hàng quý “nhanh nhất” này diễn ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng ngân hàng gây ra bởi sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) hồi đầu tháng Ba. Điều này gây áp lực lớn lên các ngân hàng, làm dấy lên lo ngại rằng nhiều ngân hàng sẽ có nguy cơ sụp đổ. Sự sụp đổ của ngân hàng Signature Bank đã diễn ra theo sau sự sụp đổ của SVB.
Không giống như những người gửi tiền có bảo hiểm, những người gửi tiền không có bảo hiểm có thể mất một phần tiền gửi nếu ngân hàng sụp đổ. Thực tế này đưa đến một sự khuyến khích người gửi tiền không có bảo hiểm rút tiền trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu nào về khó khăn của nền kinh tế hoặc của ngân hàng.
Theo S&P Global, trong số 25 ngân hàng nắm giữ ít nhất 25 tỷ USD tài sản, thì có 20 trong số đó đã báo cáo sự sụt giảm hàng quý về tiền gửi không được bảo hiểm.
Trong số 4 đại ngân hàng (Big Four) ở Mỹ chỉ có JPMorgan Chase đã báo cáo có sự gia tăng tiền gửi không có bảo hiểm, với mức tăng 1.9%. S&P Global cho rằng điều đó là do JPMorgan Chase mua lại Ngân hàng First Republic Bank.
Ba trong số Big Four còn lại — thì Citigroup, Wells Fargo, và Bank of America — đều báo cáo sự sụt giảm về các khoản tiền gửi không được bảo hiểm.
Trong số các ngân hàng được S&P Global phân tích, khoản tiền gửi không có bảo hiểm hàng quý giảm nhiều nhất được ghi nhận ở BankUnited với mức 28.6%.
Báo cáo viết, “First-Citizens Bank & Trust Co. Inc. đã công bố mức tăng hàng quý lớn nhất khi số tiền gửi không được bảo hiểm của họ tăng hơn gấp đôi sau khi mua lại tất cả tiền gửi của khách hàng và một số khoản nợ khác của ngân hàng Silicon Valley Bridge Bank.”
Ảnh hưởng của việc tăng lãi suất của Fed
Theo một báo cáo Hồ sơ Ngân hàng Hàng quý của FDIC, trong khi tiền gửi không được bảo hiểm đã giảm trong quý đầu tiên, thì xu hướng ngược lại có thể thấy ở tiền gửi được bảo hiểm.
Theo phân tích của FDIC, từ quý 4 năm 2022 đến quý 1 năm 2023, tổng tiền gửi đã giảm 472.1 tỷ USD, tương đương 2.5%, được gọi là “mức giảm lớn nhất được báo cáo” trong Hồ sơ Ngân hàng Hàng quý kể từ năm 1984.
Một khoản tiền gửi không được bảo hiểm giảm 663.3 tỷ USD là “nguyên nhân chính” dẫn đến sự sụt giảm hàng quý trong tổng số tiền gửi. Trái lại, ước tính tiền gửi được bảo hiểm đã tăng 255.1 tỷ USD trong giai đoạn này.
Tiền gửi giảm cũng liên quan đến việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang. Trong một bài đăng trên Twitter hôm 11/06, ông Jim Bianco, chủ tịch của Bianco Research, đã lưu ý rằng khoảng 1.4 ngàn tỷ USD đã rời khỏi các tài khoản tiền gửi kể từ tháng 03/2022, khi Fed công bố lần tăng lãi suất đầu tiên trong chu kỳ hiện tại.
Trong số 1.4 nghìn tỷ USD, 900 tỷ USD được chuyển vào quỹ thị trường tiền tệ trong khi 500 tỷ USD được chuyển sang chứng chỉ tiền gửi.
Ông Bianco cho biết: “Chu kỳ tăng lãi suất đã mở ra mức chênh lệch lớn nhất giữa thị trường tiền tệ và lãi suất tiền gửi kể từ khi bankrate.com bắt đầu đo lường con số này vào năm 1998.”
“Việc nhiều người tiếp tục rời ngân hàng là hợp lý. Thật không hợp lý khi nói rằng ‘mọi thứ đang ổn định.’ Thực tế cho thấy lợi suất 450 điểm căn bản không còn hấp dẫn đối với người gửi tiền. Mức lãi suất đó không có ý nghĩa gì. ‘Sự rời khỏi ngân hàng’ vẫn tiếp tục.
Tiền gửi có kỳ hạn tăng
Theo một phân tích ngày 05/06 của công ty nghiên cứu Risk Quantum, tiền gửi có kỳ hạn tại 22 ngân hàng Hoa Kỳ đã tăng gần 1/3 trong quý đầu tiên của năm 2023, trái ngược với xu hướng giảm tiền gửi phổ biến. Tiền gửi có kỳ hạn là tiền gửi ngân hàng được chốt trong một khoảng thời gian cố định.
Theo phân tích nêu trên, trong khi tổng số tiền gửi giảm 2.6%, thì tiền gửi giữ trong một khoảng thời gian cố định tăng 32%.
Trong 14 ngân hàng nhỏ hơn, tiền gửi có kỳ hạn tăng 36.5%. Risk Quantum lưu ý, mặc dù tiền gửi có kỳ hạn đã tăng lên trong năm qua, nhưng chỉ mới tăng đột biến vào quý 1 năm 2023.
Công ty này ước tính rằng hành động thúc đẩy tiền gửi có kỳ hạn của các ngân hàng có thể là một phản ứng đối với mối lo ngại về thanh khoản mà ngành phải đối mặt. Vì tiền gửi có kỳ hạn sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian cố định, không thể được rút ra dễ dàng như tiền gửi không kỳ hạn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times