Một cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp khác?
Các chính sách mới của chính phủ có thể đang thiết lập cho việc lặp lại cuộc khủng hoảng năm 2008
Hoa Thịnh Đốn dường như đã bỏ lỡ những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhiều đến mức có vẻ như họ đã sẵn sàng thiết lập đất nước cho một cuộc khủng hoảng thứ hai.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất có độ phức tạp cao và đã phản ánh nhiều quyết định tồi tệ. Một trong những quyết định tồi tệ như vậy nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn là sự khăng khăng một mực kéo dài của Hoa Thịnh Đốn rằng các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác cho vay thế chấp ngày càng nhiều hơn cho những người có thu nhập thấp hơn. Đó là những người có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của họ, do đó gọi là người vay dưới chuẩn.
Trong nhiều năm, vì chính phủ đã gây áp lực buộc các ngân hàng phải cho vay như vậy, nên rủi ro vỡ nợ trong hệ thống tài chính ngày càng tăng. Khi những gì có thể là một thất bại kinh tế nhỏ đặt những người nghèo đi vay này vào tình thế không thể trả được nợ, thì tất cả các tổ chức cho vay đó đều thấy mình rơi vào một tình thế bấp bênh. Giờ đây, 15 năm đã trôi qua, chính phủ Tổng thống Biden dường như đang háo hức dàn dựng lại thảm họa này.
Mặc dù các chi tiết cụ thể của chính sách mới này không giống như trò chơi mà Hoa Thịnh Đốn đã từng chơi trước năm 2008, nhưng các đặc điểm chính yếu và tác động sẽ là giống nhau. Thay cho phương cách cũ là sử dụng các quyền hạn quản lý để khen thưởng và trừng phạt các tổ chức cho vay tùy theo mức độ họ tuân theo chỉ dẫn của Hoa Thịnh Đốn về cho vay dưới chuẩn, phương pháp mới này dựa trên quy định Điều chỉnh Giá Khoản vay (LLPA). Quy định này sẽ trợ cấp phí vay thế chấp cho những người đi vay có thu nhập thấp hơn, những người có điểm tín dụng thấp, và những người không có khả năng trả một khoản thanh toán trước lớn. Những khoản trợ cấp đó cũng sẽ được cung cấp cho chi phí bảo hiểm đi vay thế chấp, vốn thường được yêu cầu khi người mua trả trước tương đối ít tiền mặt. Quy định LLPA cung cấp sự trợ giúp này bằng cách tính phí cao hơn cho những người có điểm tín dụng tốt hơn và những người sẵn sàng trả khoản thanh toán trước lớn hơn.
Mục tiêu của quy định này là một mục tiêu xứng đáng để theo đuổi — giúp nhiều người có thu nhập thấp hơn được sở hữu nhà và do đó mang lại cho họ nhiều tiếng nói hơn trong cộng đồng của họ cũng như tạo cho họ một bước tiến quan trọng trên con đường tạo ra của cải. Tuy nhiên, trong khi mục tiêu là tốt, thì quy định LLPA mới này sẽ không phục vụ được mục đích của nó mà hơn thế còn mang theo những vấn đề khác.
Một trong những vấn đề như vậy liên quan đến sự công bằng, hay để diễn đạt bằng một từ phổ biến hơn nhiều ngày nay, thì là liên quan đến sự bình đẳng. Về căn bản, có vẻ như không công bằng nếu áp mức phí cao hơn đối với những người đi vay có nhiều khả năng trả nợ hơn những người có ít khả năng trả nợ. Và dường như càng không nên đối đãi theo kiểu mà trên thực tế là trừng phạt (ít nhất là khi so sánh tương đối) đối với những người có thể đã trì hoãn việc mua nhà của họ trong nhiều năm để tích lũy một khoản tiền trả trước lớn hơn cũng như áp đặt cho mình kỷ luật tài chính cần thiết để đạt được điểm tín dụng cao. Vấn đề quan trọng hơn về phương diện kinh tế là quy định này đặt hệ thống tài chính của quốc gia trước một nguy cơ đối mặt với tình trạng vỡ nợ trên diện rộng do danh mục cho vay ngày càng cao, nói cách khác, chính những rủi ro rất tương tự này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008–2009.
Các khoản phí giảm sẽ giúp những người đi vay có thu nhập thấp giảm nhẹ chi phí và, trong chừng mực đó, giúp họ dễ dàng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình hơn. Nhưng đây chỉ là sự bảo vệ ít ỏi. Những khoản phí này chỉ là một phần nhỏ của chi phí sở hữu nhà. Quy mô của khoản vay thế chấp và lãi suất đối với khoản vay tạo thành một phần lớn hơn trong gánh nặng tài chính đó. Và rồi tất nhiên, cũng có những sửa chữa đột xuất, chẳng hạn như mái nhà bị dột, thiết bị gia dụng hỏng hóc, các tai nạn, và một danh sách dài các chi phí khác mà tất cả các chủ nhà đều quen thuộc. Những chi phí này ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng đối với một người có thu nhập thấp chỉ vỏn vẹn đủ để đáp ứng một cấu trúc thanh toán được trợ cấp, thì họ có thể buộc phải không đáp ứng các điều khoản của hợp đồng cho vay thế chấp. Nếu có đủ số lượng những người đi vay không trả được nợ, thì các bên cho vay sẽ rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh, vốn chính xác là những gì đã xảy ra vào năm 2008.
Sẽ cần thời gian để toàn bộ rủi ro có liên quan phát triển trọn vẹn. Ngay lúc này đây, có tương đối ít khoản vay dưới chuẩn như vậy trên sổ sách của các nhà cho vay thế chấp hoặc những nơi khác trong hệ thống tài chính. Các chủ ngân hàng dường như có trí nhớ lâu hơn những người ở Hoa Thịnh Đốn. Vấn đề này có thể sẽ không bao giờ hình thành, vì có vẻ như gần đây Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA) đã tạm dừng nỗ lực này.
Kể cả khi sự thay đổi quy định này được tiến hành, thì sẽ cần thời gian để phát triển một khối lượng lớn các khoản cho vay mang tính rủi ro. Tuy nhiên, rủi ro sẽ tăng lên với mỗi tuần trôi qua. Sau đó, chỉ cần một thất bại kinh tế dù là nhỏ nhất, chứ đừng nói đến một cuộc suy thoái kinh tế mà rất có khả năng sẽ hình thành sớm thôi, là đã có thể dẫn đến vỡ nợ và quay trở lại tình trạng hỗn loạn mà tất cả mọi người — có vẻ như ngoại trừ Hoa Thịnh Đốn — đều nhớ rất rõ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times