Các ngân hàng lớn phải gánh thêm hàng tỷ dollar phí FDIC sau các vụ sụp đổ ngân hàng
Hôm thứ Năm (11/05), Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết rằng các ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ sẽ phải gánh thêm hàng tỷ dollar tiền phí để bổ sung cho quỹ bảo hiểm tiền gửi đã được sử dụng để giải cứu các ngân hàng hồi tháng Ba.
Sự sụp đổ gần đây của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã làm thâm hụt quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF) với tổng số tiền là 15.8 tỷ USD vì chính phủ đã bảo hiểm cho số tiền của người gửi vượt quá hạn mức bảo hiểm 250,000 USD để ngăn chặn sự hoảng loạn do sự sụp đổ của những ngân hàng này.
Khoảng 113 ngân hàng dự kiến sẽ phải gánh chịu khoản phí này. Cơ quan này cho biết, mặc dù khoản phí này được áp dụng cho tất cả các ngân hàng, nhưng trên thực tế, những ngân hàng có tài sản hơn 50 tỷ USD sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả cho hơn 95% khoản bổ sung này. Các ngân hàng có tài sản dưới 5 tỷ USD sẽ không phải trả bất kỳ khoản phí nào.
Theo luật, FDIC có toàn quyền trong việc thiết lập mức phí. Cơ quan này cho biết Đạo luật Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang yêu cầu FDIC “khôi phục mọi tổn thất đối với DIF do bảo vệ những người gửi tiền không có bảo hiểm thông qua một mức phí đặc biệt.”
Cơ quan này đang tập trung vào các ngân hàng lớn vì họ được hưởng lợi nhiều nhất từ các hành động chưa từng có của FDIC sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank.
Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết trong một tuyên bố: “Nhìn chung, các ngân hàng lớn với lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm được hưởng lợi nhiều nhất từ nhãn rủi ro hệ thống.”
Cơ quan quản lý ngân hàng liên bang này dự định áp dụng một “mức phí đặc biệt” là 0.125% hàng năm cho các khoản tiền gửi trên 5 tỷ USD không có bảo hiểm. Cơ quan này cho biết các khoản thanh toán sẽ được thực hiện trong tám quý để duy trì khả năng thanh khoản tại các ngân hàng và sẽ bắt đầu vào tháng 06/2024.
FDIC cho biết họ dự kiến sẽ thu lại tổng cộng 15.8 tỷ USD để làm đầy lại kho bạc của quỹ tiền gửi, số tiền này “xấp xỉ bằng những tổn thất do việc bảo vệ những người gửi tiền không có bảo hiểm tại hai ngân hàng phá sản này”.
Nhà phân tích Susan Roth Katzke của Credit Suisse đã viết trong một báo cáo rằng 14 ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ cần phải chi ra khoảng 5.8 tỷ USD mỗi năm, điều này có thể làm giảm thu nhập trên mỗi cổ phiếu của họ ở mức trung bình 3%.
Theo FDIC, Quỹ FDIC, vốn bảo đảm tiền gửi ngân hàng của khách hàng lên tới 250,000 USD, đã đạt mức 128.2 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Các ngân hàng thường trả một khoản phí hàng quý để tài trợ cho quỹ này, nhưng FDIC cho biết khoản phí đặc biệt nói trên là cần thiết để trang trải những chi phí khổng lồ phát sinh sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ hồi tháng Ba. Cả hai ngân hàng này, vốn có lượng tiền gửi không có bảo hiểm rất cao, đã đột ngột phá sản sau khi người gửi tiền rút tiền hàng loạt do lo ngại về sức khỏe tài chính của những ngân hàng này. Các nhà quản lý tuyên bố những khoản phí đó rất quan trọng đối với hệ thống tài chính, cho phép FDIC trợ giúp tất cả các khoản tiền gửi trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tâm lý lo sợ.
Việc tiếp quản Ngân hàng First Republic và bán cho JP Morgan Chase trong tháng này dự kiến sẽ tiêu tốn của quỹ đó thêm 13 tỷ USD.
Các Ngân hàng Cộng đồng Độc lập Hoa Kỳ (ICBA), nhóm vận động hành lang hàng đầu cho các ngân hàng nhỏ của Hoa Thịnh Đốn, đã hoan nghênh các kế hoạch trên.
Giám đốc điều hành ICBA Rebeca Romero Rainey cho biết: “Các ngân hàng cộng đồng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm tài chính nào đối với những tổn thất của Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi do những tính toán sai lầm và hoạt động đầu cơ của các tổ chức tài chính lớn”.
FDIC ban đầu ước tính DIF sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn sau vụ sụp đổ của các ngân hàng nói trên, nhưng họ đã điều chỉnh giảm mức tổn thất xuống sau “sự phục hồi cao hơn dự đoán” nhờ việc bán bớt tài sản của các ngân hàng đó.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times