Ngân hàng Thế giới cảnh báo: Kinh tế toàn cầu trong ‘trạng thái bấp bênh’, những mối nguy mới sắp xuất hiện
Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hoa Kỳ, dự đoán rằng lớp người tiêu dùng bền bỉ của Hoa Kỳ sắp suy yếu “đáng kể” trong khi cảnh báo về “những mối nguy mới” có nguy cơ “làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn” đối với thế giới.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của nhóm này đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Ông Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, đã viết trong phần tóm lược báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của nhóm rằng, “nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong trạng thái bấp bênh, trong bối cảnh chịu tác động kéo dài từ các ảnh hưởng tiêu cực chồng chéo của đại dịch, cuộc xâm lược Ukraine của Liên bang Nga, và chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát cao.”
Ông Gill cho biết trong báo cáo rằng năm 2023 sẽ đánh dấu một trong những năm tăng trưởng chậm nhất đối với các nền kinh tế phát triển trong năm thập niên qua.
Báo cáo cho thấy, tại Hoa Kỳ, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ suy yếu “đáng kể” trong năm nay và đầu năm 2024.
Dự báo kinh tế Hoa Kỳ suy giảm
Sau khi tăng trưởng 1.1% trong năm 2023, nền kinh tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 0.8% vào năm 2024. Dự báo cho năm tới đã thể hiện một sự hạ cấp đáng kể — mức tăng trưởng dự báo đã bị cắt giảm một nửa.
Trong báo cáo phiên bản hiện tại, mức tăng trưởng dự báo của Hoa Kỳ cho năm tới đã bị cắt giảm xuống 0.8% từ mức 1.6% trong phiên bản hồi tháng Một.
Ngân hàng Thế giới cho biết việc hạ bậc này chủ yếu là do tác động kéo dài của việc lãi suất tăng mạnh trong một năm rưỡi qua, trong một nỗ lực hạ thấp tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Tác động lớn nhất mà lãi suất cao có đối với tăng trưởng của Hoa Kỳ dự kiến sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong năm 2023, mặc dù tác động trễ của việc tăng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục vào năm tới và nền kinh tế vào năm 2024 có thể sẽ “yếu.”
Tiêu dùng của Hoa Kỳ, mà Ngân hàng Thế giới cho biết là đã “bền bỉ” cho đến nay, dự kiến sẽ chậm lại “đáng kể” do chi phí đi vay cao hơn, điều kiện tài chính thắt chặt hơn, và các khoản tiết kiệm cạn kiệt ảnh hưởng đến chi tiêu của các gia đình.
Ngân hàng Thế giới nêu trong báo cáo, “Hoạt động dự kiến sẽ tăng lên vào cuối năm tới, khi lạm phát giảm bớt và tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ giảm dần.”
‘Những mối nguy mới’
Nhóm này cũng cảnh báo về các mối đe dọa mới đối với triển vọng kinh tế.
Trước khi trình bày chi tiết một số rủi ro, ông Gill đã viết trong phần tóm lược của báo cáo này rằng, “Những mối nguy mới đang đe dọa làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.”
Ông viết, trước hết, lạm phát vẫn ở mức cao bất chấp chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu mạnh nhất trong khoảng 40 năm.
Thậm chí đến cuối năm 2024, lạm phát dự kiến sẽ vẫn nằm trên phạm vi mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương.
Ông Gill viết, “Các nhà hoạch định chính sách ở hầu hết các nền kinh tế sẽ cần phải đặc biệt nhanh nhẹn để đối phó với những rủi ro đi kèm với các đợt tăng lãi suất như vậy.”
Lãi suất cao không chỉ kìm hãm tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi mà còn dẫn đến đầu tư thấp hơn và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Ông cảnh báo: “Những thách thức này sẽ gia tăng trong trường hợp căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng lan rộng hơn ở các nền kinh tế phát triển.”
Ngân hàng Thế giới đã cho biết trong báo cáo rằng, những vụ sụp đổ trong lĩnh vực ngân hàng gần đây đã góp phần làm chậm quá trình tạo tín dụng, và việc thắt chặt tín dụng hơn cũng sẽ là một lực cản đối với hoạt động kinh tế trong ngắn hạn.
Nhóm này đã cảnh báo: “Nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn ngân hàng lan rộng hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể dẫn đến tăng trưởng toàn cầu thậm chí còn yếu hơn.”
Các dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ vẫn yếu và có nguy cơ suy giảm sâu hơn vào năm 2023 và 2024.
Kịch bản cơ sở của nhóm cảnh báo tăng trưởng toàn cầu giảm xuống mức 2.1% trong năm 2023 từ mức 3.1% hồi năm 2022, trước khi tăng lên 2.4% vào năm 2024.
Nhóm này cho biết trong báo cáo: “Ngay cả mức tăng trưởng ảm đạm này cũng là trong điều kiện giả định rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng của các nền kinh tế phát triển sẽ không lan rộng” sang các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE).
Ngân hàng Thế giới viết trong báo cáo: “Nếu tình trạng căng thẳng ngân hàng hiện tại ở các nền kinh tế phát triển lây truyền ra thành tình trạng hỗn loạn tài chính lan rộng ảnh hưởng đến các EMDE, thì trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra: nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một cuộc suy thoái sâu vào năm tới.”
‘Tình trạng khó khăn’
Ông Gill viết, một phần lý do khiến nền kinh tế ở trong “tình trạng khó khăn” như vậy là do rất lâu trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các chính phủ trên khắp thế giới đã quen với việc chi tiêu bằng thâm hụt ngân sách (chi tiêu bằng nợ).
Ông viết, “Họ nhắm mắt làm ngơ trước nguy cơ gia tăng tỷ lệ nợ trên GDP. Nếu muốn tránh một thập niên mất mát, thì những thất bại này phải được sửa chữa.”
Ông viết, khoảng ⅔ số nền kinh tế đang phát triển sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, gây trở ngại lớn cho việc phục hồi sau đại dịch và giảm nghèo, đồng thời làm gia tăng tình trạng khó khăn về nợ công.
Một trong số các khuyến nghị của báo cáo này cho các nhà hoạch định chính sách để tránh gây ra tình huống xấu nhất là việc truyền đạt thông tin ổn định và có thể đoán trước được từ phía các ngân hàng trung ương.
Ông Gill viết, “Các ngân hàng trung ương — đặc biệt là các ngân hàng ở các nền kinh tế phát triển — có thể hạn chế rủi ro gây ra tác động lan tỏa làm gián đoạn thị trường tài chính toàn cầu bằng cách truyền đạt những ý định của họ càng sớm và càng rõ ràng càng tốt.”
Ông nói, các ngân hàng trung ương cũng nên điều chỉnh chiến lược của mình để tránh những thay đổi đột ngột trong triển vọng chính sách của họ.
Một khuyến nghị chính sách khác là giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trong nước bằng cách củng cố các tiêu chuẩn thận trọng cũng như các vùng đệm vốn và thanh khoản tại các ngân hàng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, qua đó giảm thiểu rủi ro lây lan tài chính từ các ngân hàng ở các nền kinh tế phát triển.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times