Các chủ doanh nghiệp nhỏ: Lạm phát và các quy định của TT Biden đang khiến cuộc sống trở nên khó khăn
Các chủ doanh nghiệp nhỏ đang kêu gọi Quốc hội giải quyết lạm phát bằng cách nới lỏng các quy định kinh doanh và thuế. Họ nói rằng các chính sách của chính phủ Tổng thống Biden cho thấy sự xem nhẹ đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Bà Silvia Lee, phó chủ tịch điều hành và Giám đốc cho vay của ngân hàng First Community Bank ở Corpus Christi, Texas, cho biết một khách hàng doanh nghiệp nói với bà rằng ông cảm thấy bị là mục tiêu.
Bà nói với Ủy ban Hạ viện về Doanh nghiệp Nhỏ tại phiên điều trần ngày 07/06. “Ông ấy nói rằng ông ấy cảm thấy chính phủ của chúng ta không muốn các doanh nghiệp nhỏ thành công và chỉ muốn các công ty lớn kinh doanh.”
Ông David Zittel, một nông dân trồng rau từ New York, đã kêu gọi Quốc hội bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Zittel cho biết: “Gia đình Zittel hy vọng rằng rau sẽ luôn được trồng trên đất của chúng tôi cho các thế hệ sau, và chúng tôi mong muốn tiếp tục truyền thống trồng trọt nhưng cũng mong muốn Quốc hội bảo đảm rằng các luật và các quy định không khiến chúng tôi bị phá sản.”
Ông Zittel và các nhân chứng khác cho biết quy định đang làm tăng chi phí kinh doanh đến mức họ gặp rủi ro có giá bán sản phẩm quá cao đến mức khách hàng không muốn mua nữa.
Bà Lee nói rằng việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát buộc nhiều khách hàng của ngân hàng của bà, các công ty xây dựng nhà, phải thu hẹp hoạt động của họ.
Bà nói với ủy ban rằng hai công ty xây dựng trong khu vực của bà đã buộc phải đóng cửa khi chưa hoàn thành thi công những ngôi nhà. Tình huống này khiến khách hàng của họ phải vội vã tìm một nhà xây dựng để hoàn thành công việc. Bà nói rằng bà chứng kiến hàng ngày tác động mà chính phủ có đối với lợi nhuận của một doanh nghiệp.
Bà Lee nói rằng tất cả nhân viên ngân hàng của bà phải chịu một số trách nhiệm về việc tuân thủ; ít nhất 30 nhân viên có trách nhiệm bảo đảm việc tuân thủ các quy định của ngân hàng. Bà nêu rằng việc bảo đảm tuân thủ không làm tăng tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Thành viên ủy ban, Dân biểu Blaine Luetkemeyer (Cộng Hòa-Missouri) đã đồng ý rằng cần phải làm gì đó.
Ông nói với bà Lee, “Đó là một kiểu đầu tư chết.”
Một lá thư có chữ ký của 66 chủ doanh nghiệp đệ trình lên ủy ban này đã kêu gọi Quốc hội giảm nhẹ Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế năm 2017.
Chính sách đó yêu cầu các doanh nghiệp ghi các chi phí nghiên cứu và phát triển vào sổ sách của họ và phân bổ khấu hao cho các khoản này như một tài sản. Bức thư này viết rằng trước đây, doanh nghiệp đã được phép ghi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển như một chi phí, giúp giảm gánh nặng thuế của doanh nghiệp và giải khai được tiền cho các nhu cầu nghiên cứu, trả lương, hoặc các nhu cầu khác.
Theo bức thư, quy định về thuế rất khó khăn đối với các doanh nghiệp mới.
“Chi phí nghiên cứu, phát triển, và thử nghiệm có thể nhanh chóng ăn mòn ngân sách của một công ty khởi nghiệp đang phát triển,” bức thư viết. “Nhưng việc hạch toán ngay lập tức các khoản R&E như là chi phí giúp bù đắp những chi phí này, cho phép các công ty khởi nghiệp đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu về đổi mới toàn cầu.”
Tuy nhiên, có ít nhất một kinh tế gia đổ lỗi về lạm phát cho doanh nghiệp.
Ông Josh Bivens là Nhà kinh tế trưởng và Giám đốc Nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế ở Hoa Thịnh Đốn. Ông cho biết lạm phát là một vấn đề phức tạp, trong trường hợp này, do các doanh nghiệp đang cố gắng đối phó với sự gián đoạn do đại dịch và cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Ông nói rằng lạm phát là một vấn đề toàn cầu và Hoa Kỳ đang tiến triển tốt hơn các quốc gia khác trong quá trình phục hồi.
‘Những xáo trộn và tác động’
Ông Bivens cho biết chu kỳ lạm phát đã bắt đầu với “những xáo trộn và tác động” trong thời kỳ đại dịch.
Lời điều trần bằng văn bản của ông Bivens viết: “Những xáo trộn này là đại dịch và cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và những tác động chủ yếu là về sự xoay xở của các tác nhân kinh tế khác nhau — các tập đoàn, nhân viên, và nhà cung cấp — để bảo vệ thu nhập thực tế của họ khỏi những xáo trộn này.”
Theo ông Bivens, giải pháp là nhiều quy định hơn. Ông cho biết các doanh nghiệp giàu có hơn có thể tăng giá trong khi từ chối đáp ứng mức tăng giá của nhà cung cấp. Một số công ty đã buộc phải đóng cửa. Những công ty khác đã phải hợp nhất để tồn tại. Toàn bộ điều này càng làm gián đoạn chuỗi cung ứng vốn dĩ đã rối ren.
Theo ông Bivens, những giao dịch đó tốt hay xấu phụ thuộc vào việc quý vị đang ở bên nào trong giao dịch.
Ông nói: “Thu nhập của người này là chi phí của người khác.”
Xảy ra không đủ nhanh
Ông Bivens cho biết việc ban hành và thực thi các chính sách chống độc quyền mạnh mẽ sẽ “tạo sân chơi bình đẳng.” Điều này sẽ đẩy nhanh quá trình giảm lạm phát, mà theo ông là đang diễn ra, mặc dù việc này đang có xu hướng diễn ra rất chậm.
Ông nói: “Việc giảm lạm phát đang không xảy ra đủ nhanh đối với hầu hết chúng ta.”
Ông Zittel đã chỉ ra rằng, với tư cách là một nông dân, ông thực tế không kiểm soát được giá cả thị trường, thời tiết, và các yếu tố khác ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình. Ngoài ra, ông nói rằng các quy định về lao động của tiểu bang và liên bang, bao gồm cả luật lương tối thiểu, kiểm soát 50% chi phí kinh doanh của ông.
Ông Zittel nói: “Nông dân là người phải theo giá thị trường, chứ không phải người làm giá.”
Bà Lee và ông Zittel không đồng ý với giải pháp của ông Bivens. Họ cho biết một kế hoạch tốt hơn là giảm quy định và cho phép các doanh nghiệp mở rộng. Ông Gordon Gray đến từ Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ đã đồng ý. Ông nói với ủy ban rằng giải pháp cho lạm phát khá cơ bản.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times