PHÂN TÍCH: Kinh tế Hoa Kỳ có rủi ro rơi vào lạm phát đình trệ khi giá cả vẫn cao và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại
Do nền kinh tế Mỹ tiếp tục gặp khó khăn với lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế yếu, những lo ngại đất nước này sẽ rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ đã xuất hiện.
Lạm phát đình trệ là một chu kỳ kinh tế được đánh dấu bằng tăng trưởng GDP chậm, lạm phát cao, và tỷ lệ thất nghiệp cao. Các nhà hoạch định chính sách thường gặp khó khăn trong việc giải quyết tình trạng như vậy bởi vì bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy hoặc kiểm soát một yếu tố đều làm cho những yếu tố khác trở nên xấu đi hơn. Hoa Kỳ đã trải qua lạm phát đình trệ vào những năm 1970, nhưng chưa từng trải qua một lần nào khác kể từ đó. Nhưng giờ đây, các chuyên gia đang trở nên lo lắng. Cả ba dữ liệu kinh tế có liên quan — tăng trưởng GDP, lạm phát, và tỷ lệ thất nghiệp — cho thấy lạm phát đình trệ có thể sắp xảy ra.
Sau sự phục hồi hậu đại dịch, Hoa Kỳ đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP thấp trong năm trước. Hai quý đầu năm 2022 đã ghi nhận mức tăng trưởng âm. Mặc dù quý 3 chứng kiến GDP tăng 3.2%, nhưng đó đã là tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ quý 3 năm 2020.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng hàng quý đã giảm kể từ quý 3 năm 2022, giảm từ 3.2% xuống 2.6% trong quý 4, sau đó xuống 1.3% trong quý 1 năm 2023.
Về yếu tố lạm phát, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm xuống 4% hồi tháng 05/2022 sau khi đạt mức cao nhất 9.1% vào tháng 06/2022, thì con số này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang.
Lạm phát thường niên cao hơn gấp đôi tỷ lệ 1.4% hồi tháng 01/2021 khi ông Joe Biden trở thành tổng thống. Kể từ tháng 04/2021, lạm phát thường niên duy trì bằng hoặc trên 4% mỗi tháng.
Liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ này đã duy trì ở hoặc cao hơn mức 3.4% trong hơn một năm. Hồi tháng 05/2023, tỷ lệ thất nghiệp đã chạm 3.7%, là mức cao nhất trong một năm.
Lạm phát đình trệ của những năm 1970 chủ yếu là kết quả của ba sự kiện: chính sách ôn hòa của Fed chấp nhận lạm phát cao để đổi lấy tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn; tăng chi tiêu của chính phủ do Chiến tranh Việt Nam và tài trợ cho các chương trình xã hội; và giá cả tăng cao do lệnh cấm vận dầu mỏ và giá cả hàng hóa tăng cao.
Hiện tại, nền kinh tế Hoa Kỳ đang trải qua một tình trạng tương tự. Thay vì chịu đựng, Fed hiện đang dốc toàn lực để chống lạm phát, ngay cả khi phải trả giá bằng việc làm thấp hơn. Chi tiêu của chính phủ đã tăng lên trong những năm qua do đại dịch COVID-19, trong khi giá cả hàng hóa vẫn tăng cao. Bối cảnh này về căn bản khiến lạm phát đình trệ có thể xảy ra.
Cảnh báo lạm phát đình trệ
Nhiều chuyên gia kinh tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng Hoa Kỳ phải đối diện với một tình trạng lạm phát đình trệ. Trở lại hồi tháng Tư, nhà kinh tế học Mohamed El-Erian đã cảnh báo trong một bài báo trên Financial Times rằng hàng loạt ngân hàng sụp đổ hồi tháng Ba đã làm tăng nguy cơ suy thoái và lạm phát đình trệ ảnh hưởng đến nước Mỹ.
Ông viết: “Đèn đỏ nhấp nháy do hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ bị rút tiền hàng loạt ồ ạt, hay điều mà các nhà kinh tế thường gọi là sự lây lan tài chính, đang ở phía sau chúng ta.”
“Thay vào đó, màu đỏ đã chuyển thành màu vàng nhấp nháy do sự lây lan kinh tế diễn biến chậm hơn mà tuyến truyền tải chính của sự lây lan này, đó là hạn chế mở rộng tín dụng của nền kinh tế, làm tăng nguy cơ không chỉ suy thoái mà còn cả lạm phát đình trệ.”
Trong một podcast ngày 20/04, cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers cũng nói rằng lạm phát đình trệ là một “rủi ro thực sự” mà nền kinh tế Hoa Kỳ phải đối mặt. “Với mức lạm phát ngay lúc này và áp lực suy giảm đối với nền kinh tế, tôi chắc chắn nghĩ rằng lạm phát đình trệ là một rủi ro rất rõ ngay lúc này, và đó có thể là một rủi ro được định giá thấp trên các thị trường.”
Gần đây hơn, nói chuyện trong một hội nghị của Bloomberg Invest hồi đầu tháng này, ông John Waldron, giám đốc điều hành của Goldman Sachs, đã cảnh báo về một đợt lạm phát đình trệ “nhỏ” ở Hoa Kỳ.
Ông Waldron nói, “Nếu quý vị muốn vẽ một bức tranh thận trọng hơn, quý vị sẽ cho rằng chúng ta có thể có một tình huống lạm phát đình trệ nhỏ. Đó có thể không phải là lạm phát đình trệ rất lớn, nhưng nếu quý vị có sự tăng trưởng chậm chạp … và lạm phát không thực sự giảm xuống dưới 3% và lãi suất phải duy trì ở mức trên 3% trong một thời gian, thì tình huống đó không được gọi là suy thoái, nhưng cũng sẽ không cảm thấy là tốt được.”
Ông nói, “Đó là tình huống mà chúng tôi dự trù, và lo lắng, bởi vì đó là một tình huống có thể tồn tại trong một thời gian khi quý vị chỉ có tăng trưởng chậm chạp.”
Tăng lãi suất và lạm phát đình trệ
Cục Dự trữ Liên bang đã tăng mạnh lãi suất trong năm qua trong một nỗ lực để kiềm chế lạm phát, do đó đã đẩy lãi suất căn bản từ 0.5% hồi tháng 04/2022 lên mức hiện tại là 5.0–5.25%.
Trong tháng Sáu, Fed giữ nguyên lãi suất, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp. Tuy nhiên, Fed đã thừa nhận rằng hai đợt tăng lãi suất nữa có thể diễn ra trong năm nay.
Trong một hội nghị Trực tuyến về Rủi ro ở London hôm 07/06, ông Anil Jhangiani, người đứng đầu bộ phận giám sát rủi ro đầu tư tại USS Investment Management, đã nêu lên những lo ngại rằng một tình huống lạm phát đình trệ có thể khiến các ngân hàng trung ương phải duy trì việc tăng lãi suất và do đó có nguy cơ mắc “nhiều sai lầm về chính sách hơn.”
Theo Risk.net, ông nói, “Nếu các ngân hàng trung ương vẫn cần tăng lãi suất vào năm 2023, và chúng ta có một môi trường lạm phát đình trệ kéo dài, thì điều đó thực sự có khả năng sẽ ảnh hưởng đến cả danh mục đầu tư trái phiếu và vốn cổ phần.”
“Nếu chúng ta ở trong một thế giới lạm phát đình trệ lâu hơn, chắc chắn điều đó sẽ dẫn đến nhiều vòng xoáy bất mãn, tiền lương — một phần những gì mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay — và tôi nghĩ tình huống đó chỉ có thể làm trầm trọng thêm rủi ro về chính trị.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times