Các nạn nhân bị lừa đảo tại ngân hàng Trung Quốc nỗ lực để tiếng nói của họ được lắng nghe
Khách hàng của các ngân hàng nông thôn của Hà Nam đang tiếp tục tìm cách tiếp cận tiền gửi ngân hàng của họ, vốn đã bị đóng băng kể từ tháng Tư năm ngoái (2022). Họ cũng đang tìm cách để thế giới bên ngoài nghe thấy họ bày tỏ sự thất vọng của mình.
Hôm 02/04, hàng trăm người gửi tiền Trung Quốc đã tập trung trên một cây cầu vượt đông đúc ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam để phản đối và giương những tấm biểu ngữ của họ. Họ đồng thanh hét lên: “Chính quyền Hà Nam, hãy trả lại tiền gửi cho tôi,” và “Ngân hàng Hà Nam, hãy trả lại tiền gửi cho tôi.”
Một người biểu tình đã tiết lộ với The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng, cuộc tụ tập này được tổ chức bí mật. Công an Trung Quốc đã không thể ngăn chặn được cuộc tụ tập này, mặc dù một số người biểu tình đã bị bắt sau đó.
Kẻ mạnh và người cô thế
Ông Xiu (bút danh), người tham gia cuộc biểu tình, cho biết những người gửi tiền này hoàn toàn nhận thức được rằng cuộc biểu tình đó sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông nói, mục đích của họ là để thế giới bên ngoài nghe thấy tiếng nói của họ.
Những người biểu tình muốn thể hiện sự phản đối của họ trên Internet thông qua các video và hình ảnh. “Lần này chúng tôi tổ chức khá bí mật nên chiến dịch này đã thành công. Với khoảng 300 người, chúng tôi đã tạo ra một số ý nghĩa trên mạng trực tuyến.”
Ông Xiu giải thích rằng vì có rất nhiều nạn nhân đến Hà Nam để phản đối mỗi ngày nên công an không thể chú ý đến chỉ vài trăm người trong số họ.
Ông nói: “Chúng tôi đã chọn một khung thời gian khi lực lượng công an ở mức tối thiểu.”
Vào khoảng 5 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 02/04, những người biểu tình đã đến ba địa điểm: Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tân Trịnh (Xinzheng) của Hà Nam, Chi nhánh Tân Trịnh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, và cầu vượt đường cao tốc ở Trịnh Châu. Cầu vượt này cách ngân hàng đó năm phút đi bộ. Ông Xiu cho biết để tránh bị bắt, họ chỉ biểu tình trong thời gian ngắn và sau đó nhanh chóng sơ tán khỏi khu vực này.
Một tiếng gầm giận dữ
Một video được đăng trực tuyến cho thấy những người gửi tiền treo các biểu ngữ có kích cỡ khác nhau trên cầu vượt ở Trịnh Châu, với các thông điệp như “Các thẻ UnionPay có thể được rút trên toàn cầu, tại sao không thể rút ở Hà Nam?” Các khẩu hiệu khác bao gồm “Ngân hàng Hà Nam đã cướp tiền gửi của chúng tôi qua Thẻ UnionPay, nhà nước nên giúp đỡ những người gửi tiền!,” “Ngân hàng Thương mại Nông thôn Hứa Xương, hãy trả lại tiền gửi của tôi,” “Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, hãy trả lại tiền gửi của tôi,” và “Tín dụng Nông thôn Hà Nam Liên minh, hãy trả lại tiền gửi của tôi.” Những người biểu tình cũng đồng thanh hô to các khẩu hiệu của họ.
Một cư dân mạng đã đăng trên mạng xã hội: “Sau một năm đầy nước mắt, những người gửi tiền bằng thẻ UnionPay của Ngân hàng Hà Nam đã bị từ chối rút tiền. Vào sáng sớm hôm 02/04/2023, họ đã gầm lên giận dữ!”
Ông Xiu nói với The Epoch Times rằng cuộc biểu tình của họ được tổ chức để thu hút sự chú ý đến thực tế là những người gửi tiền của Hoa Kỳ tại Ngân hàng Silicon Valley Bank đã nhận được tiền của họ trong vòng ba ngày kể từ khi ngân hàng này bị chuyển giao quyền kiểm soát, do đó minh họa một trong những khác biệt căn bản giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nói: “Một bên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nhưng bên kia lại đẩy người gửi tiền vào ngõ cụt.”
“Chúng tôi đã không lấy lại được tiền gửi của mình. Họ chỉ đang trì hoãn việc tiếp cận tiền tiết kiệm của chúng tôi bằng cách lừa dối và che giấu.”
Ông Xiu cũng tiết lộ rằng sau các cuộc biểu tình này, công an đã bắt giữ hơn 20 người, nhưng tất cả họ đều được thả sau đó.
Hồi tháng 04/2022, nhiều người gửi tiền Trung Quốc nhận thấy quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng của họ ở Hà Nam bị từ chối. Kể từ đó, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra.
Theo cuộc điều tra của Trung Quốc, chính quyền địa phương đã xác định được một doanh nhân tên là Lü Yi, được cho là thủ lĩnh của một băng nhóm tội phạm. Các nhà chức trách cáo buộc rằng băng nhóm này đã thao túng bất hợp pháp bốn ngân hàng nông thôn và hệ thống ngân hàng trực tuyến của các ngân hàng, sau đó dẫn đến vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ USD của hàng trăm ngàn người gửi tiền ngân hàng trên khắp Trung Quốc.
Bản tin có đóng góp của Xia Song và Gu Xiaohua
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times