‘Ông vua M&A’ Bao Phàm của Trung Quốc mất tích làm rung chuyển ngành tài chính
“Ông vua M&A” (Mua bán và Sáp nhập) Bao Phàm của Trung Quốc đã mất tích hơn 50 ngày, gây chấn động giới tài chính và chính trị nước này.
Hôm 03/04, China Renaissance Group, công ty mà ông Bao thành lập, đã thông báo ngừng giao dịch, tạm dừng giao dịch từ 9:00 sáng ngày hôm đó. Việc công bố báo cáo hoạt động thường niên cho năm 2022 cũng đã bị hoãn lại do kiểm toán viên không thể đưa ra báo cáo kiểm toán khi ông Bao vắng mặt.
Ông Bao là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc điều hành (ED), tổng giám đốc (CEO), và cổ đông chi phối của công ty.
Hôm 16/02, ban giám đốc của công ty thông báo rằng họ không thể liên lạc với ông Bao, và hôm 26/02, họ tiết lộ rằng ông đang “hợp tác” với các cuộc điều tra của chính quyền.
Nếu lấy ngày 16/02 làm ngày bắt đầu thì ông Bảo đã mất tích hơn 50 ngày.
Sơ yếu lý lịch ấn tượng
Ông Bao, sinh năm 1970, thành lập Ngân hàng đầu tư Hoa Hưng (China Renaissance Group) năm 2005 khi mới 35 tuổi.
Trước đó, ông từng là giám đốc chiến lược của công ty phần mềm và dịch vụ IT Asiainfo Group có trụ sở tại Trung Quốc. Ông cũng từng làm việc tại các công ty tài chính quốc tế như Morgan Stanley và Credit Suisse, tích lũy được bảy năm kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng đầu tư ở Wall Street.
Ảnh hưởng của ông Bao trong ngành tài chính Trung Quốc là rất lớn.
Năm 2015, Ngân hàng đầu tư Hoa Hưng đã tạo thuận lợi cho bốn vụ sáp nhập và mua lại lớn trong ngành Internet của Trung Quốc: sự hợp nhất của đại công ty dịch vụ gọi xe Didi và Kuaidi, sự hợp nhất của trang rao vặt 58.com và Ganji.com, sự hợp nhất của nền tảng thương mại điện tử phong cách sống Meituan và trang web đánh giá trực tuyến Dianping, và sự hợp nhất của các công ty du lịch trực tuyến Ctrip và Qunar.
Kể từ đó, ông Bao đã tham gia vào hầu hết các hoạt động tài chính lớn, mua bán và sáp nhập, cũng như các thương vụ IPO trong ngành công nghiệp internet của Trung Quốc.
Theo IT Juzi, một nhà cung cấp dịch vụ thông tin doanh nghiệp Trung Quốc, Tập đoàn Đầu tư Hoa Hưng đã môi giới 439 giao dịch công khai với 727 nhà đầu tư khác nhau từ năm 2014 đến năm 2021, trong đó có nhiều nhà đầu tư tên tuổi. Ông không hổ danh là “Vua M&A” ở Trung Quốc.
Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc có liên quan
Một ngày sau khi ông Bao mất tích, ông Lưu Liên Khả (Liu Liange), chủ tịch, giám đốc điều hành, và bí thư Đảng ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), đã bị cách chức.
Một tháng sau, Ngân hàng Trung Quốc tuyên bố rằng ông Lưu đã “tự nguyện” từ chức . Hôm 31/03, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo rằng ông Lưu đang bị điều tra vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ông Lưu đã làm việc trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc từ những năm 1990, nắm giữ các vị trí chủ chốt, trong đó có 11 năm tại Ngân hàng Exim Trung Quốc và sau đó giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc.
Theo tin tức từ tờ Beijing Caixin, các nguồn tin thân cận với Ngân hàng Trung Quốc cho biết trường hợp của ông Lưu có khả năng liên quan đến cuộc điều tra mới đây về trường hợp của ông Bao.
Trước khi ông Lưu bị cách chức, một số giám đốc điều hành cao cấp tại Ngân hàng Trung Quốc đã bị bắt để điều tra từ tháng Bảy đến tháng Chín năm 2022.
Điều khoản trả nợ sớm
Mặc dù Ngân hàng đầu tư Hoa Hưng đã tuyên bố rằng hoạt động kinh doanh và hoạt động của họ hiện đang diễn ra như bình thường, nhưng có thông tin lưu ý rằng công ty này đã ký các thỏa thuận vay vốn với các điều khoản cụ thể.
Vào tháng 05/2021, Ngân hàng đầu tư Hoa Hưng thông báo rằng họ đã nhận được khoản vay hợp vốn đầu tiên kể từ khi niêm yết cổ phiếu. Khoản vay, tổng trị giá 300 triệu USD trong thời hạn ba năm, do Ngân hàng Giao thông (Hồng Kông) đứng đầu và có sự tham gia của các ngân hàng khác như ngân hàng Citibank (Hồng Kông), ngân hàng China Citic Bank International, và ngân hàng Bank of China (Ma Cao).
Thỏa thuận tài trợ này quy định rằng nếu ông Bao không còn là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng đầu tư Hoa Hưng hoặc không còn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị, thì những nhà cho vay chính có thể hủy bỏ các cam kết của họ và yêu cầu trả nợ bắt buộc ngay lập tức tất cả các khoản nợ tồn đọng dưới sự tài trợ này.
Thị trường lo ngại rằng nếu ông Bao không thể thực hiện nghĩa vụ của mình trong một thời gian dài, các chủ nợ có thể mất niềm tin vào Ngân hàng đầu tư Hoa Hưng và khoản vay 300 triệu USD nói trên có thể được yêu cầu trả trước hạn.
Ngân hàng đầu tư Hoa Hưng đã không phúc đáp đề nghị bình luận của The Epoch Times vào thời điểm phát hành bài viết này.
Ông Tập nhắm mục tiêu vào lĩnh vực tài chính
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang giữ kỷ luật trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc, với hàng chục thay đổi nhân sự ở các vị trí điều hành ngân hàng trong năm nay. Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ, trong ba tháng đầu năm 2023, ít nhất mười giám đốc điều hành cao cấp trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã bị điều tra.
Một tuần sau khi ông Bao mất tích, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã đăng một bài báo hôm 23/02 đề cập đến từ “tài chính” 16 lần.
Bài báo nói trên cho rằng ủy ban này đang hướng tới việc loại bỏ “các rủi ro chính trị tiềm ẩn”, loại bỏ tư duy “tinh hoa tài chính” và “lấy phương Tây làm chuẩn”, uốn nắn lại “những quy tắc ngầm” của ngành này, loại bỏ tâm lý “luật pháp không trừng phạt số đông”, và điều tra các vấn đề chẳng hạn như “cổ đông ngầm” và “cửa xoay” (“revolving door”, tức là ngăn chặn các quan chức và cựu quan chức thực hiện vận động hành lang cho doanh nghiệp).
Nhà bình luận chính trị cư trú tại Nhật Bản Quý Lâm (Ji Lin) nói với The Epoch Times hôm 10/04 rằng khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm và thâm hụt tài khóa trở nên nghiêm trọng, khủng hoảng nợ có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Do đó, ông Tập đang thực hiện hành động trong hệ thống tài chính, cố gắng xoa dịu tình hình.
Ông Quý nói rằng lĩnh vực tài chính của Trung Quốc được kiểm soát bởi các gia đình có ảnh hưởng, và qua các cuộc thanh trừng bè phái, ông Tập có thể thay thế các vị trí chủ chốt bằng những người thân tín của mình.
Ông Quý cũng nói rằng giới đầu tư của Trung Quốc có đầy rẫy những quy tắc ngầm liên quan đến sự thông đồng giữa các quan chức và doanh nhân, nơi các ông trùm tư bản nhận được những lợi ích và sự bảo vệ bất hợp pháp từ các quan chức và, đổi lại, hành động như tay chân giấu mặt của các quan chức để giúp thu lợi nhuận và rửa tiền.
Bản tin có sự đóng góp của Vương Giai Nghi
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times