Thảo luận về giảm phát lan truyền rộng rãi trên Internet Trung Quốc, chuyên gia cảnh báo về ‘tài chính trì trệ’
Trong tháng qua (04/2023), các cuộc trò chuyện về giảm phát đã lan truyền trên khắp các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc. Một chuyên gia tài chính chỉ ra rằng Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường và rất khó sử dụng kinh tế học phương Tây để đánh giá.
Hơn nữa, chuyên gia này cho rằng tình trạng “tài chính trì trệ” là vấn đề cần phải giải quyết, nếu không thì nền kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi.
Giảm phát
Hôm 20/04, ông Trâu Lan (Zou Lan), Giám đốc Vụ Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã tuyên bố tại cuộc họp báo trong quý đầu tiên của ngân hàng trung ương này rằng không có cơ sở cho giảm phát hoặc lạm phát dài hạn ở Trung Quốc.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết trong cuộc họp báo ngày 18/04 rằng “giảm phát sẽ không xảy ra” ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận trên mạng về việc liệu Trung Quốc sẽ có giảm phát hay không vẫn chưa dừng lại bất chấp những tuyên bố chính thức này.
Hôm 21/04, tạp chí kinh doanh Sunlian Lifeweek của Trung Quốc đã đăng một bài báo với nhan đề “Có phải giảm phát đang đến? Tại sao giảm phát đáng sợ hơn lạm phát đối với chúng ta?”
Bài báo cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm phát chủ yếu do thiếu hụt nhu cầu trong nước, đồng thời cảnh báo rằng “chỉ dựa vào nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính là không đủ nữa” và việc tiếp tục các chính sách như vậy có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn.
Ông Triệu Kiến (Zhao Jian), viện trưởng sáng lập của Viện Tây Kinh (Xijing Institute), một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Atlantis Capital, đã tán dương trong một bài báo hôm 18/04 rằng ông có thể là người đầu tiên gợi ý rằng Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề giảm phát.
Hôm 24/03, ông Triệu đã viết một bài báo nói rằng thách thức lớn nhất mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt là giảm phát, nhưng việc giảm giá đó không phải là tình huống thuận lợi cho nhóm thu nhập trung bình và thấp.
Giảm phát là ngược lại với lạm phát. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn, nhưng nguồn cung hàng hóa lại dư thừa, buộc các doanh nghiệp phải bán hàng với giá thấp hơn.
Giảm phát có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng khi các công ty cắt giảm nhân sự do nhu cầu thấp. Thất nghiệp và thu nhập thấp hơn sẽ dẫn đến suy giảm khả năng trả nợ, từ đó sẽ gây ra khủng hoảng ngân hàng.
Trong bài báo hồi tháng Ba của ông Triệu, ông chia giảm phát thành bốn loại: 1) giảm phát thu hẹp thu nhập, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp cao và thu nhập giảm; 2) giảm phát dư thừa công suất, chẳng hạn như nhu cầu trong nước thấp và đơn đặt hàng xuất cảng giảm; 3) giảm phát suy thoái nợ, chẳng hạn như người dân trả nợ sớm và chính quyền địa phương rơi vào bẫy nợ; 4) giảm phát kỳ vọng đình trệ, chẳng hạn như người dân ưu tiên tiết kiệm hơn so với chi tiêu, doanh nghiệp tư nhân thiếu tự tin, và nhu cầu đầu tư giảm đáng kể.
Liên quan đến cuộc tranh luận rộng rãi về việc liệu Trung Quốc có đang trải qua giảm phát hay không, ông Triệu tin rằng các cuộc thảo luận của họ chủ yếu tập trung vào loại giảm phát do thiếu hụt nhu cầu.
Trong bảng phân tích giá tiêu dùng tháng Ba, so với cùng thời kỳ năm trước, thực phẩm, thuốc lá, và rượu bia tăng 2.0%, quần áo tăng 0.8%, đồ gia dụng và dịch vụ tăng 0.7%, giáo dục tăng 1.4%, văn hóa, giải trí, và chăm sóc sức khỏe tăng 1%, trong khi các hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng lớn nhất là 2.5%.
Ông Triệu tin rằng lạm phát như vậy là dài hạn, mang tính cấu trúc, và do chi phí đẩy. Ông nói, kiểu lạm phát này không những không kích thích được nền kinh tế mà còn có xu hướng rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn.
‘Nền kinh tế bị bóp méo’ của Trung Quốc
Ông Tống Duy Tuấn (Albert Song), một nhà nghiên cứu tại Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Thiên Quân (TJPE), nói với The Epoch Times hôm 24/04 rằng “Trung Quốc không phải là một nền kinh tế thị trường trọn vẹn, đó là một nền kinh tế bị bóp méo dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì vậy rất khó để sử dụng mô tả về giảm phát và lạm phát của lý thuyết kinh tế phương Tây để đánh giá tình trạng hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông Tống có 27 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc.
Theo ông Tống, về tổng thể, suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc là xu hướng chính. Nhiều yếu tố đang tác động, bao gồm sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài, sự tách rời của Trung Quốc khỏi các quốc gia khác, và nhiều vấn đề nội bộ khác nhau.
‘Tài chính trì trệ’
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với The Epoch Times hôm 13/04, ông Tống đã nói về vấn đề “tài chính trì trệ”. Điều đó có nghĩa là tiền luân chuyển trong hệ thống tài chính mà không đi vào nền kinh tế thực.
“Hiện tượng ‘tài chính trì trệ’ mà tôi đã đề cập nhiều lần rất đáng để chúng ta lưu tâm. Chính sách tiền tệ của Trung Quốc vốn đã rất lỏng lẻo, đến mức có rất ít dư địa để giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trước đây, thị trường chứng khoán và địa ốc là hai bể chứa tài chính. Nhưng hiện tại, thị trường chứng khoán không hoạt động tốt và thị trường địa ốc cũng không được cải thiện.” Ông cho hay, “Một lượng lớn thanh khoản dư thừa không có chỗ để chảy vào và cuối cùng có thể được sử dụng cho các dự án đầu tư không hiệu quả và lợi nhuận thấp, dẫn đến dữ liệu kinh tế đẹp nhưng nền kinh tế ngày càng nguội lạnh.”
Nói chuyện tại Diễn đàn Quản lý Tài sản Toàn cầu hôm 18/03, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung Quốc Lưu Kim (Liu Jin) đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng “tài chính trì trệ.” Ông đã nhấn mạnh rằng tài chính phải phục vụ nền kinh tế thực. Nếu sự phát triển tài chính trở nên quá mức và bị ngắt kết nối với nhu cầu của nền kinh tế thực, thì nó có thể dẫn đến bong bóng kinh tế, với thanh khoản dư thừa luân chuyển trong hệ thống tài chính và làm tăng chi phí tài chính cho nền kinh tế thực. Hơn nữa, khủng hoảng tài chính và kinh tế có thể sẽ kích hoạt nếu như bong bóng bị vỡ.
Hiện tại, thị trường địa ốc của Trung Quốc đang tiếp tục suy giảm. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm 18/04, đầu tư phát triển địa ốc trong quý đầu tiên của năm 2023 giảm 5.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó đầu tư nhà ở giảm 4.1%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times