Niềm tin của các nhà đầu tư ngoại quốc lung lay trước khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc
Khi cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc ngày càng gia tăng — do hai nhà phát triển địa ốc nổi tiếng nhất của quốc gia này không thực hiện đúng các cam kết nợ của họ và một công ty tín thác trì hoãn thanh toán các sản phẩm tài sản đáo hạn — thì niềm tin của các nhà đầu tư đã lại một lần nữa bị lung lay.
Country Garden, nhà phát triển địa ốc tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đang lần đầu tiên tìm cách trì hoãn thanh toán trái phiếu tư nhân trong nước — dấu hiệu mới nhất của cuộc khủng hoảng khan hiếm tiền mặt trong lĩnh vực địa ốc — sau khi tạm dừng giao dịch ít nhất 10 trái phiếu trong nước và đang hướng tới một cuộc đàm phán dàn xếp nợ. Cổ phiếu của công ty này đã trượt xuống một mức thấp lịch sử, phản ánh tình trạng khó khăn tài chính của công ty.
Tập đoàn Viễn Dương (Sino-Ocean Group Holding Ltd.), một nhà phát triển do nhà nước hậu thuẫn khác, đã không thanh toán lãi suất cho hai loại trái phiếu phát hành bằng đồng USD theo đúng thời hạn ban đầu, làm tăng nguy cơ vỡ nợ, trong khi trái phiếu của họ đã giảm xuống mức vô cùng tệ hại là 15 xu hoặc thấp hơn.
Và để làm tăng thêm lo lắng về rủi ro lây lan, thì Công ty Cổ phần Tín thác Trung Dung (Zhongrong International Trust Co.) — một công ty tín thác lớn của Trung Quốc có truyền thống liên quan nhiều tới địa ốc — đã không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của công ty đối với một số sản phẩm đầu tư.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng sự gia tăng tình trạng vỡ nợ của các công ty tín thác — còn được biết đến như là các ngân hàng ngầm, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực địa ốc trong nước — sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại trong các nhà đầu tư ngoại quốc rằng lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 GDP của quốc gia này, đang phải đối diện với một thời kỳ suy xét trong bối cảnh các cuộc đàn áp quy định, bùng phát COVID-19, và tăng trưởng chậm lại.
Bắc Kinh đã ban hành một số quy định mới trong ba năm qua đối với những ngành kinh tế nền tảng của quốc gia, gồm thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe, và các dịch vụ dựa trên internet khác, và đàn áp mạnh mẽ các đại công ty nhằm kiểm soát lĩnh vực địa ốc.
Các nhà đầu tư ngoại quốc được cho là đang tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu và chứng khoán của Trung Quốc, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh về giá trị của các tài sản tài chính bằng đồng nhân dân tệ do người ngoại quốc nắm giữ trong quý đầu tiên của năm 2022.
Đầu tháng Tám, HSBC đã báo cáo rằng mức liên quan tới địa ốc thương mại tại Hoa lục của họ vào cuối tháng Sáu là 14.3 tỷ USD, giảm so với mức 19.8 tỷ USD vào cùng thời điểm năm 2022.
Standard Chartered cũng tiết lộ họ đã giảm mức liên quan đến địa ốc xuống còn khoảng 3 tỷ USD từ mức 3.7 tỷ USD của một năm trước đây.
Hôm thứ Hai (14/08), chứng khoán Hoa Kỳ đã khởi đầu tuần lễ với việc giảm điểm, khi các nhà đầu tư giữ quan điểm thận trọng trước khi có dữ liệu then chốt về chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh lo ngại về lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc.
Ba chỉ số chính của Hoa Kỳ mở cửa thấp hơn vào hôm thứ Hai (14/08), với Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones giảm 0.21%, S&P 500 giảm 0.17%, và Chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm 0.19% trong đầu phiên giao dịch. Việc mở cửa ảm đạm đã diễn ra sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu, với chỉ số chứng khoán thế giới MSCI, theo dõi cổ phiếu ở 45 quốc gia, giảm 0.66%.
Chi phí vay dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng lên do sự tháo chạy của dòng vốn, góp phần làm đồng nhân dân tệ mất giá so với các loại tiền tệ khác.
Kể từ đầu tháng Hai, đồng nhân dân tệ đã mất 8.4% giá trị so với đồng USD do kinh tế Trung Quốc suy thoái, các cuộc đàn áp bằng quy định, các biện pháp phòng chống đại dịch, và việc nới lỏng tiền tệ.
Triển vọng thương mại của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do sự mất giá của đồng nhân dân tệ, làm giảm chi phí xuất cảng nhưng lại làm tăng chi phí nhập cảng và trả nợ. Do đó, các nhà đầu tư ngoại quốc đã cảnh giác với việc nắm giữ tài sản của Trung Quốc hoặc thực hiện công việc kinh doanh tại Trung Quốc.
Nhưng tin tức về việc công ty Trung Dung chậm thanh toán đã giáng một đòn mới vào tâm lý của các nhà đầu tư. Các công ty tín thác, còn được biết đến như là các ngân hàng ngầm, làm trung gian cho số tiền thu được từ các sản phẩm về tài sản mà ngân hàng bán cho các nhà phát triển và các lĩnh vực khác vốn không thể trực tiếp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Các lĩnh vực ngân hàng thương mại và đầu tư, quỹ cổ phần tư nhân, và quản lý tài sản toàn bộ đều được gom trọn trong hoạt động kinh doanh tín thác của Trung Quốc, nơi tập hợp tiền của khách hàng để cung cấp các khoản cho vay và các khoản đầu tư vào các tài sản hữu hình và vô hình như địa ốc, cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, và kể cả những thùng cao lương (lúa miến).
Không có tổ chức tài chính nào khác kinh doanh được với toàn bộ những loại tài sản này. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc trong những năm gần đây cũng gây căng thẳng cho ngành tín thác, với việc các tập đoàn vỡ nợ với các gói đầu tư gắn liền với các nhà phát triển địa ốc.
‘Vòng luẩn quẩn’
JPMorgan được cho là đã dự đoán một “vòng luẩn quẩn” của những khó khăn về tài chính địa ốc trong một báo cáo nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai (14/08), nêu rằng việc vỡ nợ tín chấp gia tăng sẽ trực tiếp làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 0.3 đến 0.4 điểm phần trăm.
Theo một lưu ý riêng của Nomura, làn sóng vỡ nợ mới của các doanh nghiệp quản lý tài sản trong các sản phẩm liên quan đến tín thác được dự đoán sẽ tạo ra một số hậu quả lớn cho nền kinh tế nói chung thông qua các tác động của tài sản.
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times