Các chuyên gia Hoa Kỳ lo ngại về việc Trung Quốc lũng đoạn thị trường công nghệ vi mạch bán dẫn thế hệ cũ hơn
Cùng với việc các công ty Trung Quốc ngày càng tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất các chất bán dẫn thế hệ cũ, các chuyên gia ở Hoa Kỳ và thế giới phương Tây lo ngại rằng sự phát triển này đặt ra một mối đe dọa an ninh quốc tế đáng kể.
Các vi mạch bán dẫn thế hệ cũ vẫn đóng vai trò rất then chốt đối với các công nghệ khác nhau. Chẳng hạn, vi mạch bán dẫn 28 nanomet đã được sử dụng từ năm 2011 trong vũ khí, xe cộ, thiết bị Internet vạn vật, v.v. Tầm quan trọng của những vi mạch bán dẫn như vậy đối với nền kinh tế toàn cầu đã trở nên rõ ràng trong những năm gần đây khi một đợt thiếu hụt những vi mạch này đã dẫn đến việc sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng và xe hơi bị gián đoạn rộng khắp trên toàn cầu.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã sử dụng sự thống trị của mình trong các công nghệ then chốt để xuất ồ ạt các sản phẩm giá rẻ sang các thị trường quốc tế đồng thời đè bẹp đối thủ cạnh tranh.
Ông Matt Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng Trung Quốc có thể làm điều tương tự với những vi mạch bán dẫn thế hệ cũ hơn, chỉ ra cách quốc gia này thống trị thị trường thiết bị viễn thông 5G và các tấm quang điện.
Ông Pottinger nói: “Điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy cưỡng ép đối với mọi quốc gia và ngành công nghiệp — dù thuộc quân sự hay dân sự — vốn phụ thuộc vào các vi mạch bán dẫn 28 nanomet, hơn nữa những vi mạch đó chiếm một phần lớn, rất lớn của thế giới vi mạch bán dẫn.”
Nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (Semiconductor Manufacturing International Corp. – SMIC), được Bắc Kinh hậu thuẫn, đã công bố bốn cơ sở chế tạo mới kể từ năm 2020. Theo ông Samuel Wang, nhà phân tích vi mạch bán dẫn của Gartner, khi các cơ sở này đi vào hoạt động, sản lượng của công ty này có thể tăng hơn ba lần.
Ông Wang nói với Reuters, “Tất cả những điều này sẽ bắt đầu có tác động từ đầu năm 2024 và sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2027.”
Những lo lắng về việc Trung Quốc sử dụng vi mạch bán dẫn tân tiến để tạo lợi thế cho mình đã khiến Hoa Thịnh Đốn đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới hồi tháng Mười. Những hạn chế này đã ngăn Trung Quốc tiếp cận một số vi mạch bán dẫn tân tiến và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến được sản xuất bằng các công nghệ Hoa Kỳ.
Tháng 09/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã viết thư cho các công ty Hoa Kỳ nói rõ rằng hàng xuất cảng sang SMIC gây ra một “nguy cơ không thể chấp nhận được” về việc bị chuyển sang “mục đích sử dụng quân sự.”
Hoa Thịnh Đốn lo ngại về chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn tìm cách nâng cao sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp tư nhân và quân sự để thúc đẩy đổi mới.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố hồi năm 2020, “ĐCSTQ đang thực hiện chiến lược này, không chỉ thông qua các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của riêng họ, mà còn bằng cách mua lại và chuyển hướng các công nghệ tân tiến của thế giới — trong đó có thông qua hành vi trộm cắp — nhằm đạt được sự thống trị quân sự.”
Vụ kiện tại WTO về việc mua lại các nhà máy vi mạch bán dẫn phương Tây
Trung Quốc đã mở một cuộc tranh chấp thương mại chống lại Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì các biện pháp kiểm soát vi mạch bán dẫn của nước này. Bắc Kinh đang cáo buộc Hoa Thịnh Đốn hành động chống lại lợi ích của Trung Quốc và đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn đã bác bỏ khi cho rằng những tuyên bố như vậy là không hợp lệ tại tổ chức này.
Ông Adam Hodge, phát ngôn viên của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố với Reuters, “Chúng tôi đã nhận được một yêu cầu tham vấn [từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] liên quan đến một số hành động nhất định của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến các chất bán dẫn.”
“Như chúng tôi đã thông báo với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những hành động nhắm mục tiêu này liên quan đến an ninh quốc gia, đồng thời WTO không phải là diễn đàn thích hợp để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.”
Trung Quốc đang cố gắng giành được các tài sản bán dẫn ở phương Tây nhưng đang đối mặt với những thách thức, vì nhiều chính phủ không muốn cho phép Bắc Kinh kiểm soát một ngành công nghiệp trọng yếu như vậy.
Hồi tháng Mười Một, chính phủ Vương quốc Anh đã ra lệnh cho một công ty Hà Lan thuộc sở hữu của Trung Quốc phải bán phần lớn cổ phần trong một nhà máy bán dẫn của xứ Wales mà họ đã mua. Chính phủ này đã kết luận rằng thương vụ thâu tóm đó vi phạm luật an ninh quốc gia của nước này.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times