Chuyên gia: Lệnh cấm vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cần được thực thi nghiêm ngặt để ngăn chặn Bắc Kinh lách luật
Theo các chuyên gia, trong khi nhiều người cho rằng lệnh cấm xuất cảng rộng rãi công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc của chính phủ tổng thống (TT) Biden là một đòn giáng mạnh vào tham vọng kinh tế và quân sự của chính quyền Trung Quốc, thì sự thành công của các biện pháp này cuối cùng phụ thuộc vào việc thực thi.
Hồi tháng Mười, Bộ Thương mại đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng rộng rãi nhằm hạn chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mua và sản xuất một số vi mạch bán dẫn cao cấp được sử dụng trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và máy siêu điện toán, kể cả trong các ứng dụng quân sự.
Các biện pháp này cũng cấm công dân Hoa Kỳ và người sở hữu thẻ xanh (green card) thực hiện một số chức năng nhất định tại các công ty vi mạch bán dẫn Trung Quốc khi không có một giấy phép nào nhằm nỗ lực ngăn chặn nhân tài Hoa Kỳ hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Trong tháng Mười Hai, chính phủ TT Biden đã mở rộng lệnh cấm bằng cách thêm 36 tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen của mình, trong đó có 21 nhà sản xuất vi mạch bán dẫn AI, chẳng hạn như nhà sản xuất vi mạch bán dẫn bộ nhớ lớn nhất Trung Quốc Yangtze Memory Technologies.
Theo một cựu quan chức Hoa Kỳ, với lịch sử luôn tìm cách lách luật xuất cảng của chính quyền này bằng cách tìm ra lỗ hổng và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp, Hoa Thịnh Đốn nên tiếp tục thận trọng.
“Nghi vấn đặt ra là liệu chính phủ Hoa Kỳ có đủ nguồn lực để thực thi đầy đủ các quy tắc này hay không và liệu chính quyền Trung Quốc có cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ chế độ hiển thị và quyền truy cập kiểm tra cần thiết để thực thi hay không?” bà Nazak Nikakhtar, một thành viên cao cấp của Viện Ngoại giao Công nghệ Krach tại Purdue đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Bà Nikakhtar, cũng là cựu trợ lý thư ký và thứ trưởng Bộ Thương mại, tin rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc và các nhà quan sát sẽ phần nào mong đợi những lệnh cấm xuất cảng này.
“Nói chung, không có gì ngạc nhiên khi chính phủ Hoa Kỳ đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất cảng cứng rắn hơn đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc nói chung,” bà Nikakhtar nói.
“Thật thú vị, một số quy tắc mới này là chủ đề của các báo cáo do các cá nhân làm việc tại các tổ chức tư vấn trước khi gia nhập chính phủ Biden soạn thảo.”
Lách luật
Bà Nikakhtar cảnh báo rằng Trung Quốc hiểu các quy tắc xuất cảng của Hoa Kỳ có những lỗ hổng mà Bắc Kinh có thể khai thác thông qua các mạng lưới và cách tiếp cận không rõ ràng của mình.
“Trung Quốc có một hệ thống đánh lạc hướng tinh vi, lâu đời, trong đó họ thu mua bất hợp pháp các mặt hàng được kiểm soát vốn trước đây đã được xuất cảng hợp pháp từ Hoa Kỳ ra hải ngoại,” bà nói.
“Tóm lại, các quy tắc của chúng ta chắc chắn gây bất tiện cho người Trung Quốc nhưng nhìn chung lịch sử cho thấy hệ thống của Trung Quốc có thể được tái cấu hình để lách các quy tắc của chúng ta.”
Theo bà Nikakhtar, một cách để nghiên cứu tác động của lệnh cấm kiểm soát xuất cảng chất bán dẫn cao cấp đối với Trung Quốc là đo lường sự tăng trưởng hoặc thu hẹp của các ngành công nghiệp liên quan của Trung Quốc trong thời gian từ 12 đến 36 tháng.
Bà Nikakhtar nói: “Nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển khả năng của mình, điều đó sẽ báo hiệu cho chính phủ và Quốc hội rằng chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận đối với các biện pháp kiểm soát xuất cảng và theo đuổi các quy tắc rộng lớn hơn không có lỗ hổng nữa.”
Ông Dustin Carmack, một nhà nghiên cứu về an ninh mạng, trí thông minh, và các công nghệ mới nổi thuộc The Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống, tin rằng ngay cả khi “một tiêu chuẩn kiểm soát xuất cảng hiệu quả và khả thi có thể được khai triển và mở rộng,” thì cũng sẽ không giải quyết được trong một sớm một chiều các vấn đề về sự đi lên của Trung Quốc trong ngành AI, máy siêu điện toán, các lĩnh vực công nghệ cao khác trợ giúp cho quân đội của họ.
Ông Carmack nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng: “Tuy nhiên, điều đó có thể chứng minh hiệu quả cao trong việc hạ gục họ và gây tổn hại nghiêm trọng đến một số khả năng và tốc độ phát triển nhanh chóng của họ.”
Kiểm soát thời gian
Để đối phó với các biện pháp kiềm chế vi mạch bán dẫn, hôm 12/12, tại Tổ chức Thương mại Thế giới, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một thách thức chống lại Hoa Kỳ, gọi các biện pháp này là “chủ nghĩa bảo hộ thương mại.”
Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn khẳng định rằng các biện pháp kiềm chế này được đưa ra để bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Một quan chức cao cấp của Đài Loan nói với The Epoch Times với điều kiện ẩn danh rằng thời điểm ban hành lệnh cấm vi mạch bán dẫn đã khiến chính quyền Trung Quốc bất ngờ vì Bắc Kinh nghĩ rằng họ có nhiều thời gian hơn để bắt kịp lĩnh vực này.
Quan chức này cho biết con đường tức thời còn lại duy nhất cho ĐCSTQ là tạo ra các rào cản pháp lý đối với Hoa Kỳ.
“Lệnh cấm này rất xuất sắc theo nghĩa ‘Nghệ thuật Quân sự’ truyền thống,” ông nói, đề cập đến binh pháp của Trung Quốc.
“Chúng ta biết sự xung đột giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ là không thể tránh khỏi (thực ra đã diễn ra trong nhiều năm qua; chỉ là phương Tây không nhận ra điều đó.) Nếu chúng ta không thể kiểm soát/tránh xung đột như vậy, thì ít nhất chúng ta có thể kiểm soát thời điểm và hí trường nơi trận chiến tiếp theo diễn ra. Đó là lệnh cấm vi mạch bán dẫn này — vốn dĩ sẽ lấy lại quyền kiểm soát nhịp độ.”
Ông nói thêm: “Điều tôi đang cố gắng nói là ĐCSTQ có thể tin tưởng tuyên truyền của chính họ rằng các nền dân chủ là không hiệu quả và thiển cận, vốn dĩ đúng trong hầu hết các trường hợp nhưng không phải lúc này.”
Quan chức này tin rằng thế giới nên kỳ vọng lệnh cấm của Hoa Kỳ sẽ được “hiệu chỉnh và điều chỉnh” theo thời gian vì các biện pháp này đang giải quyết lệnh cấm dựa trên công nghệ và quốc gia cụ thể mà sẽ có nhiều biến số chưa biết và hậu quả không lường trước được.
Bất chấp khả năng có những rào cản pháp lý và thách thức đối với việc thực thi, nguồn tin Đài Loan vẫn lạc quan rằng các biện pháp này sẽ đạt được mục đích của chúng. Ông chỉ ra các ngành công nghiệp phương Tây, chẳng hạn như Hollywood, đang dần tách mình ra khỏi lợi ích của Trung Quốc.
Ông nói: “Lịch sử đứng về phía chúng ta. Các doanh nghiệp vẫn có thể phát triển thịnh vượng mà không cần ĐCSTQ.”
“Tôi nghĩ có nhiều cách để đẩy nhanh tiến trình này hoặc chuyển tiến trình theo hướng có lợi cho chúng ta,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng nếu lệnh cấm xuất cảng được thực thi đầy đủ, sẽ lệnh này sẽ loại bỏ hoàn toàn khả năng sản xuất vi mạch bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.
Hoàng Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times