Hoa Kỳ hay Trung Quốc, Hà Lan phải chọn bên trong cuộc chiến vi mạch bán dẫn
Hồi tháng Tám, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành một dự luật lưỡng đảng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Dự luật nhằm tạo ra nhiều nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn hơn này đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi — vì một lý do chính đáng. Được mệnh danh là Đạo luật CHIPS và Khoa học, dự luật này đã cam kết hàng chục tỷ USD cho các công ty Hoa Kỳ sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán. Hơn nữa, một số loại vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất nhất định hiện bị cấm xuất cảng sang Trung Quốc.
Một số người sẽ nói đây là chiến thắng cho Hoa Kỳ. Nhưng đừng vội mừng. Chỉ có một vấn đề tồn tại — và đó là một vấn đề lớn. Hà Lan, quê hương của một trong những nhà sản xuất vi mạch bán dẫn quan trọng nhất trên thế giới, dường như rất ít quan tâm đến Đạo luật CHIPS và Khoa học. Tuy nhiên, điều mà họ có vẻ quan tâm là giúp Trung Quốc đạt được ưu thế về chất bán dẫn so với Hoa Kỳ.
Hà Lan được biết đến với xe đạp, hoa tulip, cối xay gió, giày gỗ, và người dân có chiều cao lớn. Trong thời gian gần đây, họ đã đối xử với những người biểu tình ôn hòa như những tên côn đồ ngang ngược. Có lẽ điều này giải thích tại sao chính phủ Hà Lan háo hức đón nhận Trung Quốc, một quốc gia khác cũng nhìn những người biểu tình ôn hòa với cái nhìn phản cảm.
Có trụ sở chính tại Veldhoven, một thị trấn nhỏ phía tây nam của Eindhoven, Advanced Semiconductor Materials Lithography, thường được gọi là ASML, được cho là công ty bán dẫn quan trọng nhất. Điều này là do đây là công ty duy nhất chuyên chế tạo các máy quang khắc siêu cực tím (EUV). Các máy quang khắc này có một tầm quan trọng không thể xem thường. ASML đang sử dụng một loại thiết bị quang khắc mang tính cách mạng buộc phải có để làm ra các vi mạch xử lý tân tiến.
Như kinh tế gia người Mỹ David P. Goldman đã thảo luận gần đây, ASML đã lớn tiếng “phản đối yêu cầu quan trọng của Hoa Kỳ là ngừng bán máy móc của họ cho Trung Quốc.” Hơn nữa, ông cho biết thêm, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Hà Lan sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của chính phủ Tổng thống Biden, ngay cả khi một số bản tin gợi ý điều ngược lại.
Mà tại sao họ phải làm vậy chứ? Xét cho cùng, như ông Goldman đã lưu ý, ASML đã bán được khoảng 200 máy quang khắc tia cực tím sâu (DUV) cho các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn ở Trung Quốc. Nói một cách dễ hiểu về hoạt động buôn bán này, một trong những chiếc máy đó có mức giá đáng kinh ngạc là 160 triệu USD (ASML hiện đang nghiên cứu một bản nâng cấp có thể có giá lên tới 400 triệu USD).
Ông Goldman dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher, người mà khi được hỏi về việc bán thiết bị cho Trung Quốc, đã trả lời rằng điều quan trọng là Hà Lan phải bảo vệ những lợi ích của bản thân nước này, trong đó có “an toàn quốc gia” và “các lợi ích kinh tế” của đất nước. Điều quan trọng cần nhớ là Trung Quốc đã sản xuất nhiều chất bán dẫn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Hoa Kỳ. Trên thực tế, Trung Quốc hiện sản xuất ¼ tổng số chất bán dẫn đang lưu hành. Đến năm 2025, Trung Quốc có kế hoạch dồn hơn 1.4 ngàn tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn (trong khi đó, Đạo luật CHIPS chỉ bơm 52 tỷ USD vào những cố gắng tương tự). Bắc Kinh rất nghiêm túc trong vấn đề này. Khi mối bang giao của Trung Quốc với Hà Lan trở nên ấm nồng hơn, vòng kiềm tỏa sắt đá của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp bán dẫn chắc chắn sẽ chặt chẽ hơn. Hoa Kỳ có thể thấy mình bị bỏ lại phía sau rất xa.
Mối bang giao ngày càng phát triển giữa Hà Lan và Trung Quốc
Trong nhiều năm, Hà Lan được xem là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Ngày nay, mối bang giao của họ với Hoa Kỳ mặc dù không đến nỗi tệ, nhưng không thực sự bền chặt. Nhưng cùng lúc, mối bang giao của Hà Lan với Trung Quốc chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.
Đã 50 năm kể từ khi quan hệ ngoại giao cấp đại sứ giữa Trung Quốc và Hà Lan được thiết lập. Hà Lan hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc ở Âu Châu. Rất nhanh chóng, nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra, thì Hà Lan có thể trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nước đang hợp tác không ngừng để “tăng cường trao đổi ở cấp cao, củng cố sự tín nhiệm chính trị lẫn nhau, và giữ cho mối bang giao song phương đi đúng hướng.” Gạt những tuyên bố mơ hồ này sang một bên, thì công nghệ tân tiến là động lực chính cho đầu tư của Trung Quốc vào Hà Lan. Còn gì tân tiến hơn máy móc bán dẫn công nghệ cao?
Việc Hà Lan đi theo Trung Quốc phải được nhìn nhận ở phạm vi rộng hơn.
Các đối thủ nặng ký khác ở Âu Châu như Pháp và Đức cũng đang háo hức đi theo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Khi tôi viết bài này, chính phủ Pháp đang tích cực hợp tác với Bắc Kinh để xây dựng bảy dự án cơ sở hạ tầng ở Phi Châu, Đông Nam Á, và một phần của Đông Âu. Trong khi đó, Đức, quốc gia hùng mạnh nhất Âu Châu, thấy mình phải chịu ơn Bắc Kinh. Chúng ta được cho biết rằng, nền kinh tế Đức chỉ đơn giản là sẽ sụp đổ nếu không có sự trợ giúp từ Trung Quốc. Giống như Hà Lan, số phận của hai quốc gia này — tôi có thể nói thêm là hai đồng minh trung thành của Hoa Kỳ — gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc.
Liệu Hoa Kỳ, “thành phố trên đồi,” có còn quyền uy mà quốc gia này từng có cách đây năm hay mười năm không? Câu hỏi đó còn phải tranh luận, nhưng quý vị có thể sẽ được tha thứ nếu trả lời bằng một chữ “không!” vang dội. Đối với một số quốc gia phương Tây, “thành phố” này đã mất đi sức hấp dẫn của mình. Đó là lý do tại sao những quốc gia phương Tây này đang tìm kiếm sự trợ giúp từ phương Đông, chứ không phải là phương Tây, dù là về tài chính hay phương diện khác.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times