Tòa Bạch Ốc lên án Trung Quốc sau lệnh cấm Micron nhưng vẫn duy trì đường dây liên lạc cởi mở
Tòa Bạch Ốc đã lên án chính quyền Trung Quốc vì lệnh cấm mua các vi mạch bộ nhớ từ công ty Micron của Hoa Kỳ, gọi đó là hành động trả đũa đối với tuyên bố gần đây của Nhóm Bảy Đại cường quốc (G-7), nhưng cho biết lệnh trừng phạt của Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng đến những nỗ lực cải thiện giao thiệp với Trung Quốc của Hoa Thịnh Đốn.
Trong một cuộc họp báo hôm 24/05 ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, tuyên bố rằng việc chính quyền Trung Quốc áp lệnh cấm mua vi mạch của Micron do lo ngại về an ninh là “vô căn cứ.”
Ông Kirby lưu ý rằng lệnh cấm của Bắc Kinh là sự trả đũa cho một tuyên bố chung mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo G-7 hôm 20/05 để cùng hợp lực chống lại những chiến thuật kinh tế cưỡng bách và không công bằng mà chế độ cộng sản Trung Quốc sử dụng.
“Đây rõ ràng là một nỗ lực làm suy yếu lập trường mạnh mẽ mà G-7 đã đưa ra nhằm phản đối sự chèn ép kinh tế,” ông Kirby nói, đồng thời lưu ý rằng lệnh cấm mà Bắc Kinh đưa ra chỉ “một ngày sau khi các nhà lãnh đạo G-7 đưa ra tuyên bố đầu tiên về khả năng phục hồi và an ninh kinh tế” để chống lại các hoạt động kinh tế mang tính cưỡng bách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 21/05, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo rằng các sản phẩm của Micron không vượt qua đánh giá an ninh mạng và Trung Quốc sẽ cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua các sản phẩm từ Micron. CAC không nêu chi tiết về những rủi ro mà cuộc điều tra đã phát hiện ra cũng như không nêu cụ thể những sản phẩm nào của Micron sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, lệnh cấm của Bắc Kinh sẽ chỉ ảnh hưởng phần nào đó đến doanh số bán hàng của Micron tại Trung Quốc, vì lệnh cấm hiện chỉ giới hạn đối với “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.” Hầu hết các vi mạch của Micron được sử dụng trong các sản phẩm điện tử như điện thoại di động và máy điện toán cá nhân và sẽ không bị ảnh hưởng.
Vi mạch bán dẫn: Tâm điểm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung
Cuộc chiến về vi mạch bán dẫn là một trong những cuộc đối đầu gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh mối bang giao giữa hai nước đã giáng xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Tháng 10/2022, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã thi hành các hạn chế hoàn toàn đối với việc xuất cảng vi mạch tân tiến và thiết bị sản xuất vi mạch sang Trung Quốc, nhằm ngăn không cho chính quyền Trung Quốc sử dụng các loại vi mạch tối tân để phát triển thiết bị quân sự và giám sát.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G-7, chính phủ Nhật Bản đã mời Micron, Intel, Samsung, TSMC, và các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn khác mở rộng đầu tư vào thị trường Nhật Bản đồng thời xây dựng một chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn không phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hôm 23/05, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch ủy ban đặc biệt của Hạ viện Hoa Kỳ về vấn đề Trung Quốc, đã thúc giục chính phủ TT Biden đưa ra lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc liên quan đến lệnh cấm Micron và đề nghị Bộ Thương mại áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với công ty Bộ nhớ Trường Hâm (Changxin Memory) của Trung Quốc để đáp lại hành động trả đũa trên.
Ông Thẩm Vĩnh Khâm (Shen Rongqin), một phó giáo sư tại Đại học York ở Canada, nói với The Epoch Times rằng những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sẽ còn tiếp diễn.
Ông Thẩm cho biết: “Khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh phong tỏa chất bán dẫn toàn diện đối với Trung Quốc, từ thiết kế vi mạch (IC) đến đóng gói và thử nghiệm tân tiến, Micron có thể đã nhìn thấy điều này (Lệnh cấm của Bắc Kinh) sẽ đến và đã chuẩn bị tinh thần.”
Đường dây liên lạc vẫn mở
Ông Kirby cũng nói rằng Tòa Bạch Ốc vẫn sẽ cố gắng cải thiện đường dây liên lạc với Bắc Kinh bất chấp lệnh cấm Micron.
“Các cuộc thảo luận và các đường dây liên lạc mà chúng tôi đang cố gắng để mở, vẫn đang mở,” ông nói.
Ông lưu ý rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã diễn thuyết tại Nhật Bản trong hội nghị thượng đỉnh G-7 tuần trước rằng sự kiện khinh khí cầu do thám Trung Quốc “đã thay đổi mọi thứ,” nhưng “tôi nghĩ quý vị sẽ thấy trạng thái đó đang bắt đầu tiêu tan rất nhanh.”
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times