Chuyên gia: Hoa Kỳ bật đèn xanh cho sản xuất vi mạch bán dẫn trong khi tách rời khỏi Trung Quốc
Theo tác giả, ký giả, và doanh nhân truyền thông Rebecca Fannin, khi cuộc chiến vi mạch bán dẫn nóng lên, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang nỗ lực trong việc tách rời và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bà Fannin gần đây đã nói với “China in Focus” trên NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times: “Tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến sự tách rời này của Trung Quốc đi theo hướng của họ còn thế giới phương Tây thì đi theo một con đường khác. … Xu hướng này sẽ tiếp tục leo thang từ cả hai bên.”
Theo ý kiến của bà, mối bang giao Mỹ-Trung đang ở thời điểm tồi tệ nhất.
Bà nói, “Trước đây, chúng ta đã có sự hợp tác và phối hợp trong R&D [nghiên cứu và phát triển], và trong nhiều lĩnh vực — đặc biệt là từ Thung lũng Silicon… Và tôi đã chứng kiến rất nhiều ngành công nghiệp mới và thị trường mới được tạo ra nhờ sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc … Nhưng ngày nay, thì có ít hơn nhiều.”
Bà Fannin đã chỉ ra cuộc chạy đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vi mạch bán dẫn, nói rằng, “Hoa Kỳ đang bật đèn xanh cho rất nhiều khoản đầu tư mới vào lĩnh vực này.”
“Hoa Kỳ đang nâng cao năng lực sản xuất chất bán dẫn và chất dẫn của mình. Và Intel đang xây dựng một nhà máy lớn gần Columbus — khoản đầu tư trị giá 20 tỷ USD — cũng có đầu tư vào khu vực Phoenix. Và vì vậy, chúng ta đang xây dựng hoạt động sản xuất chất bán dẫn của mình — chúng ta luôn dẫn trước rất xa trong việc thiết kế chất bán dẫn.”
Hồi tháng 01/2022, Tập đoàn Intel thông báo rằng họ đang đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn “tân tiến nhất” mới ở Ohio, được ấn định khai trương vào năm 2025, và dự kiến sẽ sử dụng 3,000 nhân công. Lương nhân viên dự kiến trung bình 135,000 USD.
Theo Giám đốc điều hành Intel Patrick Gelsinger, trong thập niên tới, tổng vốn đầu tư của công ty này có thể vượt quá 100 tỷ USD với 6 cơ sở chế tạo bổ sung.
Bà Fannin nói, “Tất nhiên, chúng ta đã thấy Thung lũng Silicon vượt trội về công nghệ, phần mềm và thiết kế chất bán dẫn. Nhưng chúng ta cũng cần sản xuất. Chúng ta cần tạo ra những vi mạch bán dẫn đó ngay trên chính quê nhà của mình, để cạnh tranh với Trung Quốc.”
Bà nói thêm, “Bây giờ… Trung Quốc muốn sản xuất vi mạch bán dẫn theo quy mô lớn [và đang] trên cùng quỹ đạo… với Hoa Kỳ.”
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Theo ý kiến của bà, các công ty Hoa Kỳ trong tương lai sẽ tiếp tục con đường thuê nguồn gia công sản xuất ở một quốc gia khác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ bên ngoài Trung Quốc.
Bà coi sự đa dạng hóa là một chiến lược tốt để không phụ thuộc vào một thị trường duy nhất trong nhiều năm.
Bà lưu ý, “Rất nhiều sự thiếu hụt xảy ra vì vấn đề chuỗi cung ứng đó. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng ta thấy ngày càng có nhiều công ty chuyển đến những nơi như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, để đa dạng hóa.”
Theo bà Fannin, các công ty Hoa Kỳ cũng có thể nhắm đến việc mở rộng thị trường.
Bà nói, “Cũng để mở rộng thị trường, Trung Quốc có lẽ là thị trường đầu tiên được phát triển ở châu Á một cách vượt bậc về đổi mới công nghệ. Và sau đó, khi chúng ta có nhiều căng thẳng phát triển giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chúng ta thấy nhiều sự di chuyển hơn nữa sang Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và các thị trường khác — những thị trường đang phát triển nhanh ở châu Á. Và tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ tiếp tục chứng kiến điều đó.”
Mặt khác, bà Fannin lưu ý rằng Tesla và Apple, trong số những hãng khác, đang tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc — bởi vì đây là một thị trường rất lớn và họ không thể bỏ qua nó — cũng như không thể rút lui.
Bản tin có sự đóng góp của Allen Zhong
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times