Doanh số bán vi mạch bán dẫn giảm mạnh ở Trung Quốc, đẩy ngành công nghiệp toàn cầu vào đà suy thoái
Thị trường vi mạch bán dẫn Trung Quốc sụt giảm mạnh, kéo theo khiến ngành bán dẫn toàn cầu đi xuống
Theo báo cáo công nghiệp mới nhất, doanh số bán vi mạch bán dẫn ở Trung Quốc đã giảm với tốc độ chóng mặt, trong bối cảnh năng suất trong lĩnh vực liên quan đến chất bán dẫn giảm mạnh, cho thấy ngành sản xuất này của Trung Quốc đang bị thu hẹp.
Hôm 09/01, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã công bố dữ liệu cho thấy so với cùng thời kỳ năm 2021, doanh số bán vi mạch bán dẫn của Trung Quốc đã giảm mạnh 21.1% trong tháng 11/2022. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, doanh số bán vi mạch bán dẫn đã tăng 5.2%; doanh số bán hàng ở Âu Châu tăng 4.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái; và doanh số bán hàng tại Nhật Bản tăng 1.2%.
Công nghiệp Trung Quốc suy thoái ảnh hưởng đến dữ liệu toàn cầu
Theo thống kê của SIA, vào năm 2021, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 192.3 tỷ USD, tương đương 34.6%, trong tổng doanh thu 555.9 tỷ USD của ngành bán dẫn toàn cầu, đứng đầu thế giới.
Là thị trường vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới, sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc đã kéo giảm sản lượng ngành này trên toàn cầu, với tháng 11/2022 chứng kiến doanh số ngành bán dẫn toàn cầu giảm xuống còn 45.5 tỷ USD. Con số này thấp hơn 2.9% so với tháng trước và 9.2% so với cùng thời kỳ năm trước.
Ông John Neuffer, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của SIA cho biết: “Doanh số bán chất bán dẫn toàn cầu giảm trong tháng Mười Một [năm 2022], phần lớn là do tính chu kỳ của thị trường và những khó khăn về kinh tế vĩ mô.”
SIA đại diện cho hầu hết các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ và gần hai phần ba các công ty bán dẫn ngoài Hoa Kỳ.
Nhập cảng vi mạch bán dẫn giảm
Nhập cảng vi mạch bán dẫn của Trung Quốc đã phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng kể từ tháng Mười năm ngoái khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty bán dẫn Trung Quốc.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã nhập cảng 40.5 tỷ mạch tích hợp vào tháng 11/2022, giảm 25.3% so với 54.22 tỷ đơn vị vào tháng 11/2021.
Tháng Mười năm ngoái, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh kiểm soát xuất cảng thiết bị và chất bán dẫn đối với ĐCSTQ. Lệnh cấm mới này hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc vi mạch logic dưới 14/16 nanomet, vi mạch bộ nhớ DRAM dưới 18 nanomet, và vi mạch bộ nhớ flash NAND trên 128 lớp, cũng như các thiết bị sản xuất có liên quan.
Hành động này có thể giáng một đòn nặng nề vào nhiều lĩnh vực sản xuất, bao gồm xe hơi, thiết bị liên lạc di động, và máy điện toán.
Sản lượng công nghiệp giảm
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, vào tháng 11/2022, sản lượng thiết bị máy điện toán của Trung Quốc giảm 27.9%; và các thiết bị cầm tay liên lạc di động đã giảm 13%, bao gồm cả việc sản xuất điện thoại thông minh giảm 19.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, ngành sản xuất đường sắt, tàu thủy, hàng không vũ trụ, và các thiết bị vận tải khác, máy điện toán, thiết bị liên lạc, và điện tử, và sản xuất thiết bị nhìn chung đã giảm 0.9–2.9% so với năm trước.
Triển vọng sản xuất giảm xuống mức thấp kỷ lục
Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) dưới 50 cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, theo các phương pháp thống kê công nghiệp. Dữ liệu ảm đạm này đã xảy ra trong hầu hết năm ngoái ở Trung Quốc.
Hôm 31/12, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố một báo cáo cho biết chỉ số PMI của Trung Quốc vẫn dưới 50 trong hầu hết năm ngoái, ngoại trừ tháng Một, tháng Hai, tháng Sáu, và tháng Chín cao hơn 50 một chút. Năm ngoái, PMI của Trung Quốc đã giảm mạnh trong ba tháng liên tiếp, với PMI tháng Mười Hai của quốc gia này chạm mức thấp kỷ lục 47.
Các chỉ số phụ của tháng Mười hai giảm xuống mức thấp chưa từng có, bao gồm chỉ số sản xuất chế tạo, chỉ số đơn đặt hàng mới, chỉ số tồn kho nguyên vật liệu, và chỉ số nhân viên lần lượt giảm xuống 44.6, 43.9, 47.1, và 44.8.
Các yếu tố trong nước và toàn cầu
Trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm do các yếu tố bao gồm các biện pháp phòng chống đại dịch, mối bang giao ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và nhu cầu thấp hơn do lạm phát toàn cầu.
Năm 2022 là năm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với việc các nhà máy thường xuyên bị đóng cửa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và số lượng công nhân liên tục giảm. Nhiều yếu tố trong số đó có liên quan đến các chính sách cực đoan zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tháng Tám và tháng Mười năm ngoái, Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm ngăn chặn ĐCSTQ tiếp cận công nghệ và thiết bị tân tiến của Hoa Kỳ, đồng thời kích thích hoạt động sản xuất công nghệ cao quay trở lại Hoa Kỳ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times