Hàng trăm dây chuyền sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc có nguy cơ bị đình trệ hoặc đóng cửa
Mới đây, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý tham gia cùng Hoa Kỳ trong việc hạn chế thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc. Cả ba quốc gia này chiếm 90% thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu. Liên minh này được cho là sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Trung Quốc.
Nhật Bản và Hà Lan tuyên bố rằng những lệnh hạn chế mới này là vì an ninh quốc gia. Sau tin tức về các lệnh hạn chế xuất cảng này, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đưa tin rằng hiện nay Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn với một mức độ 100 dây chuyền sản xuất mỗi năm, nhưng theo các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, việc xây dựng các nhà máy này có thể bị trì hoãn hoặc đóng cửa. Bài báo này cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc phải chờ đợi điều tồi tệ nhất ở giai đoạn này.
Dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (SIA) cho thấy, năm 2019, trong tổng giá trị sản lượng của ngành sản xuất thiết bị bán dẫn toàn cầu, Hoa Kỳ chiếm 41% thị phần; Nhật chiếm 32%; châu Âu (chủ yếu là ASML của Hà Lan) chiếm 18%. Ba quốc gia này cùng chiếm 90% thị trường, và các lệnh hạn chế xuất cảng chung này sẽ có những tác động sâu rộng.
Chủ tịch của một công ty công nghệ Nhật Bản, người đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 06/02 dưới bút danh Desen Li, nói rằng nỗ lực chung của ba quốc gia này có thể được xem là một đòn giáng mạnh vào ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.
Ông Li nói: “Đòn chí mạng nhất là trong lĩnh vực quang khắc sau khi ba quốc gia này phối hợp với nhau.” Vì kỹ thuật quang khắc cực tím (EUV) và kỹ thuật quang khắc cực tím sâu (DUV) sẽ không được xuất cảng sang Trung Quốc, điều này có nghĩa là các công ty vi mạch bán dẫn Trung Quốc sẽ khó mà tăng công suất sản xuất trong một khoảng thời gian đáng kể. Ông cho biết, máy in thạch bản hiện có của Trung Quốc có nguy cơ bị hỏng do nhiều thành phần quan trọng phụ thuộc vào hàng nhập cảng, khiến việc bảo trì thường xuyên là không thể.
Lệnh kiểm soát xuất cảng chất bán dẫn của Mỹ ban hành hồi tháng Mười năm ngoái (2022) chủ yếu nhắm vào các công nghệ và thiết bị tiên tiến dưới 14 nanomet. Tuy nhiên, sau khi hợp lực với Nhật Bản và Hà Lan, các lệnh trừng phạt này có thể sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực xử lý trưởng thành (cũ), bao gồm cả kỹ thuật quang khắc cấp thấp và cấp trung.
Ngành sản xuất vi mạch bán dẫn không thể tách rời khỏi in ngành thạch bản, và hiện nay ba công ty: ASML của Hà Lan, Nikon và Canon của Nhật Bản đang độc quyền thị trường in thạch bản toàn cầu này. Dữ liệu cho thấy vào năm 2020, theo số lượng máy in thạch bản được vận chuyển, ASML chiếm 63% thị phần, Canon chiếm 30%, và Nikon chiếm 7%. Một nửa trong số 17 nhà cung cấp chính của ASML là các nhà sản xuất Hoa Kỳ.
Các nhà sản xuất Hoa Kỳ đứng đầu trong thị trường thiết bị bán dẫn này, đặc biệt là trong năm lĩnh vực thiết bị bán dẫn chính là lắng đọng, khắc axit, làm sạch, kiểm soát quy trình, và thử nghiệm, cùng chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu. Ngoài ra, Nam Hàn cũng chiếm 4% sản lượng thiết bị bán dẫn toàn cầu nhưng nước này vẫn chưa quyết định tham gia vào các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, về lâu dài, Nam Hàn có thể vẫn sẽ tham gia cùng những lệnh hạn chế xuất cảng nhằm duy trì khả năng tiếp cận công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ.
Các nhà sản xuất Nhật Bản tin rằng điều quan trọng là phải liên minh với Hoa Kỳ về chính sách vi mạch bán dẫn. Theo một bản tin trên Kyodo News của Nhật Bản hôm 05/02, chủ tịch của Rapidus, một nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Nhật Bản, cho biết năng lực sản xuất và phát triển chất bán dẫn của Nhật Bản tụt hậu so với mức tiên tiến nhất từ 10 đến 20 năm, và việc hợp tác với IBM và các công ty khác của Hoa Kỳ là chìa khóa để có được công nghệ mới nhất, nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác Nhật Bản-Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
Các nhà sản xuất Trung Quốc đua nhau mua thiết bị
Lệnh hạn chế về chất bán dẫn của Hoa Kỳ được công bố hồi tháng Mười năm ngoái nhắm vào các kỹ thuật và thiết bị tiên tiến, vì vậy hầu hết các nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc, ngoại trừ SMIC và Yangtze Memory Technologies, tạm thời được loại khỏi các lệnh hạn chế xuất cảng do họ không tham gia vào các công nghệ và thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, khi các đối tác Nhật Bản và Hà Lan gia nhập cùng Hoa Kỳ, thì các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc có thể phải đối mặt với những lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn về thiết bị. Điều này đã kích hoạt các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Trung Quốc tăng tốc mua sắm thiết bị sản xuất.
Theo một bản tin của DigiTimes hôm 03/02, một số nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc đang thu mua thiết bị sản xuất đã qua sử dụng, và những nhà sản xuất khác đang chọn thiết bị bị cấm để lách lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hồi tháng Mười Một năm ngoái, SMIC đã công bố rằng họ sẽ tăng chi tiêu thêm 1.6 tỷ USD và tăng các khoản thanh toán trả trước cho các đơn đặt hàng thiết bị để bảo đảm cung cấp thiết bị cho các dự án lớn của công ty, bao gồm ba nhà máy sản xuất lớn mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu các lệnh trừng phạt được mở rộng đối với thiết bị xử lý trưởng thành, thì việc xây dựng và phát triển trong tương lai của cả ba nhà máy của SMIC sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Yangtze Memory Technologies, một đại công ty vi mạch bán dẫn lưu trữ khác của Trung Quốc, đã phát hành ít nhất 20 gói thầu sau lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Sau khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được công bố, những nhà cung cấp thiết bị bán dẫn của Hoa Kỳ đã ngay lập tức ngừng lắp đặt thiết bị mới tại nhà máy sản xuất của Yangtze và sa thải hàng chục nhân viên đang làm việc tại đó; và Yangtze Memory Technologies đã mất đi sự trợ giúp kỹ thuật và bảo trì cho các thiết bị đã được cài đặt.
Trung Quốc có thể mất nhiều thập niên để bắt kịp
Sau tin tức về các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc về chất bán dẫn, Thời báo Hoàn Cầu đã thừa nhận trong một bài báo hồi cuối tháng Một rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức chính trị quốc tế và kỹ thuật.
Bài báo này của Thời báo Hoàn Cầu chỉ ra rằng tỷ lệ tự phụ thuộc hiện tại của thiết bị bán dẫn của Trung Quốc là dưới 20%, và việc thiếu công nghệ đã trở thành trở ngại lớn nhất trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phải đối mặt với hai thách thức lớn về công nghệ và chính trị. Về công nghệ, các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực cấp thấp. Do khoảng cách lớn với các công nghệ tiên tiến, hàng năm, Trung Quốc phải nhập cảng một lượng lớn các sản phẩm bán dẫn từ trung cấp đến cao cấp, đặc biệt là CPU, GPU, bộ nhớ, v.v., gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hàng nhập cảng.
Trên mặt trận chính trị, ĐCSTQ phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và các đồng minh của mình. Chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng chuyển các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn của Mỹ về Hoa Kỳ, sang Đài Loan, Nhật Bản, và Nam Hàn, đồng thời đang hợp tác với các đồng minh của mình để ngăn chặn sự phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc.
Ông Li nói với The Epoch Times rằng theo các lệnh trừng phạt này, ĐCSTQ không thể bắt kịp một trình độ công nghệ, thậm chí bằng mọi giá và trong nhiều thập niên, vì ĐCSTQ không tôn trọng sở hữu trí tuệ và tìm kiếm tiến bộ công nghiệp bằng các phương pháp bí mật.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times