Các chuyên gia điều dưỡng, đạo đức, và pháp lý cùng nhau đưa nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ trở thành tiêu điểm
Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên của Y tá về Chống và Ngăn chặn nạn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức đã cung cấp thông tin và khuyến khích các chuyên gia điều dưỡng
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các chuyên gia điều dưỡng chống lại tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được tổ chức trực tuyến hôm 01/11. Hội nghị Thượng đỉnh của Y tá về Chống và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức do Học viện Điều dưỡng Pháp y (AFN) và Tổ chức Bác sĩ Chống Thu Hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) phối hợp tổ chức.
DAFOH là một tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập bởi các bác sĩ chuyên cung cấp thông tin cho công chúng về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ năm 2006. AFN là một tổ chức điều dưỡng chuyên nghiệp có nhiệm vụ nâng cao chăm sóc cho những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
“[AFN] đã hợp tác với [DAFOH] vì chúng tôi chia sẻ một tầm nhìn đồng thuận để bảo vệ và thúc đẩy các thực hành đạo đức, y tế và điều dưỡng trên toàn thế giới,” Chủ tịch AFN Jennifer Johnson cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh của Y tá. “Điều quan trọng đối với tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe là phải nhận thức được nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Bà Kathleen Thimsen, đồng sáng lập AFN đồng thời là giáo sư phụ tá ngành điều dưỡng tại Đại học Nevada ở Las Vegas, từng là người điều hành một hội đồng gồm mười chuyên gia hàng đầu về điều dưỡng, pháp y, đạo đức, nhân quyền, luật, và báo chí.
Ban hội thẩm cũng bao gồm hai nhân chứng đến từ Trung Quốc, một trong số họ sống sót sau cuộc tra tấn vô nhân đạo trong trại lao động ở Trung Quốc và người còn lại mất cha có lẽ do nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Bà Deborah Collins-Perrica, Giám đốc Phụ trách Điều dưỡng tại DAFOH và là người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh của Y tá, đã nói với The Epoch Times rằng: “Thông qua hội nghị này, chúng tôi mong muốn cung cấp thông tin và truyền thông điệp cho các y tá và công chúng. Vấn đề có vẻ ‘xa vời’ về thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc lại ‘ảnh hưởng trực tiếp tới chúng ta’ và chúng tôi với tư cách là những y tá có kiến thức và trách nhiệm cần phải đứng lên chống lại vấn đề này.”
Ngành công nghiệp trị giá ‘một tỷ dollar’
Bà Collins-Perrica đã cung cấp thông tin cơ bản toàn diện để hiểu về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, một hành vi vi phạm nhân quyền để thu hoạch nội tạng từ người sống mà không có sự chấp thuận nào.
“Ở Trung Quốc, hoạt động [cưỡng bức thu hoạch nội tạng] được chính quyền chấp thuận và bảo trợ … do cảnh sát quản lý và quân đội giám sát.” Bà Collins-Perrica nói rằng nhờ hoạt động du lịch ghép tạng, ngành thương mại ghép tạng của Trung Quốc đã trở thành “một trong những ngành có lợi nhuận cao nhất thế giới,” thu về một tỷ USD mỗi năm cho chính quyền này.
Hơn nữa, bà Collins-Perrica dẫn lời Tòa án Luận tội Trung Quốc, một tòa án độc lập có trụ sở tại London, nơi đã điều tra xác nhận rằng các học viên Pháp Luân Công bị bức hại là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Bà Collins-Perrica nói: “Tôi là y tá khoa tâm thần đã 30 năm. Khi nói đến cưỡng bức thu hoạch nội tạng, sau khi nghe về điều này, gặp gỡ các nạn nhân, và nghe câu chuyện của họ, tôi là một nhà hoạt động … Tôi không thể giữ im lặng.” Bà khuyến khích các đồng nghiệp của mình hãy làm những gì họ có thể để cung cấp thông tin, giáo dục, và ngăn chặn tội ác phản nhân loại này.
Y tá là ‘người mấu chốt’ trong việc giữ gìn y đức
Ông Ethan Gutmann, một ký giả điều tra đã dành nhiều năm đi khắp thế giới để phỏng vấn những người sống sót trong các trại lao động và nhà tù ở Trung Quốc, và viết rất nhiều về hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng kéo dài hàng thập niên của Trung Quốc.
Trong bài diễn thuyết của mình, ông Gutmann đã nêu sơ lược lịch sử thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hiện đã được mở rộng sang người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, tây bắc Trung Quốc và có thể là các nhóm nạn nhân khác. Nói về việc cải cách hệ thống cấy ghép và hiến tặng gần đây của ĐCSTQ mà một số bác sĩ phương Tây ca ngợi, ông Gutmann cho biết việc này “bao gồm các mánh khóe về ngữ nghĩa và nó có số lượng hiến tặng tự nguyện dựa trên một phương trình.”
Ông Gutmann đề cập đến một bài báo được bình duyệt đăng trên tạp chí BMC Medical Ethics, cho thấy số lượng nội tạng hiến tặng chính thức của Trung Quốc dựa trên một phương trình duy nhất tạo ra một đường cong parabol.
“Đây đã và là một thảm họa về nhân quyền. Thảm họa này do Bắc Kinh gây ra,” ông Gutmann nói, “nhưng một số ít các bác sĩ phẫu thuật phương Tây, những người tưởng rằng có thể cưỡi trên con rồng Trung Quốc và trở về nhà như thể mọi chuyện đều ổn thỏa, đã cho phép vấn đề này tiếp tục diễn ra.”
Ông nói, “Ngành điều dưỡng rõ ràng đóng vai trò trọng tâm trong văn hóa y học phương Tây … Việc thu hoạch nội tạng sống của những người bất đồng chính kiến và tôn giáo đi ngược lại mọi khía cạnh của lời thề [điều dưỡng] và quy tắc đạo đức đó.”
“Qua việc quý vị hiện diện tại đây, xem xét những gì tôi và rất nhiều các nhà nghiên cứu khác đã thiết lập, qua việc xem xét hành động tập thể dưới bất kỳ hình thức nào, quý vị đã trở thành nguồn hỗ trợ trọng yếu.”
Ông Gutmann đưa ra một số gợi ý về những gì mà các y tá có thể làm: “Quý vị không cần phải nghĩ ra bất cứ điều gì mới ở đây, tiền lệ là rõ ràng, đó là phương Tây phải bãi bỏ mọi liên lạc với ngành cấy ghép tại Trung Quốc đại lục; vì vấn đề đó, không được có bác sĩ phẫu thuật hoặc y tá cấy ghép Trung Quốc nào xuất hiện trên các tạp chí y tế, trường đại học, hội nghị của chúng ta cũng như các bệnh viện của chúng ta; ngoài ra phải ngừng tất cả các hoạt động bán thiết bị phẫu thuật, phát triển, và thử nghiệm dược phẩm tại Trung Quốc.”
‘Các vấn đề chính ở Trung Quốc’ về đạo đức
Ông Arthur Caplan là Giáo sư về Đạo đức Sinh học và là người đứng đầu sáng lập Phòng Đạo đức Y khoa tại Trường Y Grossman của Đại học New York ở thành phố New York. Trước khi đến Đại học New York, ông Caplan thành lập Trung tâm Đạo đức Sinh học và Khoa Đạo đức Y tế tại Đại học Pennsylvania. Ông cũng từng là đồng chủ tịch một lực lượng đặc nhiệm lớn của Liên Hiệp Quốc và Liên minh Âu Châu về buôn bán nội tạng.
Ông Caplan đã bắt đầu bài diễn văn của mình bằng cách vạch ra ba trụ cột của khuôn khổ đạo đức cho việc cấy ghép nội tạng, đó là quy tắc người hiến tặng đã qua đời, hiến tặng do lòng vị tha, và phân phối nội tạng một cách công bằng.
“Thật đáng buồn khi nói rằng, tôi vẫn tin có những vấn đề lớn” ở Trung Quốc, Ông Caplan cho biết. “Có một khoảng cách rất lớn giữa số lượng ca ghép tạng mà Trung Quốc cho biết họ thực hiện hàng năm và những gì họ báo cáo về số liệu hiến tạng.”
Ông Caplan nói rằng để lấy nội tạng, chính quyền Trung Quốc chuyển sang các tù nhân của họ, những người có thể nằm trong phạm vi từ tù nhân chính trị cho đến các học viên Pháp Luân Công, hoặc những người thuộc một nhóm dân tộc nhất định — những người có thể bị “giam cầm một cách không thích đáng.”
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng các y tá có nghĩa vụ đặc biệt là phải cảnh giác với những gì đang diễn ra ngay bây giờ ở Trung Quốc trong các ca cấy ghép, đồng thời cố gắng và gây áp lực lên chính phủ để cải thiện và sửa đổi các hoạt động đặc biệt liên quan đến tù nhân, cố gắng và cũng phản đối nếu có thông tin được đưa vào các tạp chí … đến từ Trung Quốc về việc cấy ghép, trừ khi người ta nói rõ tình trạng của các cơ quan nội tạng đang được báo cáo là gì.”
“Và chúng ta không nên khuyến cáo các bệnh nhân đến Trung Quốc để được cấy ghép.”
‘Cung cấp đầy đủ thông tin cho các bệnh nhân’
Về chủ đề đạo đức, bà Ecoee Rooney, Chủ tịch Hiệp hội Y tá tiểu bang Louisiana và đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Đạo đức của AFN, đã nói về những cân nhắc về mặt đạo đức của việc buôn bán nội tạng.
Bà Rooney đã nhắc lại tầm quan trọng của việc thông báo cho bệnh nhân.
Bà cho biết, là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, “chúng ta có nghĩa vụ giúp [bệnh nhân của chúng ta] hiểu được những rủi ro tiềm ẩn và lợi ích của bất kỳ quyết định nào mà họ đưa ra liên quan đến chăm sóc sức khỏe. … Vì vậy, dựa trên những gì chúng ta đã nói ngày hôm nay, việc cung cấp đầy đủ thông tin cho các bệnh nhân về những thực tế đang xảy ra ở Trung Quốc hiện tại liên quan đến cấy ghép … sẽ đủ để mang lại một số thông tin rõ ràng về quyết định đó. Chắc chắn, đó là một trong những điều mà với tư cách là y tá, chúng ta nhất định phải làm là bảo đảm rằng những người mà chúng ta phục vụ đều hiểu rõ và có đầy đủ thông tin về các quyết định mà họ đang đưa ra.”
Một cách tuyệt vời để giáo dục học sinh của chúng ta
Bà Rose Constantino đã và đang giảng dạy tại Trường Điều dưỡng của Đại học Pittsburgh từ năm 1971, với kinh nghiệm phong phú về các vấn đề đạo đức và pháp luật trong thực hành điều dưỡng. Bà nói về nạn buôn bán nội tạng quốc tế và thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Bà kêu gọi cộng đồng khoa học từ chối các ấn phẩm từ các quốc gia có hoạt động buôn bán và thu hoạch nội tạng.
Ngoài ra, bà Constantino cho rằng hội nghị thượng đỉnh này có thể là một cách tốt để giáo dục học sinh. Bà cho biết, cuộc hội thảo kéo dài bốn giờ này là cách tốt nhất để thực sự hiểu rõ vấn đề này. Nếu có thể có một buổi hội thảo kiểu này “hướng đến tất cả học sinh, thì đó sẽ là một điều rất tốt, … trong việc giáo dục học sinh theo cách này. Bởi vì không ai thực sự nghe thấy hoặc thậm chí nhìn thấy những gì chúng ta đã thấy ngày hôm nay.”
Chiến dịch lập pháp toàn cầu
Bà Theresa Chu, một luật sư nhân quyền tại Đài Loan, đã nói về Tuyên bố chung về Chống và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (UDCPFOH), trong đó bà Chu giữ vai trò chủ tịch ủy ban điều phối. UDCPFOH được khởi động bởi năm tổ chức phi chính phủ vào năm 2021, bao gồm DAFOH ở Hoa Kỳ và các tổ chức DAFOH khác ở Âu Châu, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuyên bố chung kêu gọi thế giới bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, giữ vững các giá trị cao nhất của công lý, và chấm dứt một trong những hành động tàn bạo nghiêm trọng nhất của thế kỷ này: thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ người còn sống — mà không có sự đồng thuận và có tính vụ lợi.
Bà Chu, người đã thực hiện các công việc bảo vệ nạn nhân [bị bức hại] của Pháp Luân Công trong 20 năm cho biết: “Chúng tôi hiện đang thúc đẩy một chiến dịch pháp lý nhằm Chống lại và Ngăn chặn nạn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức trên khắp Âu Châu, Mỹ Châu, và Á Châu để trừng phạt nghiêm khắc và ngăn chặn các hành vi tàn bạo của việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức thông qua luật hình sự của các quốc gia.
Thông qua luật pháp, Đài Loan đã dẫn đầu thế giới trong việc bảo vệ công dân của mình không trở thành đồng phạm với tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Kể từ năm 2015, Đài Loan buộc bệnh nhân ra nước ngoài để cấy ghép [nội tạng] phải ghi danh [thông tin về] quốc gia, bệnh viện, và bác sĩ có liên quan, nếu không sẽ bị tước bảo hiểm đối với thuốc chống thải ghép. Đài Loan cũng duy trì một danh sách đen các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc đại lục tham gia thu hoạch nội tạng để cấm họ nhập cảnh vào Đài Loan.
Bà Chu hoan nghênh các chuyên gia điều dưỡng ký vào bản Tuyên bố.
“[AFN] cam kết ủng hộ Tuyên bố Chung,” Chủ tịch AFN Johnson cho biết. “Chúng tôi biết rằng cưỡng bức thu hoạch nội tạng là vi phạm nhân quyền, và các yếu tố hiện có trong các hành vi này là vũ lực, lừa đảo, cưỡng bức, và thậm chí là bắt cóc.”
Bà Debra Holbrook, Chủ tịch đắc cử của AFN kiêm Giám đốc Điều dưỡng Pháp y tại Trung tâm Y tế Mercy ở Baltimore, Maryland, cho biết, “Hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng là một hình thức buôn bán người ở dạng nghiêm trọng nhất, và chúng tôi với tư cách là các y tá pháp y thì không chỉ có trách nhiệm mà còn có nghĩa vụ, hỗ trợ mọi nỗ lực để xóa bỏ những hành vi này, bất kể chúng được thực hiện ở đâu.”
Bà Holbrook nói rằng bà muốn kêu gọi AFN thành lập một “lực lượng đặc nhiệm gồm – y tá, bác sĩ, nhà đạo đức học – những người thực sự muốn giải quyết vấn đề [cưỡng bức thu hoạch nội tạng] trên đấu trường pháp lý. Và chúng tôi hợp tiếng nói của mình lại với nhau, và chúng tôi mang tất cả kiến thức giáo dục mà [DAFOH] đã thực hiện trong việc nâng cao nhận thức.”
“Chúng tôi đến với nhau để có thể soạn thảo hoặc thuê mướn một số nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, và họ sẽ giúp chúng tôi soạn thảo luật đó. Vì vậy, tôi rất muốn trở thành thành viên của nhóm đó,” bà nói, đồng thời khuyến khích khán giả và những người khác đến với tổ chức AFN.
Chia sẻ những trải nghiệm cá nhân
Hai học viên Pháp Luân Công đến từ Trung Quốc cũng chia sẻ về những gì họ phải trải qua trong các trại lao động và nhà tù ở Trung Quốc, như tra tấn, xét nghiệm máu thường xuyên, và khám sức khỏe nhắm vào các học viên. Cha của một trong hai học viên này đã tử vong trong tù do cuộc bức hại. Cô kể về việc gia đình cô không được phép khám nghiệm toàn bộ tử thi của cha cô và họ đã nghi ngờ rằng nội tạng của ông đã bị thu hoạch như thế nào.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa của Trung Hoa, bao gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Do những lợi ích về sức khỏe, nên Pháp Luân Công được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, ước tính thu hút khoảng 70 đến 100 triệu người tu tập vào cuối những năm 1990. Cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa bởi sự phổ biến và các giá trị đạo đức của Pháp Luân Công, tháng 07/1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch bức hại tàn bạo chống lại nhóm người tu luyện này. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị tống vào các nhà tù, trại lao động, và trung tâm tẩy não trên khắp đất nước, nơi họ phải chịu tra tấn, cưỡng bức lao động, hoặc thậm chí cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Trong khi bị tra tấn và lao động cưỡng bức, họ đã bị cưỡng bách trở thành “ngân hàng tài trợ” thúc đẩy ngành công nghiệp cấy ghép trị giá một tỷ dollar của Trung Quốc.
Lộ trình hành động
Hội nghị kết thúc sau một phiên hỏi đáp, trong đó thảo luận về các câu hỏi liên quan đến cưỡng bức thu hoạch nội tạng. “Hội nghị thượng đỉnh này đã cho chúng tôi một lộ trình hành động mà chúng tôi có thể thực hiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và luật pháp,” bà Collins-Perrica nói với The Epoch Times. “Đây là lần đầu tiên các y tá và bác sĩ hợp tác công khai về vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Chúng tôi có chung một tầm nhìn là muốn thấy hoạt động này sẽ sớm kết thúc, và chúng tôi mong muốn được làm việc cùng nhau.”
Sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh nói trên, một y tá đến từ Virginia đã viết, “Hội nghị Thượng đỉnh của Y tá về CPFOH [Chống và Ngăn chặn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng] rất hay, các diễn giả thật tuyệt vời. Chứng kiến những người sống sót sau cuộc bức hại ở Trung Quốc chia sẻ thực sự khiến tôi nhận thức được rằng vấn đề này liên quan trực tiếp đến bản thân mình.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times