Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen chỉ trích những hành động ‘cưỡng ép’ của Bắc Kinh đối với các công ty Hoa Kỳ
Trong chuyến đi tới Trung Quốc, bà Yellen đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp ‘một sân chơi bình đẳng’ cho các doanh nghiệp Mỹ và giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã chỉ trích các biện pháp “cưỡng ép” của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty ngoại quốc, đồng thời kêu gọi lãnh đạo cao nhất của chính quyền này cung cấp cho các doanh nghiệp và nhân viên của Hoa Kỳ “một sân chơi bình đẳng.”
Bắt đầu chuyến đi thứ hai tới Trung Quốc trong vai trò là Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu (05/04), bà Yellen đã gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp của Hoa Kỳ và các quốc gia khác tại Quảng Châu, trung tâm xuất cảng phía nam của Trung Quốc.
Bà Yellen cho biết tại một sự kiện do chi nhánh Trung Quốc của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức: Chính quyền Trung Quốc đã theo đuổi “các hoạt động kinh tế không công bằng, bao gồm áp đặt các rào cản tiếp cận đối với các công ty ngoại quốc và thực hiện các hành động cưỡng ép đối với các công ty Hoa Kỳ.”
Theo cuộc khảo sát thường niên của chi nhánh AmCham tại Bắc Kinh, ⅓ các công ty Hoa Kỳ cho biết họ bị đối xử bất công so với các đối thủ Trung Quốc trong các chính sách và hành động thực thi của địa phương. Sự suy giảm bình đẳng lớn nhất được ghi nhận trong lĩnh vực công nghệ, và nghiên cứu và phát triển (R&D).
“Tôi thực sự tin rằng điều này không chỉ gây tổn hại cho các công ty Mỹ này: việc chấm dứt những hành vi không công bằng này sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh ở đây,” bà Yellen nói. “Tôi dự định nêu lên những vấn đề này trong các cuộc họp trong tuần.”
Trong cuộc gặp trước đó với ông Vương Vĩ Trung (Wang Weizhong), tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, bà Yellen nhấn mạnh sự cần thiết của “một sân chơi bình đẳng” cho các nhân viên và công ty Hoa Kỳ.
Các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cam kết sẽ cung cấp cho các công ty ngoại quốc những lợi ích tương tự như các đối thủ cạnh tranh nội địa của họ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một loạt các cuộc đột kích, những hình phạt nặng, bắt giữ, và kết án nhân viên của các công ty tư vấn và thẩm định quốc tế đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư ngoại quốc.
Đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm. Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 18/02 của Trung Quốc, tổng vốn đầu tư vào trong nước chỉ đạt 33 tỷ USD vào năm ngoái, giảm 82% so với năm 2022.
Hôm 27/02, Bắc Kinh đã thông qua luật bí mật nhà nước sửa đổi, mở rộng phạm vi áp dụng vốn dĩ đã rộng về những thông tin mà chính quyền cho là nhạy cảm. Luật cập nhật về an ninh nhà nước — bên cạnh việc nhà cầm quyền ngày càng giám sát chặt chẽ hơn việc kiểm soát dữ liệu và hoạt động gián điệp — có nguy cơ làm gia tăng thêm mối lo ngại của các công ty ngoại quốc.
Dư thừa công suất
Cuối hôm thứ Sáu, bà Yellen đã gặp “sa hoàng” kinh tế mới của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng), người đứng đầu hai cơ quan quyền lực của ĐCSTQ chuyên giám sát các chính sách tài chính và kinh tế của đất nước.
Bà Yellen nói với ông Hà rằng điều quan trọng đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là “trao đổi chặt chẽ về các vấn đề đáng lo ngại như dư thừa công suất và các hành động kinh tế liên quan đến an ninh quốc gia.”
Bà nhắc lại trước một cuộc họp kín: “Một mối quan hệ kinh tế lành mạnh phải mang lại một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và nhân viên ở cả hai nước.”
Trọng tâm chính trong chuyến đi của bà là thúc giục Bắc Kinh giải quyết tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, điều mà Bộ trưởng Ngân khố cho biết là mối lo ngại đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác do những “tác động lan tỏa trên toàn cầu” của tình trạng dư thừa này.
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng địa ốc đang diễn ra và mức tiêu dùng gia đình yếu, Trung Quốc đang đổ tiền vào lĩnh vực sản xuất, chuyển trọng tâm chính sách sang cái mà họ gọi là “ba lĩnh vực tăng trưởng mới” — xe điện (EV), pin lithium-ion, và quang điện — dẫn đến dư thừa năng lực sản xuất trong nước.
Bà Yellen cho biết trong cùng sự kiện của AmCham: “Sự trợ cấp trực tiếp và gián tiếp của chính phủ hiện đang dẫn đến năng lực sản xuất vượt quá đáng kể nhu cầu nội địa của Trung Quốc, cũng như vượt quá mức độ mà thị trường toàn cầu có thể chịu đựng.”
“Dư thừa công suất có thể dẫn đến xuất cảng với khối lượng lớn và giá thấp,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng điều này gây tổn hại cho các nhân viên và doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, cũng như Mexico.
Hơn nữa, bà nói: “Xuất cảng với khối lượng lớn và giá thấp có thể dẫn đến sự tập trung quá mức của chuỗi cung ứng, gây rủi ro cho khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.”
“Tôi tin rằng việc giải quyết vấn đề dư thừa công suất, và nhìn chung là xem xét các cải tổ dựa trên thị trường, là vì lợi ích của Trung Quốc.”
Sau cuộc đối thoại kinh tế và bữa tối làm việc hôm thứ Sáu (05/04), bà Yellen và ông Hà dự kiến sẽ có một cuộc gặp khác vào sáng thứ Bảy (06/04). Sau đó, bà Yellen và nhóm của bà sẽ tới Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) và một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ.
Một cuộc chiến thương mại mới?
Tuy nhiên, các nhà quan sát ngoại giới không lạc quan về việc giải quyết vấn đề công suất sản xuất dư thừa lớn của Trung Quốc.
Ông Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số và là tác giả cuốn sách mới, “Ma quỷ và Trung Quốc Cộng sản” (The Devil and Communist China), đã lưu ý rằng tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của ĐCSTQ không phải là vấn đề mới, khi gọi đó là “một kết quả trực tiếp” của những năm nhà nước ban hành những khoản trợ cấp lớn trong các lĩnh vực mà Bắc Kinh muốn thống lĩnh.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm (04/04), ông Mosher nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng việc thuyết phục Trung Quốc giải quyết vấn đề dư thừa công suất cũng giống như việc thay đổi mô hình kinh tế mà họ đã sử dụng trong nhiều thập niên nhằm “tiêu diệt nền tảng công nghiệp của Hoa Kỳ và châu Âu.”
Ông nói thêm, trừ phi các cuộc đối thoại của bà Yellen với các quan chức Trung Quốc “đi kèm với các chiến thuật đàm phán thương mại rất nghiêm khắc và cứng rắn, bao gồm cả khả năng tăng thuế quan, không thì tôi không nghĩ bà ấy sẽ đi đến đâu.”
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự, cảnh báo rằng bà Yellen và nhóm của bà có thể sẽ phải đối mặt với những cuộc đàm phán khó khăn với các quan chức ĐCSTQ.
Trong nền kinh tế phương Tây, “sản xuất của các nhà máy dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, trái ngược với Trung Quốc,” ông Tôn nói với The Epoch Times hôm thứ Năm. “Là một nước cộng sản… Trung Quốc sẽ tiếp tục sản xuất sản phẩm bất kể có đơn đặt hàng hay không. Nếu có hàng dư thừa, thì các nhà sản xuất sẽ tìm cách bán ra ngoại quốc và hạ giá.”
Ông Tôn cảnh báo, việc Bắc Kinh sử dụng trợ cấp nhà nước để mang lại cho các doanh nghiệp trong nước lợi thế cạnh tranh đáng kể trong lĩnh vực năng lượng sạch, cùng với việc xuất cảng công suất công nghiệp dư thừa sang thị trường ngoại quốc, có thể sẽ khiến căng thẳng thương mại với phương Tây leo thang hơn nữa.
Ông nói thêm: “Việc này có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại mới trong ngành năng lượng xanh.”
Ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (CIER) có trụ sở tại Đài Bắc, không đồng tình với ông Tôn, cho rằng Hoa Thịnh Đốn và Brussels có thể sẽ tăng cường nỗ lực chống bán phá giá đối với Bắc Kinh.
Ông Vương đề cập đến phép ví von “sân nhỏ, hàng rào cao” mà các quan chức chính phủ Tổng thống Biden thường sử dụng để mô tả cách tiếp cận của họ nhằm hạn chế các công nghệ trọng yếu của Hoa Kỳ trong khi cho phép duy trì hầu hết các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.