Hoa Kỳ và Trung Quốc khởi động các cuộc đàm phán mới về tăng trưởng kinh tế ‘cân bằng’ trong bối cảnh lo ngại về dư thừa công suất
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã công bố hai sáng kiến mới sau hai ngày đối thoại với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.
Hôm thứ Bảy (06/04), Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ sẽ tiến hành khai triển hai sáng kiến mới với Trung Quốc và tổ chức nhiều cuộc đối thoại kinh tế hơn nhằm giải quyết tình trạng dư thừa ngày càng tăng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bà Yellen đang có chuyến công du thứ hai tới Trung Quốc trong vai trò là Bộ trưởng Ngân khố. Sau hai ngày đối thoại kéo dài với người đồng cấp Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng), bà Yellen tuyên bố rằng hai bên đã đồng ý thiết lập một sáng kiến mới nhằm “trao đổi chuyên sâu về tăng trưởng cân bằng trong các nền kinh tế trong nước và toàn cầu.”
“Những cuộc trao đổi này sẽ tạo điều kiện cho một cuộc thảo luận xung quanh sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô, bao gồm cả mối liên hệ giữa sự mất cân bằng này với tình trạng dư thừa công suất,” bà Yellen cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy. “Tôi dự định sử dụng cơ hội này để thúc đẩy một sân chơi bình đẳng cho các nhân viên và doanh nghiệp Mỹ.”
Bà Yellen cho biết bà “đặc biệt lo ngại” về tình trạng sản xuất dư thừa của Bắc Kinh trong một số lĩnh vực do trợ cấp nhà nước và các chính sách tài trợ khác. Một ưu tiên trong chuyến đi của Bộ trưởng Ngân khố là gây áp lực buộc Bắc Kinh giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng xanh mới như quang năng, xe điện, và pin lithium-ion.
“Tôi nghĩ phía Trung Quốc nhận thấy chúng ta lo ngại như thế nào về tác động của chiến lược công nghiệp của họ đối với Hoa Kỳ, về nguy cơ hàng xuất cảng làm ngập thị trường của chúng ta khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh, cũng như nhận thấy rằng các nước khác cũng có cùng mối lo ngại,” bà Yellen nói với các phóng viên sau khi công bố kế hoạch mới tại Quảng Châu, một trung tâm xuất cảng phía nam Trung Quốc.
Bà nói rằng tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc liên quan đến “toàn bộ chiến lược công nghiệp và kinh tế vĩ mô của nước này.” “Vấn đề này sẽ không được giải quyết trong một buổi chiều hay một tháng.”
“Nhưng tôi nghĩ họ đã nghe nói rằng đây là một vấn đề quan trọng đối với chúng ta.”
Theo một tuyên bố do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa ra, Bộ Ngân khố và Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo một nhóm mới, mang tên “Trao đổi về Tăng trưởng Cân bằng trong các Nền kinh tế Trong nước và Toàn cầu.”
Một kế hoạch khác do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thiết lập nhằm mục đích chống lại “dòng tiền bất chính và tội phạm tài chính.” Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc trao đổi đầu tiên về vấn đề này trong “những tuần tới.”
Bà Yellen cho biết trong tuyên bố: “Nỗ lực mới này sẽ cho phép Hoa Kỳ và Trung Quốc chia sẻ các phương pháp hay nhất và cung cấp thông tin cập nhật về các hành động mà mỗi bên đang thực hiện để khắc phục các lỗ hổng trong hệ thống tài chính tương ứng của mình.”
Trung Quốc mô tả cuộc nói chuyện kéo dài hai ngày giữa bà Yellen và ông Hà là “thẳng thắn, thực tế, và mang tính chất xây dựng.” Theo bản tóm tắt các cuộc gặp được cơ quan truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đăng tải, hai bên đã đồng ý thảo luận một loạt vấn đề thuộc các nhóm công tác kinh tế và tài chính, chẳng hạn như “tài chính bền vững” và “tăng trưởng cân bằng” ở hai nước và các nền kinh tế khác.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thành lập hai nhóm công tác vào năm ngoái để giải quyết các vấn đề kinh tế và tài chính. Cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc về vấn đề tài chính đã được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn vào thứ Năm (04/04).
Nga
Trong cuộc hội đàm kéo dài hai ngày với người đồng cấp Trung Quốc, bà Yellen cũng nêu lên những lo ngại của Hoa Thịnh Đốn về mối quan hệ của Bắc Kinh với Nga.
Bà Yellen cho biết bà đã cảnh báo nhà cầm quyền này về “những hậu quả đáng kể” nếu các công ty của họ cung cấp viện trợ vật chất cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.
Bà Yellen nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc rằng chúng tôi cho rằng Nga đang nhận được sự trợ giúp từ hàng hóa mà Trung Quốc và các công ty Trung Quốc đang cung cấp cho Nga.”
Phía Trung Quốc đã nói với bà rằng “chính sách của họ là không viện trợ quân sự cho Nga,” bà cho biết thêm. “Không ai trong chúng tôi muốn điều này trở thành vấn đề trong mối quan hệ song phương của chúng tôi. Vì thế chúng tôi đang làm việc cùng nhau.”
Thuế quan
Bà Yellen sẽ tới Bắc Kinh vào chiều thứ Bảy để có thêm hai ngày hội đàm với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng (Pan Gongsheng).
Ông Steven Hayes, chủ tịch nhóm vận động Người Mỹ Ủng hộ Thuế Công bằng (Americans for Fair Taxation) có trụ sở tại Florida, đã kêu gọi Bộ trưởng Ngân khố “đáp trả” việc bán phá giá của Bắc Kinh bằng cách hạn chế hàng nhập cảng từ Trung Quốc và di dời chuỗi cung ứng.
Ông Hayes cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTD hôm thứ Năm rằng chính quyền Trung Quốc đang cố gắng sử dụng các khoản trợ cấp nhà nước để “hủy hoại” các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Bắc Kinh biết “nếu họ đưa sản phẩm đến với mức giá đủ thấp, thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể duy trì hoạt động kinh doanh đủ lâu để cạnh tranh, vì họ không nhận được các khoản trợ cấp tương tự,” ông nói. Mục đích của họ là đẩy các công ty Mỹ ra khỏi thị trường, “và sau đó từ Trung Quốc họ có thể tăng giá và tự do thống trị.”
Trên đường đến Trung Quốc, bà Yellen nói với các phóng viên rằng bà “sẽ không loại trừ” khả năng chính phủ Tổng thống Biden sẽ áp đặt thuế quan hoặc các rào cản thương mại khác đối với Trung Quốc để bảo vệ các ngành năng lượng xanh của Hoa Kỳ khỏi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc.
Ông Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số và là tác giả của cuốn sách mới, “Ma quỷ và Trung Quốc Cộng sản” (The Devil and Communist China), gợi ý rằng Hoa Thịnh Đốn nên đáp trả tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc bằng các mức thuế quan nặng nề.
Ông Mosher nói với NTD: “Tôi nghĩ rằng thuế quan thực sự nên được tăng lên để phù hợp với mức trợ cấp mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cung cấp cho ngành công nghiệp.”
Ông nói: “Bây giờ họ rất phụ thuộc vào cơ sở xuất cảng của mình, bởi vì khu vực nội địa của nền kinh tế đó đang khá trống trải, [và] thành thật mà nói thì đang lụn bại.”