Các chuyên gia: Trung Quốc có dấu hiệu giảm bớt lập trường cứng rắn đối với Hoa Kỳ trước áp lực thương mại
Khi Hoa Kỳ tiếp tục yêu cầu thương mại công bằng trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, các chuyên gia cho rằng những hành động gần đây của Trung Quốc có dấu hiệu cho thấy một lập trường mềm mỏng hơn.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã đến thăm Trung Quốc từ ngày 03 đến ngày 09/04, kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cung cấp cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ “một sân chơi bình đẳng” và chỉ trích các hoạt động thương mại “cưỡng ép” của Trung Quốc.
Hôm 02/04, trước chuyến thăm của bà Yellen, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden nêu lên những lo ngại đang diễn ra về “các chính sách thương mại không công bằng và các hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, vốn gây tổn hại cho các nhân viên và gia đình Hoa Kỳ.” Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm các công nghệ tân tiến của Hoa Kỳ không bị sử dụng để gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
Trong khi đó, nhà độc tài Trung Quốc đã phàn nàn về áp lực kinh tế, thương mại, và công nghệ của Hoa Kỳ, đồng thời cho biết danh sách trừng phạt ngày càng tăng không phải là quản lý được rủi ro mà là đang tạo ra rủi ro.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và tự do hàng hải ở Biển Đông. Mặt khác, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán dựa trên sự ổn định và tin cậy.
Khi trở về, bà Yellen cho biết mối bang giao giữa hai nước “có nền tảng vững chắc hơn thời điểm này năm ngoái.”
Các hạn chế đối với công nghệ cao
Nhà phân tích độc lập về Trung Quốc và cộng tác viên của Epoch Times, ông Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), cho biết: “ĐCSTQ bị Hoa Kỳ cô lập về công nghệ tân tiến và bị kiềm chế bởi sự răn đe quân sự mạnh mẽ trong việc xâm chiếm Đài Loan.”
Hơn nữa, ông nói, các hành động đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông và việc quốc gia này ủng hộ hành vi xâm lược của Nga đã có tác dụng cô lập và sẽ gây ra những hậu quả lâu dài. “ĐCSTQ cần nhanh chóng giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ, nhưng bất chấp những nhượng bộ của ông Tập Cận Bình, họ sẽ không làm thay đổi được xu hướng toàn cầu là đối đầu với Trung Quốc cộng sản.”
Ký giả và nhà hoạt động nhân quyền người Canada gốc Hoa Thịnh Tuyết (Reimonna Sheng) cho rằng thời điểm ông Biden thực hiện cuộc gọi này mang tính chiến lược. Bà nói với The Epoch Times, “ĐCSTQ phải đối mặt với những thách thức không thể vượt qua về chính trị, kinh tế, và xã hội. Để đề phòng những hành động liều lĩnh và mạo hiểm của ĐCSTQ, ông Biden đã cần phải đích thân cảnh báo họ tiến hành kiềm chế và tránh việc làm leo thang các cuộc khủng hoảng toàn cầu.”
Thông cáo báo chí do Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đưa ra sau cuộc gọi cho thấy sự khác biệt đáng kể về giọng điệu. Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, đưa tin rằng ông Biden “nhắc lại rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, cũng như không tìm cách thay đổi hệ thống của Trung Quốc,” một tuyên bố không có trong văn bản của Tòa Bạch Ốc.
Hôm 04/04, quy định kiểm soát xuất cảng vi mạch bán dẫn cập nhật của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức có hiệu lực. Các quy định cập nhật bao gồm các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các thiết bị liên quan đến sản xuất vi mạch như mặt nạ chống ánh sáng siêu cực tím (EUV) và thiết bị quang khắc vi mạch bán dẫn, đồng thời làm rõ phạm vi yêu cầu cấp phép vi mạch bán dẫn AI. Các biện pháp này là một trong những điều mà ông Tập Cận Bình gọi là một “danh sách trừng phạt ngày càng tăng.”
Học giả và nhà bình luận chính trị độc lập người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), nói với The Epoch Times rằng ông tin rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây áp lực với ĐCSTQ trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm vi mạch cũng như các thiết bị và vật liệu liên quan.
Ông nói: “Trong tất cả các mặt hàng bị trừng phạt chống lại ĐCSTQ, lệnh cấm xuất cảng đối với các mặt hàng công nghệ cao là một đòn chí mạng vì có tác dụng làm chậm bước tiến của ĐCSTQ hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp thứ năm, cụ thể là về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.”
“Cuộc cách mạng công nghiệp thứ năm” đề cập đến một giai đoạn công nghiệp hóa mới nổi với AI là yếu tố then chốt, kết hợp khái niệm về sự hợp tác sâu sắc hơn giữa con người và AI.
Ông Ngô tin rằng ĐCSTQ rõ ràng đang gặp bất lợi trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Ông nói, mục tiêu của Hoa Kỳ là giữ nền kinh tế và công nghiệp của Trung Quốc ở mức thấp trong khi chọn cách cắt đứt quan hệ trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Ngoài việc kiểm soát xuất cảng các sản phẩm công nghệ cao, ông Ngô tin rằng Hoa Kỳ cũng sẽ sử dụng thuế quan để hạn chế nhập cảng các mặt hàng Trung Quốc như thuốc, xe điện, và quang năng.
‘Lằn ranh đỏ’ của ông Tập trong vấn đề Đài Loan
Ông Tập khẳng định vấn đề Đài Loan là “lằn ranh đỏ” bất khả xâm phạm, trong khi ông Biden nhắc lại lập trường nhất quán của Hoa Kỳ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Eo biển Đài Loan.
Hôm 03/04, ngày xảy ra trận động đất mạnh làm rung chuyển Đài Loan, Trung Quốc đã điều động 30 phi cơ quân sự và 9 chiến hạm tới Đài Loan. Phi cơ quân sự Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không ở phía bắc Đài Loan hoặc vượt qua đường trung tuyến của eo biển khoảng 20 lần, lập kỷ lục về số lượng hành động khiêu khích của quân đội Trung Quốc đối với Đài Loan trong năm nay.
Ông Chư Cát nói rằng ông cảm thấy ĐCSTQ thiếu can đảm để xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Ông nói, những hành động khiêu khích “chỉ nhằm mục đích phô trương thanh thế và đe dọa người dân Đài Loan,” đồng thời cho biết thêm, “Họ có thể sẽ tiếp tục làm như vậy ngay cả sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Đài Loan.” Tổng thống đắc cử Đài Loan Lại Thanh Đức sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới.
Ông Ngô tin rằng ĐCSTQ không có lợi thế ở Eo biển Đài Loan. Ông nói, mặc dù tình hình có vẻ căng thẳng, nhưng sự căng thẳng này về căn bản là một sự bế tắc về mặt chiến thuật, dùng “lằn ranh đỏ” như một phương tiện để chuyển hướng các cuộc khủng hoảng trong nước và kích động tâm lý chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Trong nỗ lực xoa dịu mối quan hệ với phương Tây, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã dỡ bỏ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm, gần đây nhất là đối với rượu vang Úc, chấm dứt nhiều năm áp dụng thuế trừng phạt đối với mặt hàng nhập cảng này.
Bất chấp lập trường có vẻ mềm mỏng hơn, bà Thịnh nói: “ĐCSTQ cai trị bằng khủng bố và bạo lực, dựa trên hệ tư tưởng cộng sản của họ. Một số quốc gia phương Tây, bị thúc đẩy bởi lợi nhuận, vẫn hy vọng thiết lập một số hình thức quan hệ đối tác chiến lược với ĐCSTQ, nhưng đó chỉ là mơ tưởng.”
Lệnh cấm TikTok
Một trong số những vấn đề có thể khiến Bắc Kinh lo lắng là đề xướng cấm TikTok của Hoa Kỳ. Vấn đề này đã xuất hiện trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen. “Chúng tôi đã thảo luận ngắn gọn về vấn đề này,” Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ cho biết.
Cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm 03/04 rằng ông Tập đã nêu vấn đề này trong cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo.
Ông Kirby cho biết Tổng thống Biden đã nói rõ rằng “đây không phải là lệnh cấm TikTok, mà là về việc thoái vốn, rằng hành động này đã là về việc bảo vệ an ninh dữ liệu của người dân Hoa Kỳ và lợi ích an ninh quốc gia của chính chúng tôi.”