Biểu tình nổ ra khắp Trung Quốc phản đối các hạn chế COVID-19, yêu cầu ông Tập từ chức
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Thượng Hải và trong khuôn viên các trường đại học trên cả nước vào cuối tuần qua, với đám đông kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt sự cai trị và lãnh đạo cao nhất từ chức, trong một biểu hiện bất đồng chính kiến công khai hiếm hoi mà đất nước này chưa từng chứng kiến trong nhiều thập niên.
Làn sóng giận dữ mới nhất, từ thủ đô Bắc Kinh đến thành phố Nam Kinh ở phía nam, lan rộng sau khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra ở vùng miền tây Tân Cương, nơi có những hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 được cho là nguyên nhân khiến 10 người tử vong và 9 người bị thương trong một vụ hỏa hoạn một chung cư cao tầng ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), thủ phủ của khu vực. Chính quyền địa phương đã bác bỏ cáo buộc này.
Tại Thượng Hải, các đám đông người biểu tình đã tụ tập để thắp nến cầu nguyện tại Đường Trung lộ Wulumuqi, một con phố được đặt theo tên Urumqi, vào cuối hôm 26/11, theo các video trực tuyến và những người tham dự.
“Yêu cầu tự do!” Có thể nghe thấy mọi người la hét trong nhiều video, được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội của quận trước khi bị gỡ xuống.
“Ông Tập Cận Bình,” một người đàn ông hô vang trong video. “Hãy từ chức đi!” nhiều người theo sau.
“Đảng Cộng sản,” một số người hét lên; “Đả đảo!” những người khác trả lời. Họ lặp lại những tiếng hô vang trong khi mọi người có thể được nhìn thấy cầm tờ giấy trắng hoặc ghi lại cảnh tượng bằng điện thoại của họ trong đoạn phim.
Cô Eva Rammeloo, một phóng viên của tờ báo Hà Lan Fidelity, người có mặt tại địa điểm biểu tình, cho biết cô “chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này” trong 10 năm đưa tin ở Trung Quốc. Cô ước tính có hơn 1,000 người biểu tình vào sáng sớm hôm 27/11.
Cảnh sát bắt đầu truy bắt những người biểu tình. Có thể nghe thấy một số người biểu tình hét lớn: “Không được dùng bạo lực!” Một người đàn ông nói với cảnh sát: “Các anh là công an nhân dân, các anh phải phục vụ nhân dân!”
Cô Rammeloo hỏi một sĩ quan cảnh sát rằng liệu anh ta có đồng ý với những người biểu tình hay không.
“Anh ấy mỉm cười với một khoảng lặng rất dài. ‘Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì về việc này. Chúng tôi hết cách,’” cô Rammeloo viết trên Twitter.
Đoạn video cho thấy cảnh sát đẩy người biểu tình vào xe cảnh sát. The Epoch Times không thể ngay lập tức kiểm chứng tính xác thực của những video này.
Theo cô Rammeloo, đường Trung lộ Wulumuqi đã bị chặn, nhưng vẫn có những cuộc biểu tình dọc đường.
Trong nhiều thập niên người ta đã không chứng kiến kiểu biểu hiện sự giận dữ bùng nổ trên toàn quốc này. ĐCSTQ đã không ngừng đàn áp những tiếng nói chỉ trích, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Một số công dân và ký giả công dân cố gắng ghi lại thiệt hại trong những ngày đầu của COVID-19 đã bị bỏ tù.
Kể từ khi đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã chống virus này bằng các biện pháp kiểm soát xã hội khắc nghiệt nhằm nỗ lực loại bỏ mọi ca lây nhiễm trong cộng đồng. Phong tỏa ngay lập tức, xét nghiệm liên tục, giám sát hàng loạt và cách ly bắt buộc đối với bất kỳ ai mà họ cho là có nguy cơ mắc bệnh là một trong những phương pháp mà các quan chức ĐCSTQ đã áp dụng để thực hiện chính sách “zero-COVID” của họ.
Ba năm sau, nhiều người kỳ vọng chế độ cộng sản này sẽ từ bỏ cách tiếp cận cứng rắn vốn đã tước đi thu nhập của những người dân bị phong tỏa và gây ra vô số bi kịch liên quan đến những bệnh nhân không mắc COVID vì nhận sự chăm sóc y tế chậm trễ.
“Không ai ưa thích ĐCSTQ hay ông Tập Cận Bình,” một cư dân Thượng Hải họ Vương nói với The Epoch Times. Ông nói thêm rằng người dân Trung Quốc đã “chán ngấy” các chính sách zero-COVID hà khắc này.
“Tất cả các lĩnh vực đang gặp khó khăn. Chúng tôi cần phải nuôi sống bản thân, để cung cấp gia đình của chúng tôi. Không có thu nhập, làm sao chúng tôi có thể tồn tại?” người đàn ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 27/11.
Chính quyền đã chặn các tài khoản phát tán video về các cuộc biểu tình vào cuối tuần, một cư dân Thượng Hải khác nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, các đoạn phim tràn ngập trên mạng xã hội cho thấy các cuộc biểu tình đã diễn ra tại một số trường đại học hàng đầu trên cả nước vào sáng ngày 27/11.
Tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Bắc Kinh, hàng chục người đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa phản đối các hạn chế của COVID, trong đó họ hát quốc ca của ĐCSTQ, theo các hình ảnh và video được đăng trên mạng xã hội.
Trong một video, một sinh viên đại học Thanh Hoa đã kêu gọi một đám đông cổ vũ lên tiếng.
“Nếu chúng ta không dám lên tiếng vì sợ bị bôi nhọ, người dân sẽ thất vọng về chúng ta. Là một sinh viên đại học Thanh Hoa, tôi sẽ hối hận suốt đời.” The Epoch Times không thể xác minh ngay lập tức video này.
Bất chấp sự phẫn nộ của công chúng, Nhân dân Nhật báo, tờ báo hàng đầu của ĐCSTQ, một lần nữa kêu gọi đất nước tuân thủ chính sách zero-COVID.
Theo ông Rory Truex, một trợ lý giáo sư về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, cách tiếp cận zero-COVID, hiện đã trở thành một chính sách đặc trưng của ông Tập, nên được hiểu là một chiến dịch chính trị cho ĐCSTQ.
Tuy nhiên, sự bất mãn trên toàn quốc và cách tiếp cận khắc nghiệt dường như đặt ra thách thức lớn nhất đối với ông Tập. Tháng trước, ông Tập đã tự trao cho mình nhiệm kỳ thứ ba kỷ lục trong Đại hội Đảng lần thứ 20. Đưa các đồng minh của mình vào các cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng, ông Tập hiện là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của đất nước kể từ nhà lãnh đạo đầu tiên, Mao Trạch Đông.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một giáo sư khoa Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, coi những cuộc biểu tình này là một bước ngoặt trong chính trị Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya và Reuters
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times