Báo cáo: Dân quân biển Trung Quốc đụng độ với Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ gần khu vực Mỹ Latinh
An ninh của Đài Loan gặp rủi ro bởi sự bành trướng của lực lượng dân quân biển Trung Quốc
Một tàu trang bị vũ khí của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ được biết là đã xung đột trực tiếp với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Ecuador vào mùa hè vừa qua, theo Lực lượng Tuần duyên và các quan chức phi quân sự đã trao đổi với Associated Press với điều kiện ẩn danh. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có khả năng vi phạm các thỏa thuận hàng hải quốc tế và gây rủi ro cho an ninh của Đài Loan.
Vụ việc xảy ra gần quần đảo Galapagos của Ecuador hồi tháng Tám. Khi tàu tuần duyên James trang bị vũ khí hạng nặng của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ áp sát một đội gồm vài trăm tàu câu mực của Trung Quốc, ba tàu Trung Quốc đã tăng tốc bỏ chạy trong khi một tàu hung hăng quay 90 độ về phía tàu James, buộc tàu Mỹ phải có hành động né tránh để không bị húc vào.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là “một lực lượng gồm các tàu bề ngoài là tham gia đánh bắt cá thương mại nhưng thực tế lại hoạt động cùng với lực lượng thực thi pháp luật và quân đội của Trung Quốc để đạt được các mục tiêu chính trị trong vùng biển tranh chấp,” theo định nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Theo bài báo của AP hôm 01/11, tàu James của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ có mục đích kiểm tra các tàu Trung Quốc để truy vết bất kỳ dấu hiệu đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo hoặc không tuân theo luật định. Và việc cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Hoa Kỳ lên tàu và kiểm tra các tàu trên biển như một phần trong nỗ lực chung nhằm bảo vệ nguồn cá đang bị đe dọa của đại dương là “hoàn toàn hợp pháp.”
“Hầu như họ muốn né tránh chúng tôi,” Trung úy Cảnh sát biển Hunter Stowes, sĩ quan thực thi pháp luật cao cấp nhất trên tàu James, nói với AP. “Nhưng chúng tôi đã có thể điều chỉnh một cách hiệu quả để chúng tôi có thể an toàn trong suốt thời gian đó.”
Trong số các tàu bị phát hiện trong cuộc tuần tra của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, một số được cho là được trang bị như một tàu chở hàng đông lạnh, có vai trò như một tủ đông ngoài khơi để vận chuyển cá quay trở lại Trung Quốc, để các tàu nhỏ hơn có thể ở lại ngoài khơi trong thời gian dài.
Vi phạm nguy hiểm Quy ước hàng hải quốc tế
Các tàu Trung Quốc cuối cùng đã rời khỏi hiện trường sau cuộc chạm trán nói trên. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đã vi phạm.
Theo bài báo của AP, Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố trong vòng vài ngày sau vụ việc. Họ đã nêu vấn đề trong cuộc họp khẩn cấp với Đại sứ Nicholas Burns của Hoa Kỳ về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California) tới Đài Loan, trích dẫn các nguồn tin từ các quan chức Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là đã nói với AP rằng họ “không khoan nhượng đối với hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp” đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ coi thường các chuẩn mực quốc tế bằng cách thực hiện các cuộc kiểm tra trái phép không tuân theo các quy tắc về COVID-19, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của các thủy thủ.
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố có thái độ “không khoan nhượng” đối với việc đánh bắt trái phép, nhưng họ đã nhiều lần cản trở các nỗ lực quốc tế nhằm tăng cường các thủ tục kiểm tra ở Nam Thái Bình Dương.
Theo AP, vụ ngăn cản gần đây nhất xảy ra vào năm ngoái (2021), khi Trung Quốc lập luận rằng ngư dân sẽ gặp rủi ro nếu các sĩ quan tuần tra biển được phép mang súng. Trong khi đó, các quy tắc được đồng thuận thông qua năm 2011, được hướng dẫn bởi một hiệp ước của Liên Hiệp Quốc năm 1995, gọi là Thỏa thuận về Thủy sản, cho phép các thanh tra viên sử dụng vũ lực trong phạm vi cho phép để giữ an toàn.
AP cho biết cuộc đối đầu trên biển thể hiện sự vi phạm tiềm ẩn nguy hiểm đối với các thỏa thuận hàng hải quốc tế và tạo tiền lệ đáng lo ngại. Bài báo nói thêm rằng “một hạm đội gồm 3,000 tàu đánh cá xa bờ [được] xem như là một phần mở rộng của sức mạnh hải quân ngày càng tăng của họ và [được] thúc đẩy bằng các khoản cho vay hào phóng và trợ cấp nhiên liệu của nhà nước.”
Dân quân biển Trung Quốc
Hải sản là một nguồn rất quan trọng cho an ninh lương thực của Trung Quốc. Quốc gia này tiêu thụ khoảng 65 triệu tấn cá mỗi năm, chiếm 45% tổng khối lượng toàn cầu. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc duy trì đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, với 2,701 tàu thuyền.
Tuy nhiên, ông Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về vấn đề này, nói với CNN rằng đội tàu đánh cá của Trung Quốc bao gồm hơn 187,000 tàu thuyền được khai triển trên toàn thế giới. Trong khi đó, Viện Phát triển Hải ngoại có trụ sở tại London ước tính rằng có hơn 17,000 tàu Trung Quốc được sử dụng trong các hoạt động ở vùng biển xa xôi.
Theo Đài Á châu Tự do, có tối thiểu 100 tàu trong số này và 1,800 thủy thủ hoạt động dưới sự chỉ huy của Lực lượng Dân quân Biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM). Đội phụ trợ này của lực lượng vũ trang Trung Quốc được huấn luyện và trang bị để hỗ trợ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trong việc đưa ra yêu sách đối với các quần đảo, thực thể, và vùng biển trong các khu vực tranh chấp.
Ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm phối hợp tình báo của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói với CNN rằng, những tàu này trang bị vũ khí tự động và thân tàu được gia cố, và có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 18 đến 22 hải lý, nhanh hơn tốc độ của 90% các tàu thuyền đánh cá trên thế giới.
Ngoài ra, các tàu này được trang bị hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu độc lập với GPS. Một cuộc điều tra của RFA đã phát hiện ra rằng nhiều tàu thuyền thuộc về doanh nghiệp nhà nước Công ty TNHH Phát triển Thủy sản Thành phố Tam Sa, nơi quản lý các dự án của chính phủ liên quan đến dữ liệu an ninh quốc gia bí mật.
Những chiếc tàu được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, khiến chúng trở thành các nền tảng giám sát và liên lạc di động có thể thu thập và truyền thông tin tình báo trở lại chính quyền ở các địa điểm xa xôi. PAFMM có thể được sử dụng để theo dõi tàu ngoại quốc và phi cơ của Hoa Kỳ, cũng như giám sát bờ biển của các quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”).
Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các Vấn đề Hàng hải tại Đại học Philippines tuyên bố rằng, PAFMM đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thiết lập quyền kiểm soát trên toàn bộ Biển Đông.
Tạp chí Dân quân Trung Quốc số 2014/11, ấn phẩm quân sự của Bắc Kinh, tuyên bố rằng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc nên đảm nhận hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động hàng hải và yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành huấn luyện chiến đấu hiệu quả cho ngư dân của họ.
Một ấn phẩm quân sự khác của ĐCSTQ, National Defense, đã tuyên bố trong số 2014/12 rằng các tàu đánh cá của dân quân không chỉ được sử dụng để hỗ trợ hậu cần trong thời chiến mà còn hỗ trợ trong các cuộc tuần tra trên biển, chẳng hạn như thu thập thông tin tình báo và thông tin trong thời bình.
Rủi ro cho An ninh Đài Loan
Hôm 09/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi quân đội của mình tập huấn cho một “kỷ nguyên mới” và chuẩn bị cho xung đột quân sự trước “sự bất ổn và không chắc chắn ngày một tăng.”
Kể từ khi ĐCSTQ tiếp quản Hồng Kông và khi lực lượng dân quân của họ đã chiếm đóng các khu vực ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, nhiều người suy đoán rằng Đài Loan là mục tiêu tiếp theo.
Thứ trưởng về Chính sách của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Colin Kahl cho biết, một cuộc tấn công vào hòn đảo dân chủ tự do tự trị này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Tôi không nghĩ rằng trong vài năm tới họ có khả năng xâm lược Đài Loan. Nhưng chúng ta không thể biết trước điều gì,” ông Kahl cho biết hôm 04/11. “[Ông Tập] chắc chắn đã giao trách nhiệm cho quân đội của mình phải có khả năng đó vào cuối thập niên này và có thể là vào năm 2027.”
Để đối phó với hành động gây hấn ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc trong khu vực, chính phủ ở Đài Bắc đã tăng cường các biện pháp an ninh, với sự chuyển hướng chiến lược từ việc mua các hệ thống (vũ khí) lớn có uy tín, chẳng hạn như chiến đấu cơ và tàu hải quân, sang các thiết bị chống hạm nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần nguy hiểm và hỏa tiễn đất đối không.
Eo biển Đài Loan ngăn cách đảo Đài Loan, là lãnh thổ duy nhất còn lại của Trung Hoa Dân Quốc (từ 1911–nay), với Trung Quốc đại lục, mà Đảng Cộng sản đã tiếp quản vào năm 1949. Các tàu hải quân Hoa Kỳ thường xuyên đi qua eo biển này, nơi được coi là một phần của vùng biển quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nhấn mạnh trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 13/06 rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và nói thêm: “Không có thứ gọi là vùng biển quốc tế trong luật biển quốc tế. … Các nước liên quan tuyên bố rằng eo biển Đài Loan nằm trong vùng biển quốc tế với mục đích thao túng vấn đề Đài Loan và đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.”
Một báo cáo do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố hôm 31/08 tuyên bố rằng ĐCSTQ sử dụng tàu dân sự, phi cơ, và hàng không mẫu hạm để tiếp cận Đài Loan và các quần đảo xa xôi của họ để tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo. Báo cáo mô tả hoạt động của ĐCSTQ là “sử dụng dân thường làm vỏ bọc cho quân đội của mình” và tạo ra “vùng xám” trong xung đột.
Bộ này cũng cho biết, trong thời gian cấm đánh bắt cá vào mùa đông, lực lượng dân quân biển của ĐCSTQ sẽ đóng vai các tàu đánh cá hợp tác với hải quân và lực lượng cảnh sát biển của nước này để tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở vùng biển xung quanh Đài Loan.
Để đối phó với mối đe dọa từ ĐCSTQ, Đài Loan sẽ phải tăng cường lực lượng phòng thủ bờ biển và tuần tra trong giai đoạn này, gây căng thẳng cho lực lượng quân sự hạn chế của hòn đảo.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times