Báo cáo: Trung Quốc một lần nữa xếp hạng chót thế giới về tự do Internet
Trung Quốc một lần nữa được một nhóm vận động nhân quyền xếp hạng là nước lạm dụng quyền tự do internet tồi tệ nhất thế giới, nhóm này cũng cho biết từ lâu nhà cầm quyền cộng sản đã tìm cách xuất cảng mô hình đàn áp của mình ra hải ngoại.
Trong báo cáo mới nhất được công bố hôm 18/10, tổ chức Freedom House cho biết, “Trong tám năm liên tiếp, Trung Quốc vẫn giữ danh hiệu môi trường tồi tệ nhất trên thế giới về tự do internet.”
Báo cáo này mô tả, trong số 70 quốc gia được khảo sát thì không gian mạng Internet của Trung Quốc là “nơi đàn áp nhất thế giới”. Tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn này phát hiện ra rằng thông tin về Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và đại dịch COVID-19 đã bị hạn chế rất gắt gao ở đại lục.
Hơn nữa, cơ quan giám sát này cho biết chính quyền Trung Quốc đã trao quyền lực của mình cho ngành công nghệ thông qua các quy tắc và luật lệ. Theo báo cáo, các nhà chức trách đã soạn thảo các quy định để trừng phạt những công ty nào giúp người dùng mạng vượt tường lửa internet.
Sau khi kiểm soát thành công luồng thông tin trong nước, Trung Quốc và Nga lại hướng ra bên ngoài, thúc đẩy một mô hình mạng đàn áp với sự kiểm soát lớn hơn của nhà nước. Các nhà nghiên cứu từ Freedom House cảnh báo rằng Bắc Kinh và Moscow đã dẫn đầu những nỗ lực nhằm định hình lại các tiêu chuẩn và quy tắc trên mạng internet bằng cách khai thác vai trò của họ trong các cơ quan quốc tế.
Cô Allie Funk, giám đốc nghiên cứu về công nghệ và nền dân chủ tại Freedom House cho biết, “Các cường quốc độc tài, như Trung Quốc và Nga, đã thâm nhập [vào các diễn đàn quốc tế], và điều này đặc biệt đúng tại một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, được gọi là Liên hiệp Viễn thông Quốc tế, hay ITU. Chế độ độc tài đang cố gắng biến cơ quan này thành một cơ quan quản lý internet toàn cầu để thúc đẩy lợi ích của họ.”
Kiểm duyệt trong nước
Bằng cách khảo sát những diễn tiến về nhân quyền trực tuyến trong khoảng thời gian từ tháng 06/2021 đến tháng 05/2022, đội ngũ nghiên cứu viên của Freedom House phát hiện ra rằng Bắc Kinh đã siết chặt sự kiểm duyệt của mình trong những mốc thời gian cụ thể.
Ví dụ, nội dung liên quan đến quyền phụ nữ bị kiểm duyệt gắt gao hơn sau khi nữ vận động viên quần vợt Bành Soái (Peng Shuai) đưa ra cáo buộc tấn công tình dục đối với một quan chức hàng đầu đã về hưu của Đảng Cộng sản, ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), trên nền tảng giống như Twitter, Weibo.
Bài đăng của cô Bành đã bị gỡ xuống ngay lập tức khỏi tài khoản Weibo đã được xác thực của cô, rồi cô đã bặt vô âm tín, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại cho sự an nguy của cô. Sau đó, cô Bành đã phủ nhận lời cáo buộc của mình khi cô xuất hiện trở lại.
Theo báo cáo trên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã phát động một chiến dịch hung hăng để trấn áp thông tin về đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi người dân Thượng Hải chia sẻ những trải nghiệm của họ giữa lúc thành phố này bị phong tỏa nghiêm ngặt trong hai tháng bắt đầu từ cuối tháng Ba.
Đợt phong tỏa kéo dài của thành phố quốc tế tấp nập nhất Trung Quốc này đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm hàng ngày. Những bệnh nhân không nhiễm COVID phải chật vật để có được thuốc hoặc chăm sóc khẩn cấp. Cư dân của thành phố, trong đó có người già và trẻ em, đã bị chia tách khỏi gia đình của họ và được đưa đến các cơ sở cách ly. Nhiều cư dân đã lên Weibo để khẩn cầu sự giúp đỡ, còn những người khác lại bày tỏ sự tức giận và thất vọng của mình trên một không gian mạng internet bị kiểm soát gắt gao. Thế nhưng, trên trang tin Trung Quốc của Freedom House, tổ chức này cho biết có rất nhiều bài đăng đã bị các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc gỡ xuống.
Những người dân Trung Quốc chia sẻ thông tin về dịch COVID có thể phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc. Báo cáo đã lấy trường hợp của cô Hứa Na (Xu Na) làm ví dụ. Cô Hứa đã bị giam giữ sau khi cô chia sẻ thông tin và hình ảnh với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong thời gian đầu bùng phát dịch COVID-19 ở Bắc Kinh. Hồi tháng Một, cô Hứa – một học viên của môn tu luyện bị bức hại Pháp Luân Công – đã bị kết án tám năm tù.
Định hình lại môi trường internet toàn cầu
Freedom House cảnh báo rằng các cường quốc độc tài, đơn cử như nhà cầm quyền cộng sản ở Trung Quốc, từ lâu đã tìm cách thay thế mô hình quản trị internet toàn cầu hiện tại bằng “một mô hình khác thúc đẩy chủ quyền mạng, hoặc quyền kiểm soát lớn hơn của nhà nước.”
Báo cáo nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã ngỏ lời với ITU, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm phát triển và xác định các tiêu chuẩn toàn cầu cho các loại công nghệ mới. Ông Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin), một kỹ sư viễn thông người Trung Quốc, đã lãnh đạo ITU kể từ năm 2014.
Với tư cách là tổng thư ký của ITU, ông Triệu kêu gọi “sự thay đổi quyền kiểm soát việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật khỏi các cơ quan đa phương, nơi xã hội dân sự và các chuyên gia phi chính phủ khác có nhiều sức ảnh hưởng hơn, và hướng [quyền kiểm soát đó] đến chính ITU, nơi chỉ có các chính phủ mới có đầu vào,” theo báo cáo.
Trong nhiệm kỳ của ông Triệu, đại công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, China Mobile, China Unicom và Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã cùng nhau đề xướng một bộ tiêu chuẩn mới gọi là “Giao thức Internet Mới” (internet protocol, IP) vào năm 2019. Báo cáo cho biết, kế hoạch này “về căn bản sẽ thay đổi khả năng tương tác của cơ sở hạ tầng internet toàn cầu bằng cách thiết kế lại các giao thức chung để tạo điều kiện cho nhà nước có quyền kiểm soát lớn hơn đối với các mạng nội địa.”
Sáng kiến này đã bị bỏ phiếu bác bỏ, nhưng các nhà phân tích tại Freedom House lưu ý rằng các yếu tố bình mới rượu cũ của đề xướng này đã xuất hiện trở lại trong các cơ quan tiêu chuẩn khác nhau.
Trong khi đó, ĐCSTQ đã biến Hội nghị Internet Thế giới hàng năm của mình thành một tổ chức thường trực hồi tháng 07/2022. Theo báo cáo, cơ quan này được thiết kế để “phục vụ như một cộng đồng toàn cầu ‘cùng chia sẻ’ sẽ xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản trị.” Thông qua tổ chức này, ĐCSTQ có thể “thúc đẩy và khuyến khích các chính phủ khác áp dụng mô hình kiểm soát kỹ thuật số độc tài của họ.”
“Ở trong nước và trên vũ đài quốc tế, các chế độ độc tài đang thực hiện một chiến dịch nhằm chia cắt không gian Internet cởi mở này thành một loạt các khu vực đàn áp biệt lập,” Freedom House cho biết trong báo cáo. “Ngày càng có nhiều chính phủ hơn bao giờ hết đang kiểm soát những gì mọi người có thể truy cập và chia sẻ trực tuyến bằng cách chặn các trang web của ngoại quốc, thu thập dữ liệu cá nhân, và tập trung hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật của quốc gia họ.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times