Chuyên gia cảnh báo: Úc tiến thêm một bước gần Trung Quốc hơn khi áp dụng danh tính kỹ thuật số
Những người chỉ trích về kế hoạch mở rộng hệ thống danh tính kỹ thuật số của Úc đang cảnh báo rằng hệ thống đó cuối cùng có thể được sử dụng để hạn chế quyền tự do của công dân nước này — theo cách tương tự như những gì đã được sử dụng bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hiện tại, sử dụng một danh tính (ID) kỹ thuật số — được gọi là myGovID — ở Úc là một tùy chọn và đã được khai triển cho các dịch vụ liên bang như thuế, phúc lợi, y tế, giáo dục, và dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, đối với những người muốn bắt đầu một doanh nghiệp mới, ID kỹ thuật số là bắt buộc.
Việc ghi danh liên quan đến việc cung cấp một số tài liệu nhận dạng, chẳng hạn như hộ chiếu, bằng lái xe, v.v.
Nhưng Giáo sư John Hartnett — một nhà khoa học nghiên cứu vật lý về hưu, người từng làm việc trên máy tạo dao động sapphire đông lạnh (hoặc “đồng hồ sapphire”) được sử dụng bởi Cơ quan Vũ trụ Âu Châu và quân đội Úc — không tin rằng hệ thống này sẽ không bị lạm dụng.
Ông Hartnett cảnh báo rằng việc cho phép chính phủ có quyền kiểm soát đối với quyền truy cập của một người vào các dịch vụ bằng một hình thức nhận dạng thuận tiện, trong trường hợp xấu nhất, có thể khiến việc lạm quyền quá mức có thể xảy ra nhiều hơn trong tương lai.
“Danh tính kỹ thuật số sẽ nhanh chóng dẫn đến chế độ độc tài kỹ thuật số bên trong một nhà tù kỹ thuật số,” ông Hartnett cho biết tại hội nghị Xây dựng Nhà tù Kỹ thuật số do Hiệp hội các Nền văn minh và Lý thuyết pháp lý Tây Úc tổ chức tại Perth hôm 12/10.
Ông Hartnett lập luận rằng ràng việc liên kết quyền truy cập vào các dịch vụ khác nhau với một ID kỹ thuật số có thể đồng nghĩa với việc chính phủ có thẩm quyền về mặt kỹ thuật đối với các dịch vụ mà một cá nhân có thể hoặc không thể sử dụng.
“[Mọi người có thể bị] kiểm soát thông qua loại công nghệ này cùng với điểm số mà mỗi người được cấp cho. Nếu quý vị không nghe lời, điểm số của quý vị sẽ bị đặt ở trạng thái mà quý vị không thể mở khóa bất kỳ dịch vụ nào, như mua đồ ăn hoặc du lịch,” ông nói.
“Hãy nhìn vào Trung Quốc hiện nay, với hệ thống tín dụng xã hội của họ.”
Chính phủ Úc ca ngợi hệ thống danh tính kỹ thuật số
Chính phủ Úc đã ca ngợi hệ thống danh tính kỹ thuật số như một cơ chế sẽ thay thế nhiều thông tin đăng nhập trên các dịch vụ khác nhau một cách an toàn, giúp “hoàn thành công việc với chính phủ nhanh hơn và dễ dàng hơn.”
Đến năm 2024, hơn 600 triệu AUD (380 triệu USD) sẽ được chi vào việc phát triển hệ thống này.
Mục đích là để hệ thống này được nhiều khu vực công và thậm chí cả khu vực tư hơn — cụ thể là ngân hàng và các dịch vụ tiện ích — áp dụng. Ngoài ra còn có các kế hoạch để đưa dữ liệu khuôn mặt vào như một phần của hệ thống ID này, cho phép người dùng được xác nhận chỉ từ một bản quét khuôn mặt của họ.
Mặc dù chính phủ Úc đã tuyên bố trên trang web của mình rằng “việc tạo và sử dụng Danh tính Kỹ thuật số là không bắt buộc và là lựa chọn của quý vị,” nhưng ông Hartnett không cảm thấy thuyết phục.
Ông tin rằng nó sẽ không phải là một tùy chọn vĩnh viễn.
“Hiện tại, việc ghi danh tham gia là tự nguyện. Nhưng đó là cách thông thường mà tất cả các cơ chế bắt buộc được đưa ra,” ông nói.
The Epoch Times đã liên lạc với Cơ quan Chuyển đổi Kỹ thuật số — cơ quan chịu trách nhiệm về myGovID — và hỏi liệu chính phủ Úc có kế hoạch để hệ thống này luôn hoạt động một cách tự nguyện hay không, nhưng không nhận được phản hồi nào trước thời điểm phát hành bài báo này.
Hệ thống tín dụng xã hội và ID quốc gia của Trung Quốc
Một số lo ngại của ông Hartnett vốn dĩ đã được hiện thực hóa ở Trung Quốc.
Chuyên gia công nghệ thông tin từng sống ở Trung Quốc, ông Richard Lue, giải thích rằng mọi công dân ở Trung Quốc đều được cấp thẻ căn cước công dân, thẻ này yêu cầu thông tin căn bản, ảnh, và dấu vân tay của một người. Gần đây, chính quyền Trung Quốc thậm chí còn gây tranh cãi vì khuyến khích cung cấp DNA qua mẫu máu.
“[Không có thẻ căn cước], quý vị không thể đi làm, quý vị không thể có bằng lái xe, quý vị không thể làm gì cả,” ông Lue nói tại hội nghị.
Úc trước đây đã đề xướng một thẻ căn cước quốc gia dưới thời chính phủ Đảng Lao Động của cố Thủ tướng Hawke vào năm 1985, được gọi là “Thẻ Úc”. Tuy nhiên, luật này đã bị bãi bỏ vào năm 1987 sau nhiều lần phản đối trong nghị viện.
Ngày nay, ở Trung Quốc, thẻ căn cước công dân thậm chí cũng bị yêu cầu khi đặt taxi, bay nội địa, đăng ký số điện thoại, mở tài khoản ngân hàng, tạo tài khoản mạng xã hội, hay mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, khả năng sử dụng các dịch vụ này của người dân Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng dựa trên điểm tín dụng xã hội của họ.
Ông Lue giải thích thêm rằng bất kỳ hành động nào cũng có thể dẫn đến việc bị trừ điểm tín dụng xã hội, chẳng hạn như vi phạm luật giao thông hoặc nói điều gì đó tiêu cực về Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Do đó, hệ thống tín dụng xã hội có nghĩa là quý vị có thể không vay được tiền từ ngân hàng, hoặc quý vị không thể kiếm được việc làm trong các khu vực dịch vụ công.”
Lo ngại về sự can thiệp quá mức của chính phủ
Ông Augusto Zimmermann, cựu ủy viên cải cách luật ở Tây Úc và là trưởng khoa luật tại Viện Giáo dục Bậc cao Sheridan, bày tỏ lo ngại về thẻ ID kỹ thuật số mới và sự can thiệp ngày càng tăng của chính phủ Úc vào cuộc sống của người dân.
Ông Zimmermann dẫn chứng việc myGov — cổng thông tin trực tuyến về thuế, y tế, và các dịch vụ khác của Úc — đã quản lý và lưu trữ rất nhiều dữ liệu cá nhân, và đó là điều bắt buộc đối với một số hoạt động, chẳng hạn như nộp tờ khai thuế trực tuyến.
“Quyền riêng tư đã bị chính phủ xâm phạm,” ông Zimmermann nói với The Epoch Times hôm 17/10.
“Tôi rất kinh hoàng khi thấy rằng ngay cả các báo cáo y tế của tôi và mọi thứ tôi có liên quan đến cuộc sống riêng tư của tôi — những điều mà chính phủ không bao giờ nên biết — đã bị các nhà chức trách ở đây thu thập.”
Liên quan đến danh tính kỹ thuật số, ông Zimmermann tin rằng “chính phủ nên loại bỏ hoàn toàn lĩnh vực này.”
Ông nói, “Tôi sẽ cảm thấy bớt lo lắng hơn… [nếu chính phủ không] phát minh ra một phương tiện mà có khả năng khiến chúng ta không thể thực hiện một giao dịch tài chính mà không bị giám sát điện tử, hoặc có khả năng khiến chúng ta không thể đi ra hải ngoại hoặc một tiểu bang khác mà không bị xác thực danh tính.”
Một số tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới đã bày tỏ và khuyến khích sự ủng hộ đối với danh tính kỹ thuật số.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times