Báo cáo: ĐCSTQ đào tạo nhà độc tài ở các nước đang phát triển qua chương trình ‘đào tạo kinh doanh’
Báo cáo phát hiện ĐCSTQ đã tài trợ và tổ chức 795 hạng mục đào tạo trực tuyến dành cho cho các quan chức chính phủ ở các quốc gia đang phát triển trong năm 2021 và 2022.
Theo báo cáo mới của Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu (Global China Hub) thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) với nhan đề: “Phương Nam Toàn Cầu mang đặc sắc Trung Quốc” (A Global South with Chinese characteristics), chính quyền Trung Quốc đã và đang cố gắng áp dụng hệ tư tưởng cộng sản và các mô hình quản trị độc tài ở các quốc gia đang phát triển dưới lớp vỏ bọc là các chương trình “đào tạo kinh doanh.”
Phương Nam Toàn Cầu đề cập đến các quốc gia đang phát triển, mà phần lớn (nhưng không phải tất cả) đều nằm ở khu vực phía nam bán cầu, trong đó có: Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Pakistan, và hầu hết các quốc gia ở châu Phi và châu Mỹ Latin. Trung Quốc cũng nằm trong nhóm này.
Báo cáo phát hiện có 795 chương trình đào tạo trực tuyến dành cho các quan chức chính phủ ở các quốc gia thuộc nhóm này trong năm 2021 và 2022, được Bộ Thương mại của ĐCSTQ tài trợ và tổ chức, trong đó quảng bá “cách thức quản trị độc tài” và thúc đẩy luận điệu rằng mô hình kiểm soát độc tài là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.
Các phát hiện này dựa trên 1,691 hồ sơ thu được từ Học viện Quan chức Thương mại Quốc tế (Academy for International Business Officials, AIBO) thuộc Bộ Thương mại của ĐCSTQ. AIBO đào tạo cho các cán bộ ĐCSTQ thuộc bộ này, đồng thời đang phối hợp với các lãnh sự quán của ĐCSTQ để quảng bá các khóa đào tạo trực tuyến của họ trong khu vực phương Nam Toàn cầu. Theo báo cáo, trong vòng hai năm, có 21,123 người đã tham gia các khóa đào tạo trực tuyến của ĐCSTQ.
Tác giả của báo cáo nói trên, nghiên cứu viên Khâu Chỉ Ân (Niva Yau), đã phân loại các chương trình đào tạo này thành sáu nhóm dựa trên nội dung để phân tích cách mà những chương trình đó phục vụ cho “tham vọng lớn hơn của Trung Quốc trong việc làm suy yếu các chuẩn tắc về tự do dân chủ hiện đang là nền tảng cho trật tự thế giới.”
Hai nhóm đầu tiên được gắn mác là “Rõ ràng là độc tài” và “Có thể là độc tài,” gồm các bài học về những phương thức hoạt động của ĐCSTQ vốn được xem là vi phạm quyền tự do cá nhân, trong đó có “các hoạt động của chế độ phi dân chủ” như “kiểm soát hành chính đối với phương tiện truyền thông, thông tin, và dân số.”
“Các chương trình này cũng cung cấp sự trợ giúp thiết thực cho các quốc gia sở tại để họ nhanh chóng thích ứng với các phương thức hoạt động của Trung Quốc,” báo cáo viết.
Các chương trình đào tạo được phân loại vào hai nhóm khác là “Quyền truy cập hoạt động thông tin” và “Quyền truy cập an ninh.” Hai nhóm này tập trung vào các hoạt động phục vụ “mục đích thu thập thông tin tình báo” của ĐCSTQ, đồng thời giúp chính quyền Trung Quốc tăng cường năng lực tiếp cận các hoạt động thông tin và cơ sở hạ tầng an ninh của các quốc gia ngoại bang.
Hệ tư tưởng của ĐCSTQ cũng được đưa vào chương trình đào tạo, trong đó có các bài viết của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của chính quyền Trung Quốc cũng được đưa vào chương trình đào tạo, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của ĐCSTQ. Sáng kiến Vành đai và Con đường là một chương trình cho vay hạ tầng lớn dành cho các quốc gia đang phát triển.
Báo cáo cho biết mô hình [quản trị độc tài] của Trung Quốc được quảng bá trong chương trình đào tạo và các hoạt động bắt nguồn từ hệ tư tưởng chính trị của ĐCSTQ, trong đó có các hoạt động độc tài và tập quyền trong cách quản lý và vận hành kinh tế.
Theo báo cáo, các chương trình đào tạo này thúc đẩy “sự ủng hộ đối với các quan điểm về Trung Quốc trong cộng đồng các quan chức ở phương Nam Toàn cầu.” Báo cáo cho rằng các chương trình này là một phần trong nỗ lực của tuyên truyền rộng lớn hơn của ĐCSTQ nhằm xây dựng các câu chuyện tích cực về Trung Quốc và những lợi ích của việc hợp tác với Trung Quốc.
Theo phân tích của báo cáo, các chương trình này liên tục nhắc nhở người tham gia rằng ĐCSTQ có được thành công là nhờ hệ thống quản trị độc tài, đồng thời chỉ trích các nguyên tắc và mô hình dân chủ.
Báo cáo nhận thấy rằng mô hình thúc đẩy chế độ chuyên chế và làm suy yếu nền dân chủ ở các quốc gia đang phát triển này có thể sẽ còn tiếp diễn khi mà ĐCSTQ vẫn đang mở rộng quy mô của các loại chương trình này.
Chế độ dân chủ so với chủ nghĩa độc tài
Các chương trình đào tạo này là một phần trong kế hoạch tăng cường mục tiêu mở rộng sang các nước nghèo nhất thế giới của ĐCSTQ. Hôm 12/06, trong một bài diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, ông Tập đã một lần nữa nhấn mạnh tình đoàn kết đối với các quốc gia này.
Ông nói rằng “Trung Quốc sẽ luôn là một thành viên của phương Nam Toàn cầu và của thế giới đang phát triển” đồng thời “sẽ tích cực tìm cách nhập cảng thêm từ các quốc gia đang phát triển khác, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, và phát triển.”
Giáo sư kinh tế của Đại học Khoa Học Kỹ Thuật Quốc Lập Vân Lâm Đài Loan Trịnh Chính Bỉnh (Cheng Cheng-ping) cho biết các chương trình đào tạo, vốn nằm dưới sự điều hành của Bộ Thương mại nghe có vẻ trung lập này, cho thấy ĐCSTQ dưới thời ông Tập Cận Bình có một “phương pháp tiếp cận có hệ thống nhằm gây ảnh hưởng và chi phối trật tự thế giới vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.”
“[ĐCSTQ], cùng với Nga, đang nỗ lực định hình lại trật tự của toàn thế giới, một trật tự dựa trên dân chủ, tự do, chủ nghĩa cá nhân, và pháp quyền. Do đó, nhờ những thành công trong kinh tế của mình, họ muốn thu hút các quốc gia trong nhóm phương Nam Toàn cầu tham gia các chương trình đào tạo toàn diện này,” ông Trịnh cho biết.
Ông nhận thấy rằng liên minh giữa ĐCSTQ và phương Nam Toàn cầu có tác động đến cuộc đối đầu với các quốc gia dân chủ phương Tây.
“Hiện nay sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực đã vượt qua [sức ảnh hưởng] của Hoa Kỳ rồi. Cứ khi nào Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu, thì gần như lần nào Hoa Kỳ cũng thua,” ông Trịnh cho biết. “Đó là lý do vì sao hầu hết các tổ chức quốc tế không thừa nhận Đài Loan.”
Ông cũng phân tích về sức cám dỗ của mô hình Trung Quốc được quảng bá trong các chương trình đào tạo.
“Trên thế giới có hơn 100 quốc gia đang phát triển, các quốc gia nghèo, và các quốc gia độc tài. Ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì sự thống trị về chính trị của riêng họ,” ông cho biết. “Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển tốt, và có vẻ chính quyền cũng rất ổn định, vì vậy sức cám dỗ đối với họ mà nói là gấp đôi. Nếu kinh tế phát triển tốt, chính quyền độc tài có thể trở nên càng độc tài hơn. Sự thống trị của họ không những được hợp pháp hóa, mà còn ngày càng mạnh mẽ hơn.”
Hôm 14/06, Phó giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Quốc lập Đài Loan Trần Thế Dân (Chen Shih-min) nói với The Epoch Times: “Trung Quốc cung cấp vốn và các khoản vay cho các quốc gia thuộc phương Nam Toàn cầu qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Không như các quốc gia Tây phương, Trung Quốc không yêu cầu họ phải bảo đảm tự do chính trị và nhân quyền cho người dân của họ.”
Ông Trần lưu ý rằng điều này có thể khiến một số quốc gia kém phát triển nhất thế giới xích gần Trung Quốc hơn, đặc biệt là ở Châu Phi nơi có nhiều chính quyền độc tài.
Dẫu vậy, ông Trịnh nêu ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, đặc biệt là kể từ sau đại dịch COVID-19.
“Bong bóng địa ốc sắp vỡ rồi,” ông cho biết. “Mọi người đều dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy thoái và trong tương lai gần thì điều này sẽ không thay đổi. Trong khi đó, ông Tập ngày càng siết chặt gọng kìm của mình đối với xã hội Trung Quốc. “Huyền thoại về Trung Quốc” hay chủ trương “kể câu chuyện của Trung Quốc cho thật hay” ngày càng khó trở thành hiện thực.”
“Khả năng của họ trong việc tài trợ số tiền lớn cho các quốc gia đang phát triển cũng suy yếu rồi.”
Bàn về cạnh tranh ảnh hưởng với các quốc gia phương Tây, ông Trịnh cho rằng “phương Tây vẫn có lợi thế tuyệt đối, không chỉ về sức mạnh kinh tế; những giá trị mà họ đại diện như: dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, tự do và cởi mở, và sự cạnh tranh thị trường tự do chính là con đường đúng đắn dẫn đến hòa bình và thịnh vượng của thế giới.”
Đối phó với sức ảnh hưởng của ĐCSTQ
Ông Trịnh cho biết sự tương phản giữa chủ nghĩa độc tài và các giá trị dân chủ của cá quốc gia phương Tây được minh họa một cách rõ ràng trong các chương trình đào tạo của ĐCSTQ dành cho các quan chức ở phương Nam Toàn cầu.
“Các quốc gia phương Tây cần phải đoàn kết hơn và có chiến lược hơn,” ông cho biết. “Và sau đó họ nên dành nhiều nguồn lực, viện trợ, và nỗ lực hơn để trợ giúp nhiều khu vực, quốc gia, và người dân vốn từ lâu đã bị đói nghèo, hỗn loạn, và chủ nghĩa độc tài chi phối. Nếu các quốc gia Tây phương chỉ quan tâm đến xã hội của mình thì các thế lực tà ác như Trung Quốc và Nga sẽ tiến vào [phương Nam Toàn cầu] và gây ảnh hưởng lớn hơn.
“Một số quốc gia phương Nam Toàn cầu sau khi thoát khỏi đói nghèo [bằng sự giúp đỡ của phương Tây] sẽ dần dần chiểu theo các giá trị của phương Tây và xích lại gần hơn với liên minh phương Tây.”
Ông Trần đề xướng một giải pháp tương tự nhằm đối phó với sức ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Ông cho biết: “Các quốc gia phương Tây cũng không nên ngần ngại giúp phương Nam Toàn cầu phát triển, đặc biệt là trong việc trợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho họ.”
Ông Trần cũng kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp thông tin chính xác hơn về ĐCSTQ và Trung Quốc nhằm đối phó với tuyên truyền của ĐCSTQ trong chiến tranh nhận thức đối với chính quyền Trung Quốc.