Thủ tướng Ý cảnh báo NATO: Trung Quốc và Nga tạo thành mối đe dọa ở châu Phi
Trong thời gian từ ngày 09 đến ngày 11/07, NATO đã cử hành hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đến từ 32 quốc gia thành viên và các quốc gia đối tác. Tại hội nghị, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã cảnh báo giới lãnh đạo NATO không nên bỏ qua mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga đặt ra tại châu Phi.
Theo Bloomberg, hôm thứ Năm (11/07), một nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ rằng, Thủ tướng Meloni đã trình bày bản đồ ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở châu Phi trong một cuộc họp tại Hoa Thịnh Đốn vào thứ Tư (10/07). Bà Meloni cho biết, hiện tại NATO đang tập trung phần lớn sự chú ý vào cuộc chiến Nga-Ukraine ở Đông Âu, mà bỏ qua mối đe dọa tiềm ẩn ở phía Nam. Bà nêu rằng, NATO không thể thờ ơ trước những thách thức và cơ hội tại châu Phi.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từng cáo buộc Moscow và Bắc Kinh đang tiến hành tuyên truyền sai sự thật tại châu Phi, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây. Những vấn đề đáng lo ngại khác bao gồm việc Nga lợi dụng làn sóng di cư để kích động tâm lý bài xích nhập cư ở châu Âu và làm gia tăng tình hình bất ổn chính trị ở khu vực Sahel.
Thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ĐCSTQ đã cung cấp hàng chục tỷ USD cho các quốc gia Phi Châu dưới dạng các khoản vay và viện trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó thiết lập sức ảnh hưởng quan trọng của mình tại nhiều quốc gia. Báo cáo “Khảo sát Giới trẻ Phi Châu năm 2022” (African Youth Survey 2022) cho thấy, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại châu Phi.
Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ cũng hy vọng ứng phó với cuộc cạnh tranh được mệnh danh là “cuộc chiến đề nghị toàn cầu” (global battle of offers) thông qua các dự án cơ sở hạ tầng của mình.
Hôm thứ Tư, NATO đã phát hành một tuyên bố cho biết “các quốc gia láng giềng phía Nam của NATO mang lại cơ hội hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm.” Đồng thời, liên minh này đã thông qua một bản kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn, có tính chiến lược, và hướng tới kết quả hơn. Kế hoạch này sẽ được cập nhật định kỳ.
Tuyên bố cũng cho biết, NATO sẽ sớm bổ nhiệm một đại diện đặc biệt cho các quốc gia láng giềng phía nam.
Do Ý có vị trí địa lý ở Nam Âu, (mà châu Phi nằm ở phía nam châu Âu), nên Thủ tướng Meloni xem châu Phi là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của bà. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Ý vào tháng trước, chính phủ của bà Meloni đã thúc đẩy một sáng kiến mở rộng các chương trình an ninh lương thực và năng lượng tới châu Phi. Sáng kiến này cũng nhằm mục đích phát triển các cơ sở hạ tầng trọng yếu và thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ Ý và các chính phủ châu Phi.
Những hành động này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Thủ tướng Meloni nhằm thúc đẩy và mở rộng tầm ảnh hưởng của Ý trên trường quốc tế, với mục tiêu biến Rome thành trung tâm kết nối giữa các quốc gia phương Tây và châu Phi.
Trung Quốc đã tích cực đầu tư vào các quốc gia Phi Châu kể từ năm 2013, khi ôngTập Cận Bình bắt đầu khởi xướng chính sách ngoại giao trọng tâm “Vành đai và Con đường”, nhằm tiến vào Đông Nam Á, Trung Á, châu Phi và châu Âu thông qua “đường bộ” và “đường biển.” Mục tiêu của chính sách này là mở rộng thị trường cho nguồn vốn và lao động dư thừa trong nước, đồng thời loại bỏ các lực lượng phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu, qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ.
ĐCSTQ đã cung cấp vốn, đưa các công ty và lao động Trung Quốc vào các nước đang phát triển để xây dựng đường cao tốc, cầu, cảng, và các cơ sở hạ tầng khác. Một số quốc gia nghèo ở châu Phi đã tiếp nhận các kế hoạch này. Tuy nhiên, khi chính phủ các quốc gia nghèo này lâm vào cảnh nợ nần chồng chất hoặc không có khả năng trả nợ, một số người đã chỉ trích đây là “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh.