Báo cáo: Bắc Kinh tăng cường sử dụng ‘lệnh cấm xuất cảnh’ đối với người dân
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã và đang tăng cường sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh nhắm vào các mục tiêu của mình — bao gồm các nhà bất đồng chính kiến, quan chức, và giám đốc điều hành ngoại quốc — như một phần trong nỗ lực thắt chặt kiểm soát đối với đất nước.
Mặc dù không thể biết có bao nhiêu cá nhân là mục tiêu của lệnh cấm xuất cảnh cùng một lúc do thiếu dữ liệu chính thức, nhưng tổ chức trên đã phát hiện “bằng chứng mạnh mẽ” cho thấy “ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đang gia tăng đáng kể số lượng người bị cấm xuất cảnh trong thập niên qua.”
Một dấu hiệu chính là sự gia tăng của cụm từ “cấm xuất cảnh” được đề cập trong các trường hợp trên cơ sở dữ liệu chính thức của Tòa án Nhân dân Tối cao, vốn đã tăng gấp tám lần từ năm 2016 đến năm 2020.
Safeguard Defenders cho biết trong báo cáo được công bố hôm 02/05, “Tính các lệnh cấm xuất cảnh dựa trên sắc tộc, thì con số đó lên đến hàng triệu. Các loại lệnh cấm xuất cảnh khác có thể lên tới hàng chục ngàn, nếu không muốn nói là nhiều hơn.”
Với nhan đề “Bị Mắc Kẹt — Trung Quốc Mở Rộng Việc Sử Dụng Lệnh Cấm Xuất Cảnh” (Trapped — China’s Expanding Use of Exit Bans), báo cáo trên cho biết, “Bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu — những người bảo vệ nhân quyền, doanh nhân, quan chức, và người ngoại quốc.”
Theo báo cáo trên, chính quyền sử dụng lệnh cấm này để đe dọa các ký giả ngoại quốc, đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, gây áp lực buộc các mục tiêu của họ ở hải ngoại phải trở về Trung Quốc, và kiểm soát các nhóm tôn giáo sắc tộc.
“Lệnh cấm xuất cảnh đã trở thành một trong nhiều công cụ được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng như một phần trong nỗ lực rộng lớn nhằm thắt chặt kiểm soát đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân,” báo cáo cho biết.
Báo cáo đã xác định ít nhất 15 luật vốn cho phép sử dụng lệnh cấm xuất cảnh này, tăng thêm 5 luật kể từ năm 2018. Với luật địa phương “phức tạp, mơ hồ, không rõ ràng và mở rộng,” thì bất kỳ cơ quan chính phủ nào với bất kỳ lý do gì cũng có thể ban hành một lệnh cấm xuất cảnh,” báo cáo tuyên bố.
Các nạn nhân không chỉ giới hạn ở công dân Trung Quốc. Ít nhất hai chục công dân Hoa Kỳ đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong hai năm qua do lệnh cấm xuất cảnh, báo cáo cho biết, đồng thời trích dẫn ước tính năm 2021 của ông John Kamm, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Tổ chức Đối thoại (Dui Hua Foundation) có trụ sở tại San Francisco.
Một nghiên cứu năm 2022 của hai giáo sư luật kinh doanh Chris Carr và Jack Wroldsen, đến từ Đại học Bách khoa tiểu bang California, đã tìm thấy 128 trường hợp người ngoại quốc bị cấm xuất cảnh từ năm 1995 đến năm 2019; trong số đó có 29 người Mỹ.
Những phát hiện này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp ngoại quốc hoạt động tại Trung Quốc ngày càng lo ngại về sự giám sát chặt chẽ của chính quyền. Hồi tháng Ba, chính quyền Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng của công ty thẩm định Mintz Group của Hoa Kỳ tại Bắc Kinh và bắt giữ năm công dân Trung Quốc làm việc cho công ty. Văn phòng của công ty này ở Bắc Kinh sau đó đã bị đóng cửa. Bộ Ngoại giao Bắc Kinh sau đó cho biết Mintz bị nghi ngờ tham gia vào “các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.”
Nạn nhân mới nhất là công ty Bain & Co. Chính quyền đã thẩm vấn các nhân viên của công ty tư vấn Mỹ này tại Thượng Hải, một phát ngôn viên đã xác nhận với The Epoch Times hôm 27/04.
Luật chống gián điệp
Sự giám sát ngày càng tăng cũng xảy ra khi cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc, đã thông qua một luật chống gián điệp sửa đổi và công bố trên trang web hôm 26/04. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07, cho phép các nhà chức trách áp đặt lệnh cấm xuất cảnh đối với bất kỳ ai — người Trung Quốc cũng như người ngoại quốc — đều sẽ bị điều tra.
Chính quyền Trung Quốc mở rộng định nghĩa về gián điệp đối với “tất cả các giấy tờ, dữ liệu, tài liệu, hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia.” Tuy nhiên, chế độ này không nêu rõ đâu là những thứ thuộc về an ninh quốc gia, làm dấy lên các lo ngại về một môi trường thù địch hơn đối với các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và ký giả ngoại quốc ở Trung Quốc.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times