Các nghị viên Anh quốc: Tại sao nhà ngoại giao Trung Quốc theo dõi Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ không bị trục xuất sớm hơn
Các nghị viên phe đối lập một lần nữa đặt câu hỏi tại sao nhà ngoại giao Trung Quốc vừa bị trục xuất Triệu Nguy (Zhao Wei) không bị tống khứ sớm hơn, vì những tiết lộ mới cho thấy trong nhiều năm chính phủ liên bang đã biết rằng ông ta đang theo dõi những người bất đồng chính kiến gốc Hoa ở Canada, ngoài việc nhắm mục tiêu vào nghị viên Đảng Bảo Thủ Michael Chong.
Hôm 12/05, nghị viên Đảng Bảo Thủ Michael Cooper cho biết tại Hạ viện: “Trong ba năm qua, chính phủ này biết rằng một nhà ngoại giao tại lãnh sự quán Bắc Kinh ở Toronto đang theo dõi người Canada gốc Hoa và gửi thông tin về cho công an chìm của Bắc Kinh.”
Đầu ngày hôm đó, The Globe and Mail đã đưa tin rằng Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) có một “hồ sơ phản gián quan trọng” về ông Triệu, một viên chức lãnh sự có liên quan đến việc theo dõi các cộng đồng người Hoa khác nhau ở Canada.
Hôm 08/05, ông Triệu được tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh vì có liên quan đến một dịch vụ gián điệp của Trung Quốc nhằm vào ông Chong và gia đình của ông.
Năm 2021, CSIS đã đưa ra một bản đánh giá về vấn đề này và chia sẻ với các bộ phận liên quan khác, nhưng thủ tướng và bộ trưởng an toàn công cộng cho biết họ đã không chú ý đến vấn đề này cho đến khi tờ Globe đưa tin về vụ việc đó hôm 01/05.
Về bài báo mới nhất của tờ Globe, bài báo nói rằng CSIS đã bắt đầu giám sát thực tế đối với ông Triệu vào năm 2019, và chia sẻ thông tin liên quan với Bộ Ngoại vụ Toàn cầu Canada (Global Affairs Canada, GAC) vào năm 2020.
Một nguồn tin an ninh quốc gia nói với tờ báo này rằng ông Triệu đã chịu trách nhiệm theo dõi các nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa ở Khu vực Greater Toronto, trong đó có các học viên Pháp Luân Công, các nhà hoạt động nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, và những người ủng hộ nền độc lập của Tây Tạng và Đài Loan.
Tờ Globe đưa tin rằng ông Triệu và những người được ủy quyền của ông cũng sẽ theo dõi các sự kiện do các nhóm này tổ chức, chụp ảnh những người tham gia, và gửi thông tin trở lại cho một dịch vụ gián điệp Trung Quốc, Bộ An ninh Nhà nước.
“Trong suốt ba năm ròng rã, chính phủ này đã không làm gì cả,” ông Cooper nói tại Hạ viện, cho thấy thủ tướng đã không bảo vệ người Canada gốc Hoa.
Ông Vance Badawey, thư ký quốc hội về các dịch vụ bản địa, đã trả lời: “Mặc dù Đảng Bảo Thủ đang cố gắng chính trị hóa và chơi các trò chơi đảng phái, nhưng chúng tôi đang hành động thực sự để giữ an toàn cho người dân Canada.”
Ông Cooper nói thêm rằng chính phủ chỉ trục xuất một nhà ngoại giao duy nhất sau khi bị “bắt gặp không làm gì cả,” và ghi nhận những tiết lộ khác từ tờ Globe.
Hai nguồn tin an ninh quốc gia nói với tờ báo này rằng Bộ Ngoại vụ Toàn cầu có một danh sách các nhà ngoại giao có thể bị xem xét đến việc trục xuất do dính líu đến các hoạt động “đe dọa” và sự can thiệp của ngoại quốc.
Ông Cooper hỏi: “Có bao nhiêu cái tên trong danh sách đó? Còn bao nhiêu cảnh báo nữa từ CSIS mà chính phủ này bỏ qua?”
Nghị viên René Villemure của Khối Québécois cho hay việc không hành động đối với ông Triệu trong vài năm qua cho thấy Đảng Tự Do “đã bị vạch mặt, họ rõ ràng không muốn hành động trước sự can thiệp của Trung Quốc, cũng như không muốn làm sáng tỏ. Khi nào chúng ta sẽ có một cuộc điều tra công khai và độc lập đây?”
Ngoại trưởng Mélanie Joly trả lời rằng chính phủ của bà đã chỉ định cựu thống đốc David Johnston xem xét vấn đề này và rằng bộ trưởng an toàn công cộng đang “theo sát vụ việc này.”
Bà nói: “Dựa trên những sự thật đã được khám phá, chúng tôi quyết định tuyên bố nhà ngoại giao này là nhân vật không được hoan nghênh.”
Trước đó, bà Joly đã làm chứng trước ủy ban rằng chính phủ của bà đã không trục xuất một nhà ngoại giao nào bởi vì họ không tham gia vào các hoạt động bất chính.
Hôm 09/03, bà nói: “Nếu có nhà ngoại giao Trung Quốc nào xem thường Công ước Vienna, thì chúng tôi sẽ hành động.”
‘Thật đáng lo ngại’
Các thành viên của các cộng đồng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm đến nói rằng tất cả những điều này không có gì mới cả, vì họ đã trực tiếp trải qua sự uy hiếp của họ trong nhiều năm rồi.
Ông Joel Chipkar, phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Canada, nói rằng sự can nhiễu này “đang diễn ra và ai cũng biết.”
Ông nói với The Epoch Times: “Trong hơn 20 năm qua, các bài báo đã nêu chi tiết về cách mà Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ dưới vỏ bọc là ‘những hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc,’ đã tấn công Pháp Luân Công và những người khác ở Canada, nhằm che giấu tội ác nhân quyền của họ ở Trung Quốc.”
“Thật đáng lo ngại khi làm thế nào mà ĐCSTQ có thể thoát khỏi điều này ở Canada.”
Ông Chipkar lưu ý rằng lần cuối cùng một nhà ngoại giao Trung Quốc bị trục xuất là vào năm 2006. The Epoch Times, tờ báo đưa tin vào thời điểm đó, đã đưa tin rằng ông Vương Bằng Phi (Wang Pengfei) của đại sứ quán Trung Quốc đã bị tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh vì đã làm gián điệp và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công.
Ông Mehmet Tohti, một người ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm tôn giáo và là dân tộc thiểu số ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc cũng bị ĐCSTQ đàn áp, nói rằng ông “thực sự tức giận” sau khi đọc bài báo mới đây nhất của tờ Globe.
Ông Tohti, giám đốc điều hành của Dự án Vận động cho Quyền của người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Rights Advocacy Project, URAP), đã đi xa đến mức gọi chính phủ này là “đồng lõa.”
Ông nói rằng những mối đe dọa mà cộng đồng của ông phải đối mặt đã được báo cáo rộng rãi từ năm 2007, nhưng chưa có “bất kỳ một biện pháp nào từ chính phủ hoặc các cách khác để đưa ra bất kỳ dự luật nào nhằm bảo vệ người Canada gốc Duy Ngô Nhĩ và những người khác [khi họ đối mặt] với sự đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc, mặc dù chúng tôi sống ở một đất nước tự do.”
Chính phủ liên bang đã tiến hành các cuộc tham vấn về việc thành lập một cơ quan ghi danh các đặc vụ ngoại quốc, sau khi có một số rò rỉ về an ninh quốc gia xuất hiện trên báo chí, mô tả về sự can thiệp rộng rãi của Bắc Kinh vào Canada.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times