Một thanh niên trẻ đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc
Anh Triệu Vân Đình bị bỏ tù vì chỉ trích ĐCSTQ
Anh Triệu Vân Đình (Zhao Yunting), người gốc Thượng Hải, tận hưởng sự tự do mà anh mới tìm thấy được ở Phần Lan, một nơi mà anh không cảm thấy sợ hãi khi phơi bày những tội ác của chính quyền Trung Quốc. Các bài đăng trực tuyến của anh, vốn chỉ trích Bắc Kinh và chính sách zero-COVID của nhà cầm quyền, đã khiến anh phải vào tù khi mới 21 tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa Ngữ của The Epoch Times, anh Triệu đã nói về việc bị chính quyền Trung Quốc bức hại.
Anh nói, “Đứng lên công khai phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ước vọng của tôi.”
Bị kết án vì bày tỏ quan điểm
Giống như hầu hết thanh thiếu niên Trung Quốc, anh Triệu dành nhiều thời gian để lướt internet, chính điều này đã dạy anh cách vượt qua Vạn lý Tường Lửa (Great Firewall) và truy cập thông tin không bị kiểm duyệt từ ngoại quốc.
Vào sáng sớm ngày 13/12/2021, trong thời gian phong tỏa vì COVID-19, chàng trai trẻ này đã chia sẻ những suy nghĩ của mình trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc về dữ liệu đại dịch mập mờ của Trung Quốc, sự trợ giúp và điều trị y tế không đầy đủ từ Bắc Kinh, cũng như tình trạng thiếu nhân quyền ở Trung Quốc.
Ba giờ sau, công an đã đến bắt giữ anh.
Anh Triệu nói, “Điều khiến tôi bàng hoàng đó là tôi không ngờ họ lại hành động nhanh như thế; Điều khiến tôi sợ hãi đó là internet đã dạy cho tôi biết được rằng chiêu thức của ĐCSTQ có thể khủng khiếp đến mức nào.”
Tại đồn công an, đầu tiên anh bị nhốt trong một chiếc lồng sắt để thẩm vấn, sau đó anh bị đưa đến một phòng chứa đồ, nơi anh bị đánh đập và sách nhiễu.
Anh Triệu bị giam giữ vì tội “gây gổ và gây rối,” một cáo buộc mà ĐCSTQ sử dụng để nhắm vào những người bất đồng chính kiến và những người không tuân theo đường lối của Đảng.
Anh nói với công an: “Tôi không vi phạm bất kỳ luật nào mà chỉ thực hiện các quyền của mình theo hiến pháp.”
Anh Triệu bị giam một tháng tại Trại tạm giam Quận Gia Định, với hơn 20 tù nhân trong một phòng giam. Anh không được chăm sóc y tế khi bị ốm. Mặc dù thời điểm đó tiết trời mùa đông rất lạnh giá, nhưng nơi này không có nước nóng.
Sau khi anh được trả tự do hồi năm 2022. công an đã đến nhắc nhở anh không được đăng bất kỳ bình luận nào chỉ trích ĐCSTQ nữa, anh không ngờ rằng mình vẫn bị công an theo dõi.
“Điều này gây cho tôi ác cảm,” anh nói, “Tôi chỉ hy vọng vào một xã hội dân chủ, tự do, và công chính.”
Tuyệt vọng với các biện pháp cực đoan
Biện pháp phong tỏa COVID-19 cực đoan [của chính quyền] là giọt nước tràn ly cuối cùng khiến anh Triệu quyết định đào thoát khỏi Trung Quốc.
Khi Thượng Hải bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa hồi cuối tháng Ba năm ngoái, rất nhiều người gặp khó khăn do thiếu lương thực và bị hạn chế tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Hai tháng sau, tin tức về những người tự tử lan truyền trong thành phố này.
Trong thời gian phong tỏa, nhân viên khu phố sẽ kêu gọi toàn bộ người dân ra làm xét nghiệm COVID-19.
“Họ bị bắt phải xét nghiệm acid nucleic hàng ngày. Điều đó thật vô nghĩa,” anh nói với The Epoch Times.
Anh Triệu cho là làm xét nghiệm sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm chéo nên anh đã từ chối không xét nghiệm. Tuy nhiên, anh cho biết công an đã ép buộc, thậm chí còn đe dọa anh.
Anh Triệu không thể trốn đi đâu khi chính quyền theo dõi cư dân thông qua một mã QR sức khỏe trên điện thoại di động của họ được liên kết với ID cá nhân và đồn công an.
Sự đàn áp và sách nhiễu từ công an đã khiến anh đưa ra quyết định rời Trung Quốc. Hồi tháng Ba, anh nộp đơn xin tị nạn ở Phần Lan.
Kể từ đó, anh thường xuyên đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Helsinki biểu tình để phản đối sự chuyên chế của ĐCSTQ.
“Được lên tiếng phản đối ĐCSTQ là niềm vinh hạnh của tôi,” anh nói.
Anh Triệu tự hào vì có thể lên tiếng cho những người vẫn đang bị mắc kẹt và bị áp bức ở Trung Quốc.
Anh cho biết anh đã hiểu rõ bản chất của ĐCSTQ sau khi biết về nhiều trường hợp lạm dụng mà chính quyền này đã che giấu trong nhiều năm, chẳng hạn như Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, cuộc bức hại những người bất đồng chính kiến và các học viên Pháp Luân Công, cưỡng chế phá dỡ tài sản, và thông lệ thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm.
Bản tin có sự đóng góp của Hồng Ninh
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times