PHÂN TÍCH: Việc Trung Quốc tăng cường áp dụng ‘các lệnh cấm xuất cảnh’ tạo ra môi trường thù địch cho các công ty ngoại quốc
Chuyên gia nói rằng hành động của Bắc Kinh có thể khiến các công ty ngoại quốc rời bỏ đất nước này càng nhanh
Ngày càng nhiều luật của Trung Quốc thực thi “lệnh cấm xuất cảnh” đã làm gia tăng lo ngại về một môi trường thù địch hơn đối với các công ty ngoại quốc đang hoạt động tại đất nước này.
Các chuyên gia nói rằng các chiến thuật của Bắc Kinh đi ngược lại mong muốn mà họ đã tuyên bố là củng cố niềm tin kinh doanh và đầu tư ngoại quốc vào nước này và có thể kích hoạt một cuộc di cư nhanh chóng của các công ty ngoại quốc.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã cấm những người bất đồng chính kiến rời khỏi đất nước, và trong những năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền (2012), chính quyền này đã thông qua nhiều luật hơn cho phép những lệnh cấm như vậy và áp dụng chúng rộng rãi hơn.
Theo một báo cáo mới đây (pdf) của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, hiện có 15 luật như vậy được áp dụng, 5 trong số đó đã được thông qua chỉ trong vòng 5 năm qua.
Sự giám sát cũng ngày càng gia tăng khi cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, thông qua luật chống gián điệp sửa đổi và công bố luật này trên trang web của họ hôm 26/04. Luật này sẽ được ban hành vào ngày 01/07, cho phép chính quyền áp đặt lệnh cấm xuất cảnh đối với bất kỳ ai—người Trung Quốc cũng như người ngoại quốc—đang bị điều tra.
Báo cáo này cho rằng những lệnh cấm này cấm ảnh hưởng đến ít nhất “hàng chục ngàn” công dân Trung Quốc và nếu tính cả các trường hợp dựa trên sắc tộc như là người Duy Ngô Nhĩ thì là “hàng triệu” người.
Công dân ngoại quốc cũng ngày càng trở thành mục tiêu hoặc bị đe dọa hạn chế xuất cảnh, ngay cả khi họ không bị tình nghi là tội phạm.
Ít nhất hai chục công dân Hoa Kỳ đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong hai năm qua do lệnh cấm xuất cảnh, báo cáo này cho biết, trích dẫn một ước tính năm 2021 của ông John Kamm, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Quỹ Dui Hua có trụ sở tại San Francisco, nói thêm rằng con số đó có lẽ thấp hơn thực tế rất nhiều.
‘Lục soát, bắt bớ, và giam giữ’
Báo cáo của Safeguard Defenders cho biết với các luật địa phương “phức tạp, mơ hồ, không rõ ràng, và mở rộng” thì “bất kỳ cơ quan chính phủ nào vì bất kỳ lý do gì cũng có thể ban hành một lệnh cấm xuất cảnh.”
“Việc cố ý dùng từ ngữ mơ hồ trong Luật Tố tụng Dân sự có nghĩa là những cá nhân thậm chí không liên quan đến tranh chấp có thể bị mắc kẹt ở Trung Quốc,” báo cáo này cho biết.
“Doanh nhân người Ireland Richard O’Halloran đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong hơn ba năm (2019 đến 2022) vì công ty mà ông làm việc vướng vào một vụ tranh chấp thương mại, mặc dù ông thậm chí không còn làm việc cho công ty này khi vụ tranh chấp bắt đầu diễn ra.”
Cũng có những người ngoại quốc trở thành nạn nhân của chính sách ngoại giao con tin của Bắc Kinh. Báo cáo này cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng luật này như một đòn trả đũa “ăn miếng trả miếng” đối với các chính phủ ngoại quốc hoặc là một chiến thuật để đạt được những nhượng bộ.
“Thông thường, hành động thì nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như giam giữ tùy tiện, hoặc đôi khi các lệnh cấm xuất cảnh được sử dụng trong những giai đoạn đầu. Trong vài năm nay, cố vấn du lịch về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh để “đạt được đối trọng trong việc thương lượng với các chính phủ ngoại quốc,” bản báo cáo viết.
“Việc nhắm mục tiêu vào một số ký giả ngoại quốc thuộc về thể loại này,” báo cáo nói thêm.
Việc ĐCSTQ gần đây đã thông qua luật chống gián điệp là đặc biệt đáng lo ngại đối với các công ty quốc tế ở Trung Quốc. Luật này mở rộng định nghĩa về “gián điệp” và gia tăng quyền lực của nhà nước trong việc lục soát, bắt giữ, và cấm các cá nhân xuất nhập cảnh vào nước này.
Ông Matthias Kamp, phóng viên Trung Quốc của tờ nhật báo Thụy Sĩ “Neue Zürcher Zeitung,” đã viết rằng hầu hết các luật mà Bắc Kinh ban hành đều rất mơ hồ, điều này giúp chính quyền linh hoạt tối đa trong việc thực thi chúng. Và đối với các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc, thì luật chống gián điệp sửa đổi cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
“Ngay cả nghiên cứu thị trường thông thường hoặc thu thập thông tin về đối thủ cạnh tranh cũng có thể rơi vào phạm vi điều chỉnh của luật chống gián điệp này trong tương lai. Không khí lo lắng lan rộng trong các doanh nghiệp. Những người đứng đầu các doanh nghiệp ở Trung Quốc lo lắng rằng công ty có thể bị lục soát, máy điện toán và điện thoại di động có thể bị tịch thu,” ông Kamp viết.
Tùy tiện buộc tội
Ngay cả trước khi có luật mới, thì các công ty ngoại quốc đã là mục tiêu của ĐCSTQ.
Một nạn nhân gần đây là Bain & Co, một công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Hoa Kỳ. Một phát ngôn viên đã xác nhận với The Epoch Times hôm 27/04 rằng, hồi tháng Tư, văn phòng Thượng Hải của công ty này đã bị đột kích, và nhân viên của họ đã bị thẩm vấn.
Được biết, chính quyền Trung Quốc đã tịch thu máy điện toán và điện thoại của nhân viên công ty, trong khi mục đích của cuộc đột kích vẫn chưa rõ ràng.
Vụ việc xảy ra sau khi văn phòng của công ty thẩm định Hoa Kỳ Mintz Group tại Bắc Kinh bị cảnh sát Trung Quốc đột kích hồi tháng Ba. Chính quyền đã bắt giữ năm công dân Trung Quốc đang làm việc cho công ty này. Mintz là một công ty luật lớn trong lĩnh vực phân tích doanh nghiệp, thẩm định, và điều tra tham nhũng.
Hôm 24/03, công ty có trụ sở tại New York này nói với Reuters rằng họ “không nhận được bất kỳ thông báo pháp lý chính thức nào liên quan đến vụ kiện chống lại công ty và đã yêu cầu chính quyền thả nhân viên của mình.”
Vài ngày sau, bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng Tập đoàn Mintz “bị nghi ngờ có hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”.
Trong cùng tháng đó, chính quyền Trung Quốc đã công bố một cuộc kiểm toán an ninh mạng đối với Micron Technology, một nhà sản xuất bộ nhớ máy điện toán của Hoa Kỳ. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cuộc kiểm toán an ninh mạng đối với các sản phẩm mạng ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là các biện pháp quản lý tiêu chuẩn được thực hiện để bảo vệ an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, hành động này được nhiều người coi là chiến thuật trả đũa của Bắc Kinh đối với Hoa Thịnh Đốn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
ĐCSTQ đang không chỉ đàn áp các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc.
Hồi tháng Ba, chính quyền Trung Quốc tuyên bố bắt giữ một viên chức điều hành của công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma Inc. vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Vụ bắt giữ đã tạo ra làn sóng chấn động khắp cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc và gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Tokyo, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu trả tự do cho viên chức điều hành của công ty dược phẩm này.
Kể từ năm 2015, ít nhất 17 công dân Nhật Bản đã bị ĐCSTQ giam giữ với những cáo buộc tương tự.
Những vấn đề về lòng tin
Kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp COVID-19 hà khắc của nước này, các quan chức cao cấp của Trung Quốc đã thường xuyên bày tỏ mong muốn mạnh mẽ về củng cố niềm tin kinh doanh và khuyến khích đầu tư và tăng trưởng.
Diễn thuyết tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hôm 26/03, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) cam kết tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, tối ưu hóa môi trường kinh doanh trên khắp các lĩnh vực, và thực hiện đãi ngộ quốc gia đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc, cùng nhiều biện pháp khác.
Ông Phương Kỳ (Fang Qi), một nhà tư vấn tài chính cao cấp tại Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times hôm 07/05 rằng việc Bắc Kinh tăng cường sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh dường như đi ngược lại mong muốn mà họ đã tuyên bố là củng cố niềm tin kinh doanh và đầu tư ngoại quốc vào nước này.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc thường mâu thuẫn trong các hành động của mình. Họ thường nói một đằng làm một nẻo. Trong trường hợp này, ĐCSTQ cần vốn của các công ty ngoại quốc, nhưng mặt khác, Đảng này không tin tưởng họ. Đây là lý do tại sao về căn bản không có công ty ngoại quốc mới nào vào Trung Quốc,” ông Phương nói.
“Khi các cuộc xung đột địa chính trị gia tăng và lợi nhuận của các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc giảm mạnh, thì [các công ty] không sẵn lòng chọn Trung Quốc làm nơi đầu tư hoặc hoạt động. Việc này sẽ không có ý nghĩa xét từ quan điểm kinh doanh hoặc từ quan điểm rủi ro.”
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li and Ellen Wan
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times