Thay đổi định nghĩa trong luật chống gián điệp của Trung Quốc làm tăng rủi ro cho các nhà tư vấn phương Tây
Luật chống gián điệp mới của Trung Quốc mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, làm tăng rủi ro cho các nhà tư vấn ngoại quốc, điều mà một số chuyên gia cho rằng có thể làm tăng những rủi ro khi đầu tư vào nước này.
Hôm 27/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói với những người ngoại quốc tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2023 tại Bắc Kinh rằng, Trung Quốc sẽ kiên định mở cửa với thế giới bên ngoài, bất kể tình hình quốc tế có thể thay đổi như thế nào.”
Ông Vương Văn Đào, bộ trưởng thương mại của Trung Quốc, được cho là đã nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế giới tại CDF rằng các doanh nghiệp ngoại quốc “không phải là khách, mà là gia đình.”
Với điều mà các quan chức hàng đầu chuyên trách về kinh tế Trung Quốc đã nói, hồi tháng Ba công an Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz Group của Mỹ và bắt giữ 5 nhân viên người Trung Quốc của công ty này. Financial Times đưa tin rằng đã không có dấu hiệu đang hoạt động nào trong văn phòng của Mintz ở Bắc Kinh ngay sau cuộc đột kích, nơi cửa kính bị khóa bằng dây xích nặng.
Tiếp đó, hồi tháng Tư, công an Trung Quốc đã tới thăm văn phòng tại Thượng Hải của công ty tư vấn Mỹ Bain & Company.
Hồi tháng Năm, cơ quan công an địa phương đã khám xét văn phòng của Capvision ở Tô Châu và thẩm vấn các nhân viên người địa phương. Các văn phòng của Capvíion ở Thượng Hải, Bắc Kinh, và Thâm Quyến cũng bị khám xét.
Với thông tin ít ỏi về các cuộc đột kích này, đã có sự suy đoán về cách tiếp cận của các chuyên gia tư vấn này về việc thu thập dữ liệu và thông tin, thứ mà Trung Quốc coi là vi phạm luật chống gián điệp mới của họ.
Các kinh tế gia tin rằng các cuộc đột kích dưới chiêu bài chống gián điệp báo hiệu rằng người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã thu hẹp không gian mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đã cho phép các công ty này, và luật mới này có thể gây tác dụng ngược đối với nền kinh tế Trung Quốc.
The Epoch Times đã liên lạc với Capvision, Mintz Group, và Bain để đề nghị đưa ra bình luận.
‘An ninh là trọng tâm cốt lõi của ông Tập’
Cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ đã bắt đầu sửa đổi luật chống gián điệp của Trung Quốc vào năm 2021 và đã thông qua một bản cập nhật vào tháng trước.
Ông Khâu Tuấn Vinh (Chiou Jiunn-Rong), giáo sư Khoa Kinh tế của Đại học Trung ương Quốc gia Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Giờ đây, an ninh là trọng tâm cốt lõi của ông Tập.”
Theo ông Khâu, ông Tập có “những vấn đề về lòng tin” vì ông ta sợ bị các nước phương Tây đối xử giống như cách mà ông đã đối xử với họ trong quá khứ.
Chẳng hạn, ông Tập không muốn các chuyên gia phương Tây thực hiện các hoạt động kế toán và kiểm toán các công ty Trung Quốc. “Ông Tập vô cùng lo lắng rằng nếu dữ liệu bị rò rỉ trong quá trình này, thì sẽ gây tổn hại đến an ninh kinh tế của Trung Quốc và tất nhiên, là cho cả quy tắc của chính ông ấy,” ông Khâu nói. “Ông Tập muốn bảo vệ an ninh kinh tế hơn là chấp nhận bất kỳ rủi ro nào.”
Rủi ro lớn hơn đối với các công ty ngoại quốc
Tháng trước Reuters đưa tin rằng, luật chống gián điệp mới trao quyền cho các nhà chức trách của chế độ này có được “quyền truy cập vào dữ liệu, thiết bị điện tử, thông tin về tài sản cá nhân, và cũng có quyền cấm các hoạt động qua lại biên giới.”
Ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang), một nhà bình luận và là kinh tế gia người Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, đã chỉ trích chính quyền này vì định nghĩa mơ hồ về “những lợi ích quốc gia” và “an ninh” trong luật sửa đổi này.
Ông cho biết luật chống gián điệp mới mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, vốn là một “định nghĩa rất tùy tiện, không có những ranh giới rõ ràng.”
Ông Trịnh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 23/05: “Trong quá khứ, việc thu thập cái gọi là những bí mật quốc gia cơ mật được xem là hoạt động gián điệp. Giờ đây, bất cứ điều gì cản trở an ninh quốc gia đều được xem là hoạt động gián điệp.”
Ông Trinh cho biết thêm rằng kể từ năm 2020 nhà cầm quyền cộng sản này đã tiến hành các cuộc điều tra các công ty tư vấn ngoại quốc.
“Ban đầu, [các cuộc điều tra] được thực hiện bởi Cơ quan Quản lý Công thương, nay được gọi là Cục Giám sát Thị trường. Tuy nhiên, ông Tập không hài lòng với kết quả [điều tra] và đã chỉ thị cho Bộ An ninh Quốc gia chịu trách nhiệm.”
“An ninh quốc gia giống như một chiếc hộp, và bất cứ thứ gì cũng có thể được ném vào đó,” ông Trịnh nói. “Theo luật này, việc tiến hành nghiên cứu ngành được xem là một mối đe dọa đối với an ninh kinh tế, và việc điều tra lý lịch của các quan chức có thể được xem là một vấn đề an ninh quốc gia.”
Ông Kevin Andrews, một cựu nghị viên Quốc hội Úc, người từng giữ nhiều chức vụ trong nội các, trong đó có vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, cũng bày tỏ những lo ngại về việc thực thi luật mới này.
Hôm 07/05, ông Andrews đã viết cho The Epoch Times: “Việc mở rộng luật một cách mơ hồ, rộng rãi này làm tăng rủi ro cho người ngoại quốc ở Trung Quốc, đặc biệt là bất kỳ ai thu thập, tạo ra, sử dụng, hoặc xử lý dữ liệu — nói cách khác, là nhiều nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh.” Ông nói rằng lời khuyến nghị về việc du lịch cho người Úc nên được “cập nhật để phản ánh những rủi ro ngày càng gia tăng này khi đến thăm Trung Quốc.”
Các dịch vụ kinh doanh như công việc thẩm tra là rất trọng yếu đối với các nhà đầu tư ngoại quốc, đặc biệt là ở các quốc gia độc tài không minh bạch như Trung Quốc.
Ông Eric Zheng, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, nói với tờ New York Times hồi đầu tháng này: “Nếu không có sự thẩm tra thích hợp, thì các công ty ngoại quốc sẽ không thể đầu tư vào các dự án mới ở Trung Quốc.”
Ông Hoàng Tuấn (Davy Jun Huang), một gia kinh tế gia người Mỹ, cho rằng các doanh nghiệp tư vấn ngoại quốc phải thận trọng hơn trong hoạt động tại Trung Quốc theo luật chống gián điệp mới này. Ông Hoàng nói, “Luật này trao khá nhiều quyền điều tra cho các cơ quan chức năng. Mặc dù sự trao quyền này không có nghĩa là [các công ty tư vấn] sẽ mất hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng điều đó hoàn toàn có nghĩa là khó khăn trong việc truy cập thông tin sẽ tăng theo cấp số nhân.”
Khi không gian dành cho thông tin công khai ở Trung Quốc tiếp tục bị thu hẹp, thì các công ty ngoại quốc cuối cùng cũng lo ngại rằng có thể sẽ đến lúc họ không thể thực hiện các cuộc điều tra thẩm định và kiểm toán chuỗi cung ứng vì ĐCSTQ ngày càng từ chối chia sẻ thông tin quan trọng.
Đối với các công ty ngoại quốc, những cuộc kiểm tra bất ngờ đối với các công ty thẩm tra này có thể đe dọa đến khả năng tiến hành thẩm tra thông qua các chuyên gia tư vấn hoặc nhân viên của họ, cản trở khả năng đầu tư của họ.
Luật mới gây tác dụng ngược lại
Theo ông Khâu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc đã đóng góp một phần đáng kể cho ngành xuất cảng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Với việc đầu tư ngoại quốc bắt đầu thoái lui, các đơn đặt hàng mà họ đã từng nhận trước đây sẽ tự nhiên dịch chuyển sang các quốc gia khác.
“Dưới các biện pháp quản lý nghiêm ngặt như vậy, thì việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc không tin tưởng vào việc đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc là có thể hiểu được,” ông Khâu nhận định. “Về mặt cấu trúc mà nói, việc mất đi sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc sẽ có thể gây ra tác hại ngày càng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc về xuất cảng, đầu tư, và việc làm.”
Ông Khâu nói thêm rằng xét về một tầm nhìn trong dài hạn, trong các lĩnh vực như mua lại công nghệ, phát triển tài năng tương hỗ, và thiết lập các tiêu chuẩn cho sản phẩm mới, Trung Quốc dường như dần dần ngắt kết nối với thế giới phương Tây. Ông Khâu nói: “Nếu Trung Quốc không thể dẫn đầu về các ngành công nghệ hoặc tiêu chuẩn toàn cầu tiên tiến, thì nền kinh tế của nước này sẽ dần suy giảm và ngày càng xa rời sân chơi toàn cầu.”
Sự quyết đoán ngày càng tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc trên trường quốc tế đã cảnh báo Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.
Ông Hoàng nói với The Epoch Times: “Châu Âu và Hoa Kỳ căn bản là đồng thuận về khái niệm giảm thiểu rủi ro. Điều này bao gồm các phương diện như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhân quyền, tuân thủ, và hợp pháp, cũng như giải quyết các vấn đề độc quyền trong ngành. Cả châu Âu và Hoa Kỳ đều mạnh mẽ đòi hỏi những yếu tố này như những điều kiện thiết yếu và cần thiết [của sự hợp tác với Trung Quốc], thay vì đàm phán như trong quá khứ.”
Bản tin có sự đóng góp của Song Tang và Yi Ru
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times