Bangladesh sẵn sàng vượt qua Trung Quốc trở thành nhà xuất cảng hàng may mặc lớn nhất của EU
Trung Quốc đã chứng kiến một số lượng lớn các đơn đặt hàng áo quần bị những người mua quốc tế hủy bỏ sau đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, với nhiều đơn đặt hàng trong số này đã được chuyển đến Bangladesh, nhà xuất cảng gia công hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.
Ông Ahsan H. Mansur, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Bangladesh, cho biết Bangladesh dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành nhà xuất cảng hàng may mặc lớn nhất của EU.
Theo dữ liệu của Eurostat, trong chín tháng đầu năm 2022, xuất cảng hàng may mặc của Bangladesh sang EU đạt 19.4 tỷ USD, tăng gần 42% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi xuất cảng của Trung Quốc trong cùng thời kỳ tăng khoảng 22% lên 25.5 tỷ USD.
Trước đó vào giữa tháng Hai, Nikkei Asia đưa tin cho biết với lượng lớn các đơn đặt hàng may mặc từ Âu Châu, ngành sản xuất áo quần may sẵn (RMG) của Bangladesh chiếm gần 1/5 GDP của nước này, và hơn 80% tổng doanh thu xuất cảng. Nhiều người mua ở EU tìm đến Bangladesh để mua hàng may mặc, trong đó có các hãng H&M, Zara, Primark, G-Star Raw, và Marks & Spencer.
Với dân số gần 170 triệu người, Bangladesh có một lực lượng nhân sự tiềm năng lớn. Ngoài ra, đây là một trong khoảng 45 quốc gia đang phát triển có quyền tiếp cận không hạn chế vào tất cả các thị trường EU, ngoại trừ vũ khí và đạn dược. Ngược lại, các nhà xuất cảng Trung Quốc phải nộp thuế khi bán hàng hóa sang các nước EU.
Ông Mansur nói với Nikkei Asia rằng Bangladesh gần bằng thị phần xuất cảng của Trung Quốc sang EU và ông tin rằng nước này sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nước xuất cảng lớn nhất sang EU trong vòng 4 đến 5 năm tới.
“Thị phần RMG của Trung Quốc đang giảm trên toàn thế giới. Tôi cho rằng Trung Quốc không có lợi ích chiến lược để bảo vệ thị phần này vì nước này hiện đang tập trung vào phát triển và sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn như xe hơi điện. Vì vậy, họ sẽ không còn tập trung vào ngành may mặc như trước nữa,” ông cho biết.
Có ít nhất 4,600 nhà máy gia công hàng may mặc ở Bangladesh sử dụng khoảng 4.1 triệu lao động. Hầu hết hàng may mặc gia công ở Bangladesh được xuất cảng sang các nhà bán lẻ ở Âu Châu, Hoa Kỳ, và Canada.
Ngành may mặc của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách zero COVID
Ngành công nghiệp gia công và xuất cảng hàng may mặc của Trung Quốc đã trải qua sự sụt giảm đáng kể trong ba năm qua do chính sách “zero COVID” hà khắc của nước này.
Có một câu nói trong ngành may mặc của Trung Quốc: Trung Quốc là chỉ số cho ngành may mặc toàn cầu; Quảng Châu là chỉ số cho ngành may mặc của Trung Quốc, và Khu Thương mại Dệt may Trọng Đạt (Zhongda) là chỉ số cho ngành may mặc của Quảng Châu.
Khu Thương mại Dệt may Trọng Đạt và khu vực xung quanh nơi này là một chuỗi công nghiệp may mặc khổng lồ bao gồm hơn 30,000 nhà sản xuất và bán lẻ hàng may mặc, tạo cơ hội việc làm cho hơn 300,000 nhân viên.
Theo cổng thông tin NetEase của Trung Quốc, trước khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, có gần 23,000 cửa hàng vải trong khu thương mại dệt may này, với khối lượng giao dịch hàng năm ước tính vượt quá 200 tỷ nhân dân tệ (28.972 tỷ USD). Thành phẩm đã được xuất cảng sang Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, và nhiều nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, suốt thời gian áp dụng các biện pháp phong tỏa COVID-19 trong ba năm qua, khu thương mại dệt may Trọng Đạt đã phải đóng cửa nhiều lần, và tất cả hoạt động bán sỉ và hậu cần đều bị đình chỉ. Tình trạng này cũng giáng một đòn nặng nề vào thị trường may mặc xung quanh khu này.
Ông Yang Kai (bút danh), chủ một cửa hàng quần áo ở quận Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, nói với The Epoch Times hôm 05/03 rằng chính sách kiểm soát và phòng chống dịch bệnh kéo dài ba năm của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là chính sách zero COVID, đã khiến cho toàn bộ thành phố chững lại và chuỗi cung ứng sản xuất quần áo đã bị phá vỡ. Kết quả là, các đơn đặt hàng đã bị hủy bỏ, các nhà máy ngừng hoạt động, và một số lượng lớn người dân bị mất việc làm. Nhiều công ty ngoại quốc đã rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước Đông Á.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times