Hoa Kỳ: Chủ tịch Ngân hàng Fed St. Louis kêu gọi tăng lãi suất
Ông James Bullard, Chủ tịch Ngân hàng Fed St. Louis, cho biết Cục Dự trữ Liên bang phải tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát khi tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng của Hoa Kỳ sẽ lắng xuống.
Trình bày trước tổ chức cộng đồng Greater St. Louis Inc. hôm thứ Sáu (24/03), ông Bullard giải thích rằng ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất quỹ liên bang (FFR) chuẩn lên cao hơn so với dự đoán trước đó, viện dẫn lý do tình trạng lạm phát ngoan cố và dai dẳng hơn cũng như tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến.
Ông Bullard ước tính rằng tổ chức này nên tăng lãi suất chính sách lên 5.625%, đồng thời nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách đưa FFR lên mức này càng sớm thì càng tốt cho Hoa Kỳ.
Đầu tuần này, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã kích hoạt tăng lãi suất một phần tư điểm, nâng FFR lên phạm vi mục tiêu là 4.75% và 5.00%. Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên tại cuộc họp báo sau sự kiện này của FOMC rằng ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng tăng lãi suất nếu các điều kiện đòi hỏi sự thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Bất chấp sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo ra bất ổn, ông Bullard cho rằng nền kinh tế quốc gia sẽ có thể chịu được đợt căng thẳng tài chính này vì lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn đã giảm.
Ông Bullard cho biết: “Việc tiếp tục thực hiện chính sách vĩ mô thận trọng phù hợp có thể kiềm chế căng thẳng tài chính, trong khi chính sách tiền tệ phù hợp có thể tiếp tục gây áp lực giảm lạm phát,” và cho biết thêm rằng thông thường không phải tất cả các công ty tài chính đều “điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ một cách phù hợp với môi trường đang thay đổi”.
Ông nói, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang cải thiện nhưng lạm phát “vẫn còn quá cao.”
Hôm thứ Sáu (24/03), S&P Global đã công bố ba chỉ số của nhà quản lý mua hàng (PMI), cho thấy sự phục hồi trong bối cảnh kinh tế và lạm phát gia tăng. PMI Tổng hợp tăng lên 53.3, PMI Dịch vụ tăng lên 53.8, và PMI Sản xuất tăng lên 49.3.
Ông Chris Williamson, trưởng kinh tế gia về kinh doanh tại S&P Global Market Intelligence, cho biết trong báo cáo: “PMI nhìn chung phù hợp với mức tăng trưởng GDP hàng năm đạt gần 2%, vẽ ra một bức tranh tích cực hơn nhiều về khả năng phục hồi kinh tế so với sự sụt giảm trong nửa cuối năm ngoái và đầu năm 2023.”
“Cũng có một số lo ngại về lạm phát, với thước đo giá bán trong cuộc khảo sát trên tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng Ba mặc dù chi phí thấp hơn trong lĩnh vực sản xuất. Đợt gia tăng lạm phát này hiện đang được dẫn dắt bởi việc tăng giá mạnh hơn của ngành dịch vụ, phần lớn liên quan đến tăng trưởng tiền lương nhanh hơn.
Bảng cân đối của Fed tăng quy mô
Tổng tài sản của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tiếp tục tăng, đảo ngược xu hướng kéo dài gần một năm của việc Fed cắt giảm bảng cân đối kế toán.
Theo dữ liệu mới của Fed, trong tuần lễ kết thúc hôm 23/03, bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng khoảng 1%, tương đương gần 100 tỷ USD, lên 8.733 ngàn tỷ USD.
Các khoản cho vay chiếm phần lớn trong việc mở rộng bảng cân đối kế toán khi Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP) và “các khoản mở rộng tín dụng khác” của Fed đã tăng lần lượt là 35 tỷ USD và 179 tỷ USD.
Việc nắm giữ chứng khoán Kho bạc của ngân hàng trung ương tương đối không thay đổi.
Tình trạng này xảy ra sau khi gần 300 tỷ USD được thêm vào bảng cân đối kế toán trong tuần trước.
Khi được các phóng viên hỏi liệu Fed có tham gia nới lỏng định lượng hay không, ông Powell xác nhận rằng ủy ban thiết lập lãi suất không thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ.
Ông nói: “Việc mở rộng bảng cân đối kế toán thực sự là cho các ngân hàng vay tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh khoản đặc biệt do những căng thẳng gần đây tạo ra,” đồng thời cho biết thêm rằng cơ chế này đã thành công trong việc ổn định các điều kiện ngân hàng.
“Chúng tôi tin rằng biện pháp này đang có tác dụng. Điều đó có hiệu quả như dự định là củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng và do đó để ngăn chặn những gì có thể xảy ra đột ngột và quá mức, gây thắt chặt các điều kiện tài chính.”
Ông Powell đã cố gắng làm dịu thị trường tài chính bằng cách bảo đảm với người Mỹ rằng tiền gửi của họ an toàn.
“Quý vị đã thấy rằng chúng tôi có các công cụ để bảo vệ người gửi tiền khi có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế hoặc hệ thống tài chính, và chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng những công cụ đó,” Ông Powell lưu ý. “Và tôi nghĩ người gửi tiền nên cho rằng tiền gửi của họ an toàn.”
Tuy nhiên, ông khẳng định rằng mặc dù những rắc rối đang ảnh hưởng đến một số ít ngân hàng, nhưng nếu vấn đề này không được giải quyết, thì điều này “có thể làm xói mòn niềm tin vào các ngân hàng lành mạnh và đe dọa khả năng của toàn bộ hệ thống ngân hàng trong vai trò thiết yếu là trợ giúp nhu cầu tiết kiệm và tín dụng của các gia đình và doanh nghiệp.”
Hôm thứ Sáu (24/03), Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp kín của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) để đánh giá diễn biến thị trường. Một tuyên bố xác nhận rằng hội đồng đã thảo luận về các điều kiện ngân hàng hiện tại và kết luận rằng “hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn lành mạnh và vững vàng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times