Ba bí quyết giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng thêm bền chặt
Bộ phim truyền hình Mỹ “Gilmore Girls” đã khắc họa tình mẹ con thân thiết không có gián cách. Họ nói chuyện với nhau về mọi thứ, vừa là người thân vừa như bạn bè. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy phiền lòng vì bầu không khí gia đình lạnh lùng và xa cách. Có chuyên gia cho biết, chỉ cần bạn nắm vững ba bí quyết này, thì bạn sẽ có thể xây dựng mối quan hệ cha mẹ và con cái mà mọi người đều ngưỡng mộ.
Cô Jourdan Travers, một nhân viên xã hội lâm sàng người Mỹ, viết trên trang web Tâm lý học Ngày nay (Psychology Today) rằng, cha mẹ và con cái có thể thiết lập một mô hình giao tiếp cởi mở, tự do bày tỏ ý nghĩ, để mối quan hệ giữa họ trở nên sâu sắc hơn.
Cô Travers cho rằng giao tiếp hiệu quả bao gồm sự tương tác chất lượng giữa mọi người trong gia đình. Điều này rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái.
Cô nói, trong quá trình trưởng thành, trẻ em có thể sẽ xa cách cha mẹ hoặc tìm kiếm những nguồn an ủi thay thế vì trẻ sợ bị phán xét hoặc vì thường xuyên có sự bất đồng ý kiến.
Mặc dù việc trẻ em tìm kiếm cách biểu đạt là điều tốt, nhưng bầu không khí căng thẳng trong gia đình có thể khiến các em trở nên hung hăng trong các chủ đề nhạy cảm, dẫn đến tâm lý yếu đuối, mất lòng tin và cảm giác an toàn, hoặc cảm thấy tự ti và nghi ngờ bản thân.
Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra một không gian cởi mở và thoải mái để việc giao tiếp có thể diễn ra tự do. Nếu muốn có một mối quan hệ hòa thuận giữa cha mẹ và con cái, bạn nên chú ý đến ba điểm sau:
(1) Hãy là một nhân vật khai sáng quyền uy
Mặc dù vẫn chưa có cẩm nang nào để nuôi dạy con cái một cách hoàn hảo, nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, cô Travers đã rút ra một điểm quan trọng: không phải tất cả các phương thức nuôi dạy con hiệu quả đều lành mạnh. Cha mẹ nên hiểu sự khác biệt giữa độc đoán và quyền uy.
Cô Travers nói rằng, kiểu cha mẹ độc đoán sẽ áp dụng những phương pháp cứng nhắc để chi phối và chỉ đạo mọi hành vi của con trẻ; còn đặc điểm của cha mẹ quyền uy thể hiện ở kết cấu lý luận có trật tự trên dưới, và trẻ em vẫn có quyền tự chủ.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Trẻ em và Gia đình (Journal of Child and Family) vào năm 2018 cho thấy việc thay thế cha mẹ độc đoán bằng cha mẹ quyền uy sẽ mang lại 5 lợi ích lớn cho trẻ, bao gồm:
- Cha mẹ giúp con trẻ đạt được sự độc lập về mặt cảm xúc;
- Cha mẹ cho con trẻ quyền tự do bày tỏ ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm của mình;
- Cha mẹ bồi dưỡng cho con trẻ cảm giác an toàn và khả năng phục hồi cảm xúc;
- Cha mẹ khuyến khích con trẻ biểu đạt bản thân;
- Cha mẹ giúp con trẻ phát triển những quan điểm độc đáo.
(2) Cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm lý Gia đình (Journal of Family Psychology) vào năm 2023 cho thấy rất nhiều gia đình phải đối mặt với một thách thức đáng kể: làm sao để thiết lập những cuộc trò chuyện có ý nghĩa với con trẻ.
Nhà tâm lý học Jackie Nelson, người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết những trải nghiệm cuộc sống căng thẳng cao độ, chẳng hạn như môi trường gia đình hỗn loạn, sẽ khiến cha mẹ mất khả năng kiểm soát. Điều này khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc giao tiếp với con cái một cách tích cực và có trách nhiệm.
Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của thói quen nhất quán và quy củ trong gia đình, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, có thể là cùng dùng bữa tối với con trẻ, tổ chức định kỳ những ngày hoạt động gia đình và tạo ra những khoảnh khắc giao tiếp quý giá hàng ngày.
Những sách lược này có thể tạo ra một môi trường gia đình ổn định, thúc đẩy việc giao tiếp hiệu quả, đồng thời củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
(3) Thể hiện sự tin cậy và kiên nhẫn
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Phát triển của Anh quốc (British Journal of Developmental Psychology) vào năm 2015 cho thấy ngay từ khi còn học mẫu giáo, trẻ em có thể đã bắt đầu tập trung vào việc thể hiện bản thân, hơn nữa có nhiều khả năng bộc lộ những thông điệp tích cực hoặc tiêu cực trong một môi trường được hỗ trợ.
Đối với một số bậc cha mẹ, việc dạy con thành thật không phải là điều dễ dàng. Sự quan tâm quá mức của cha mẹ có thể gây ra xung đột, nhất là nếu con trẻ hành xử không như mong đợi.
Tuy nhiên, để củng cố việc giao tiếp cởi mở và mang lại không gian an toàn cho trẻ, cha mẹ phải kiềm chế việc vặn hỏi và những phản ứng mang tính cảm xúc, đồng thời học cách tin tưởng và lắng nghe.
Cha mẹ kiềm chế bản thân theo cách này không chỉ có thể tạo ra bầu không khí tin cậy mà còn tạo điều kiện cho con trẻ thổ lộ hết tâm tư. Từ đó, cha mẹ có thể hướng dẫn con cái một cách hiệu quả và khiến con cảm thấy hạnh phúc.
Trịnh Dư Từ, Trần Tuấn Thôn thực hiện
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ