Những lời lẽ mỉa mai xem thường người khác cho thấy bạn đang có dấu hiệu ghen tị
Ghi chú của biên tập viên: Tâm tật đố giống như con rắn độc nuốt chửng tâm hồn và đầu độc các mối quan hệ của bạn. Dẫu vậy, chúng ta không thể không thừa nhận rằng, đây là con ma ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi người. Nếu muốn khắc chế con ma tật đố, bạn cần mở rộng trái tim, đón nhận thế giới muôn màu muôn vẻ này, học cách tiếp nhận người khác bằng sự đồng cảm và gạt bỏ đi những cảm xúc bất bình cực đoan.
Trong thời gian gần đây, những hành vi “hạ thấp người khác để đề cao bản thân” và “thể hiện sự hơn thua” thường xuyên chiếm lĩnh không gian truyền thông. Đây cũng là một biểu hiện lệch lạc của tâm tật đố. Ví dụ, có người nói “bạn không có con nên không hiểu”. Câu nói này chính là đang cho rằng có con là điều vượt trội hơn, và muốn thể hiện ra cảm giác vượt trội đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, những người như vậy thường thiếu sự tự tin, không ngừng phiền não, cảm thấy bất mãn với lối sống và cuộc sống gia đình của bản thân. Vậy nên, họ muốn trấn an bản thân bằng cách thể hiện cảm giác vượt trội hơn người khác.
Nói về điều này, ở Nhật Bản có một blog nổi tiếng tên là “まだ○○で消耗してるの?” (Tạm dịch: Bạn vẫn còn kiệt sức vì … hay sao?). Blogger này có một số phát ngôn kiểu như: “Bạn vẫn chưa biết à?”, “Bạn vẫn còn đang … sao?”, “Bạn vẫn chưa … sao?” Thực ra, những kiểu câu nói như vậy đều đang muốn thể hiện bản thân, lấy “tham vọng khẳng định cái tôi” để mong nhận được sự công nhận từ người khác.
Blogger này cho rằng những suy nghĩ và hành động của mình rất đúng đắn và tuyệt vời. Thế nên, anh muốn những người khác cũng sẽ thực hiện giống như vậy để khẳng định sự lựa chọn của mình là tuyệt đối đúng đắn.
Chính là vì chút “cảm giác vượt trội” đó
Những câu nói kia sẽ khiến người khác cảm thấy: “Thật là nhiều lời!”, “Nói cái này là có ý gì?”, đa phần đều xuất phát từ sự đố kỵ, ganh ghét.
Còn những câu nói nào nữa? Ví dụ tại nơi làm việc, nếu hậu bối đạt được thành tích làm việc tốt thì sẽ có những câu nói như: “Có lẽ bây giờ cậu chỉ là đang gặp vận may thôi, nhưng chính vào thời điểm này cậu sẽ dễ bị người ta lừa gạt nhất,” “Mọi người đều nói rằng cậu đang đắc ý quá rồi đó!”, “Như thế này đã tốt rồi sao”, “Tôi nói ra những điều này chỉ vì nghĩ cho cậu mà thôi.” Những lời nói này đều là những lời giảo hoạt, một bên thì đóng vai làm người tốt, bên khác lại muốn hạ thấp đối phương.
Suy nghĩ của kiểu người này là – nếu trực tiếp hạ thấp đối phương thì sẽ bị bại lộ bản tính đố kỵ của bản thân, như vậy sẽ không thích hợp; nhưng nếu đưa ra lời góp ý và khuyên bảo thì sẽ có thể đóng vai người tốt, vừa đồng thời khinh miệt đối phương vừa giấu đi sự thua kém của bản thân.
Đặc biệt khi một nhóm nữ sinh tụ tập với nhau, thì rất dễ nhập vai vào những vở kịch “hạ thấp người khác để đề cao bản thân” và “thể hiện cảm giác vượt trội.” Chẳng hạn như: Nhóm nữ nhân viên văn phòng sẽ đặc biệt thích thể hiện bản thân là người năng động trong mọi hoạt động, có công việc bận rộn và cảm giác thành tựu hơn người; nhóm những người phụ nữ nội trợ sẽ thể hiện bản thân trong việc nuôi dạy con cái, và năng lực hơn người của chồng mình. Cả hai kiểu người này đều dễ khiến đối phương rất khó chịu.
Tuy nhiên, những lời nói mỉa mai như vậy chỉ là đang phản ánh tính hiếu thắng của bản thân mà thôi. Nếu bạn vì thế mà khiến tinh thần sa sút hoặc tâm tình thấp thỏm bất an, thì chính là đang lãng phí khí lực. Nếu bạn hiểu được đây là triệu chứng của sự yếu đuối về mặt tâm lý của đối phương (họ thiếu sự tự tin và khao khát nhận được sự công nhận từ người khác, muốn khoa trương bản thân tài giỏi hơn người), bạn sẽ có thể ung dung đối diện, cười trừ mà không hề mảy may để bụng.
Làm thế nào để đối phó với việc người khác thể hiện “tính vượt trội”?
Khi bạn cảm thấy “người này đang hạ thấp người khác để đề cao bản thân” hoặc “thể hiện tính vượt trội,” bạn có thể sử dụng các phương pháp sau đây để ứng phó.
1. Hãy xem như gió thoảng bên tai: Nếu bạn muốn ứng phó êm xuôi mà không cần dùng những lời khó nghe, vậy hãy xem hết thảy như gió thoảng bên tai. Mặc dù trong lòng bạn nghĩ: “À, người này là vì thiếu sự tự tin nên mới ba hoa những điều này,” bạn vẫn nên ứng phó bằng một vài câu nói xã giao, như là: “Hả? Thật à!”, “Ồ!” để thể hiện rằng bạn không hề hứng thú với những lời nói khoa trương của họ.
2. Thay đổi chủ đề trò chuyện: “Hãy nói chuyện liên quan đến …” Như vậy chủ đề nói chuyện đã được thay đổi một cách nhanh chóng và tự nhiên, không để đối phương tiếp tục buông lời tổn thương. Đây cũng là một phương pháp hiệu quả.
3. Trả lời một cách lạnh nhạt: Khi đối phương nói: “Làm như thế này tốt hơn!”, “Tôi là vì cậu nên mới nói ra những lời này”, bạn hãy trả lời một cách lạnh nhạt rằng: “Cảm ơn ý kiến của anh, nhưng tôi sẽ tự mình quyết định. Xin anh đừng bận tâm”, “Những lời đó của anh, tôi không cần đến.” Khi bạn nói như vậy, đối phương sẽ xoa mũi và nghĩ rằng: “Có nói với cậu cũng vô dụng.” Có thể câu trả lời lạnh nhạt sẽ khiến đối phương không vui, nhưng khi bạn luôn bị họ tọc mạch đến mức không thể chịu đựng thêm được nữa, thì vẫn có thể đáp trả một câu lạnh lùng, để họ không nói được gì thêm nữa.
4. Tích cực khen ngợi: Khi có người nói “Bạn trai tôi đi làm tại một công ty lớn, luôn được sếp khen là người rất tài năng!” Những người nói câu này là họ đang khoe khoang: “Bạn trai tôi rất ưu tú, tôi được anh ta chọn, chứng tỏ tôi cũng rất lợi hại”, “Tôi có được một người bạn trai xuất chúng, thật là hạnh phúc!.”
Vậy thì bạn hãy tích cực tâng bốc cô ấy một cách “hài hước”, ví dụ: “Chà! Thật tuyệt vời rồi, anh ấy nhất định sẽ là giám đốc trẻ nhất trong tương lai! Nói không chừng còn sẽ là nhân vật trên trang bìa tạp chí đó chứ!” Hoặc bạn hãy cố ý nói với ngữ khí đều đều: “Thật tuyệt ha! thật tuyệt vời.”
5. Nói rõ hành vi của đối phương: Khi đối phương thể hiện tính vượt trội trong vô thức, khiến mọi người phiền hà, bạn có thể nói thẳng với họ và làm lộ rõ hành vi đó: “Được rồi, được rồi, cũng không có ai muốn tranh với cậu cả, cậu nên bình tĩnh lại đi.”
Nếu bạn e ngại lời nói quá gay gắt khiến đối phương tức giận, thì có thể mỉm cười đáp lại một cách nhẹ nhàng, chẳng hạn như: “Này, bạn đang làm tổn thương người khác đó!”, “À, tôi hiểu, bạn đang khoa trương sự vượt trội của bản thân thôi!”
Những con người với trái tim trống rỗng
Tóm lại, những người kiêu ngạo và tự cao tự đại nhất định sẽ có những phương diện bất mãn, tự ti mà họ muốn che giấu hoặc muốn bù trừ. Vì vậy, nếu không thể hiện được sự vượt trội ở những mặt khác thì họ sẽ sụp đổ. Kiểu người này nếu không nhận được công nhận hay tuyên dương của người khác về sự vượt trội của mình, thì họ sẽ dễ đánh mất lòng tự tôn của bản thân. Có thể nói họ là người chưa trưởng thành về mặt tâm lý.
Nói cách khác, những người đàn ông và phụ nữ như vậy đều là những “đứa trẻ” đáng thương. Họ chính là: “Bề ngoài như người trưởng thành, nhưng đầu não lại ‘suy diễn hồ đồ’ và ‘tinh nghịch’ như trẻ con!”
Sau khi nghĩ được như vậy, lúc bạn nhìn thấy có ai đó đang làm tổn thương người khác, khoe khoang sự vượt trội của mình, khiến người khác ngán ngẩm, hoặc nói những điều mà họ cho rằng là xuất sắc, bạn liền có thể thay đổi suy nghĩ: “À, người đó đang cố gắng hết sức để lấp đầy sự trống rỗng vì trong lòng họ thiếu khuyết tình yêu thương,” “Người này có những khoảng trống trải hay bất hạnh gì sao?” “Trong lòng anh ta chắc chắn có một nút thắt, đến nỗi nếu không thể hiện ra mặt vượt trội hơn người thì sẽ trở nên rối bời.” Sau đó, bạn hãy đối đãi với họ bằng ánh mắt thân thương và nụ cười trìu mến.
Khi bạn làm như vậy, tin rằng có thể giảm thiểu ít nhiều những cảm xúc tiêu cực như không cam tâm, bi thương, muộn phiền trong lòng.
Những người thực sự cảm thấy hài lòng với cuộc sống, sẽ không khoe khoang gì về hiện trạng vượt trội của bản thân với người khác. Họ sẽ giữ thái độ khá bình tĩnh, không cho rằng những việc như mua được một chiếc Mercedes-Benz, chồng được thăng chức, hay nhận được một giao dịch lớn, v.v. là chuyện đáng để khoe với người khác.
Người thật sự tinh tế thậm chí sẽ quan tâm đến cảm xúc của người khác. Chẳng hạn như tại nơi làm việc, nếu có một nữ đồng nghiệp chưa có con, thì họ sẽ không đề cập đến chủ đề con cái.
Tuy nhiên, một người tự yêu mình quá mức sẽ không bao giờ biết cách quan tâm đến người khác. Như ở tình huống nói trên, họ sẽ tùy tiện nói: “Các bạn nghe tôi nói này, nghe tôi nói này, Tiểu Bảo nhà tôi ấy …” khiến mọi người đều cảm thấy khó chịu.
Mặt khác, chúng ta cũng cần luôn chú ý xem mình có đang hạ thấp người khác hay thể hiện sự vượt trội của mình hay không. Hãy quan sát thật cẩn thận phản ứng của những người xung quanh, để tránh bản thân trở thành người tự cao tự đại và tự phụ. Chẳng hạn như, sau khi bạn nói xong, nếu không khí tại nơi làm việc như tảng băng, lời nói của bạn bị phớt lờ và có người chỉ cười ngượng với bạn, v.v., thì bạn nên xem xét lại một chút, liệu lời nói của bản thân có vấn đề gì hay không.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ