7 quy tắc để sống hòa thuận cùng những người xung quanh
Lời khuyên dành cho những ai đang sống cùng nhà với người khác.
Một số người bạn của tôi gần đây đã đưa con trai lớn của họ đến trường đại học. Trong không khí nhộn nhịp lúc chuyển vào ký túc xá, gặp gỡ những người bạn mới và trò chuyện cùng những người bạn cũ, người cha đã dành thời gian để truyền đạt một số hiểu biết của mình cho con trai. Ông nhắc nhở cậu hãy ghi nhớ rằng, lúc này cậu đang bị nhiều điều tác động và cần cẩn trọng như thế nào trong cách cư xử và tương tác với các bạn cùng phòng, bạn bè và thầy cô giáo.
Nói cách khác, “Hãy cố gắng hết sức để hòa đồng với mọi người, con trai nhé.” Lời khuyên của người cha là căn bản và là điều mà mỗi người chúng ta nên biết. Tuy nhiên, đó cũng là điều mà tất cả chúng ta thường hay quên. Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta sống, làm việc và vui chơi với những người có tính cách khác nhau, nhưng người mà chúng ta khó hòa hợp nhất lại thường là những người gần gũi nhất với chúng ta.
Trong cuốn sách “Những người bạn trong Hội đồng” xuất bản năm 1857, Ngài Arthur Helps viết rằng “sự thù hận và chán ghét xuất hiện trong tình bạn, mối quan hệ, sự phục vụ và thực sự, sự gần gũi của tất cả các mối quan hệ là một trong những điều tăm tối nhất trên trái đất.” Vậy làm thế nào để chúng ta vượt qua những điểm tối u ám này, đặc biệt khi mà tình trạng anh em ruột quay lưng lại với nhau ngày càng gia tăng? Ngài Helps cung cấp cho chúng ta một số gợi ý.
Tôn trọng sự khác biệt
Sự đa dạng là gia vị của cuộc sống, nhưng đôi khi đó là loại gia vị khá chua cay với những người có nền tảng khác nhau.
Ngài Helps viết, “Nếu mọi người muốn sống hạnh phúc bên nhau, họ không nên chỉ có cảm xúc yêu quý nhất thời, bởi vì giờ đây họ đang sống cùng nhau, tất cả cuộc sống của họ đã hoàn toàn giống nhau cho đến thời điểm hiện tại, họ bắt đầu giống hệt nhau, và có cùng suy nghĩ về tương lai.”
Hãy nắm bắt sự khác biệt giữa bạn và những người bên cạnh. Học cách mỉm cười về sự khác biệt và tìm cách để những khác biệt đó mang lại lợi ích cho bạn, thay vì chỉ đơn giản nhìn vào lý do tại sao những điều ấy làm bạn khó chịu.
Đừng nên can thiệp vào việc của người khác
Nhà văn Helps khuyến khích độc giả của mình không nên “can thiệp một cách vô lý vào việc của người khác,” cũng như không phê phán, “ngay cả khi đó là những lời bình phẩm tích cực.” Chắc chắn rằng, mỗi người trong chúng ta sẽ nói lý do mình can thiệp vào việc của người sống cùng nhà là hợp lý. Nhưng liệu những người đó có nghĩ như vậy không? Có thể là không. Họ có đang nấu bữa tối, phân loại đồ giặt hoặc cọ rửa phòng tắm không giống cách của bạn? Hãy để họ làm những việc đó theo cách riêng, để họ không phải nhận những lời bình luận tiêu cực từ bạn.
Tránh chế nhạo người khác
Khi sống cùng người khác trong một thời gian dài, một cách rất tự nhiên, chúng ta sẽ hiểu được sở thích và mong muốn của họ. Những sở thích này sau đó dễ dàng trở thành chủ đề bị chế nhạo. Tuy nhiên, nhà văn Helps khuyên chúng ta tránh nhạo báng người khác. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích hoặc khen ngợi sở thích của người khác, hoặc nếu bạn chỉ đơn giản là không thể chịu đựng được những sở thích đó, hãy tránh nói bất cứ điều gì về chúng.
Hãy tin tưởng, không nên nghi ngờ người khác
Khi sống cùng người khác, chúng ta thường có cơ hội giúp họ đưa ra các quyết định, cả việc lớn lẫn việc nhỏ. Trong những trường hợp như vậy, nhà văn Helps nói rằng, đừng “thắc mắc và yêu cầu giải pháp từ họ.” Mỗi người chắc hẳn đã hành động theo đúng khả năng của mình. Liên tục hỏi “Bạn chắc chứ?” hoặc tranh luận tại sao điều mà họ muốn làm không đạt được hiệu quả, trên thực tế có thể bạn đang áp đặt người khác đi theo hướng mà mình muốn, nhưng điều đó sẽ làm họ nản lòng và khiến họ oán giận bạn.
Không nên tranh luận với người khác
Nhà văn Helps khuyến khích chúng ta “tránh tranh luận những vấn đề cũ” thường lặp đi lặp lại với người sống cùng nhà. Nếu những điều này không được kiểm soát, sẽ dẫn đến “xu hướng tất cả các tranh luận nhỏ” lại quay về các vấn đề cũ. Nhà văn Helps đặc biệt cảnh báo những người có tính nguyên tắc, thích logic và lý lẽ. Những đức tính này có thể phát huy tác dụng tốt trong các văn phòng luật sư và những nơi hẻo lánh để liên tục duy trì sự suy luận và tranh luận về một vấn đề, nhưng điều đó chỉ làm gia tăng căng thẳng khi áp dụng thường xuyên trong ngôi nhà chung.
Ghi nhớ cách cư xử của bạn
Mặc dù tất cả chúng ta đều biết rằng quen thuộc dễ dẫn đến sự coi thường, nhưng một vài người trong chúng ta cố gắng tránh coi thường những người sống cùng nhà. Nhà văn Helps nhắc nhở chúng ta “đừng để sự quen thuộc làm mất đi phép lịch sự.” Nói cách khác, hãy tử tế. Rót cà phê cho họ. Hãy làm nhiều hơn là than phiền họ vào mỗi buổi sáng. Tự giác làm một việc nhà mà bạn biết họ không thích làm. Hãy mỉm cười với họ!
Hãy nghĩ cho người khác trước
Nhà văn Helps chia sẻ với chúng ta rằng “Cuối cùng, việc hòa giải với người chúng ta sống cùng chắc chắn được thực hiện không phải bằng cách đưa ra lời khuyên bảo đối với những mối quan tâm của họ hay đồng tình với ý kiến của họ và hơn hết là không xúc phạm sở thích của họ.” Nói cách khác, hãy cảm nhận và hiểu họ thích gì hoặc không thích gì để bạn có thể vui vẻ tìm kiếm điều họ quan tâm nhất.
Khi tôi đọc những gợi ý này, tôi thấy chúng dường như rất quen thuộc. Sau đó, những điều này tác động đến tôi. Những gợi ý này có nội dung tương tự đoạn Kinh thánh trong 1 Cô-rinh-tô 13:4-6, một trong những nội dung tuyệt vời nhất từng được viết về tình yêu: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự.”
Về thực chất, những gì nhà văn Helps gợi ý là chỉ cần thể hiện tình yêu thương với những người chúng ta sống cùng và tương tác với họ hàng ngày. Đó không phải là kiểu tình yêu ủy mị, chỉ đơn giản là thể hiện sự tử tế đối với người khác, nghĩ cho họ trước, sau đó mới nghĩ đến mình.
Hương Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times