Chữa lành và hàn gắn các mối quan hệ của chúng ta
“Ăn cho hết, dùng cho mòn, sáng tạo mà sử dụng, có thiếu cũng chẳng sao.”
(Thời mới thành lập, cuộc sống ở các colonies vùng Đông Bắc Hoa Kỳ rất thiếu thốn. Và vùng New England là điển hình của lối sống thrifty (tiết kiệm).
Một số trong chúng ta vẫn đang thực hành tánh tiết kiệm được biểu đạt thông qua câu ngạn ngữ xuất phát từ vùng New England đó. Ví như với cái áo nỉ yêu thích, ta mặc hoài cho đến lúc nó rách, với chiếc xe bán tải, ta mong nó chạy thêm được một hai năm nữa, với cái ghế dựa thân thuộc, ta lấy băng keo quấn xung quanh rồi nhẹ nhàng ngả lưng và nhanh chóng chợp mắt.
Tuy nhiên, nhìn một cách bao quát thì xã hội mà chúng ta đang sống là kiểu xã hội “throwaway society” (xã hội vứt bỏ) – là nơi mà hàng hóa được sản xuất hàng loạt và và nhu cầu mua sắm bị thổi phồng bởi các phương tiện truyền thông, do đó có rất nhiều vật dụng chưa kịp cũ đã phải nhường chỗ cho những thứ mới hơn, tốt hơn, điều này gây ra sự lãng phí lớn. Có người cứ độ chừng vài năm là sắm xe hơi. Một số thì sớm cho cái điện thoại còn tốt ra rìa, để vội sắm một cái điện thoại tân thời hơn. Một nhân viên ngân hàng đang lục tung tủ đồ, cô ta loại bỏ hết cả đống các thứ trang phục, nào đầm nào váy còn tốt để mua những thứ váy áo mới hơn.
Tương tự như việc dễ dàng loại bỏ các vật dụng cá nhân, ngày nay con người ta cũng có xu hướng nhanh chóng từ bỏ những mối quan hệ xung quanh họ. Ví như có người bị bạn bè làm cho không vui, vậy là cô ta không gọi, không gặp và không màng đếm xỉa đến những người ấy nữa. Một cô vợ thấy việc làm ăn của anh chồng có vấn đề hoặc là sự quan tâm của chàng dành cho cô đã không còn như trước, thế là cô bỏ anh. Một ông sếp sa thải anh nhân viên vì những sai phạm của anh ta trong công việc mà không hề đoái hoài đến việc sẽ chỉ ra cho anh ta đâu là lỗi sai cần khắc phục.
Thật ra thì việc vứt đi những vật dụng cũ để mua sắm những cái mới, xét ở một khía cạnh nào đó, là chuyện hợp tình hợp lý. Nhưng có phải là rất quá đáng khi chúng ta đang quá dễ dàng từ bỏ những mối quan hệ cũng như việc thường xuyên thay đổi công việc.
Luôn bỏ cũ thay mới: làm vậy có phải là khôn ngoan?
Rõ ràng là chúng ta đang có quá nhiều vật dụng. Ví dụ trong tủ đồ của nhiều người có quá nhiều nào là áo len, nào là quần tây – những thứ mà họ chưa từng mặc trong nhiều năm, kệ sách của một số người thì chất đầy các sách – những cuốn sách mà họ đã lâu không đọc hoặc họ đã quên luôn sự tồn tại của chúng trên giá sách, thêm vào đó, gác xếp và nhà kho của nhiều người chứa quá nhiều đồ vật bao gồm đồ trang hoàng, đồ dùng nhà bếp và nhiều loại “châu báu” khác mà lâu lắm rồi họ không thèm rờ tới.
Trong khoảng 30 năm đổ lại, nhiều sách vở và bài viết với nội dung thúc giục chúng ta giải tỏa hoặc bỏ lại những bộn bề của cuộc sống. Những nhà văn trên khuyên ta hãy dọn dẹp những thứ lộn xộn, loại bỏ những đồ vật vô dụng và chúng ta sẽ trở nên khỏe mạnh hơn về mặt tinh thần và trí tuệ. Theo sau những phát ngôn như vậy là những tranh luận nảy lửa và tôi, thú thật, cũng đồng tình với một số thứ mà họ đề xuất.
Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy hối hận khi bỏ đi một số thứ. Ví như có lần tôi đã đem cho một số cuốn sách cũ, rồi một tháng trôi qua, và tôi phát hiện rằng mình cần những quyển tiểu sử và tiểu thuyết đó. Có một lần, tôi đã bỏ một chiếc áo mà mình đã mặc trong 15 năm, nó cũ đến nỗi lớp vải lót bị bung ra và các nút áo đều bị thiếu. Nhưng mùa đông băng giá năm sau khiến tôi nhớ đến chiếc áo đó vô cùng.
Biến giày thành dép
Dù chiếc áo khoác đó có lẽ đã không thể sửa được nữa, nhưng đôi khi chúng ta có thể tìm thấy một cách sử dụng mới cho vài vật dụng cũ. Một chiếc áo sơ mi cũ với vài vết bẩn và cổ áo đã sờn nhưng rất phù hợp để mặc lúc đánh vecni sàn nhà. Những chiếc áo phông có nhiều lỗ hơn cả lưới lọc sẽ là loại giẻ lau bụi lý tưởng. Và gần đây, khi một người bạn của tôi đến thăm một viện bảo tàng ở tiểu bang California, cô ấy biết rằng khi một chiếc váy hoặc quần áo khác trở nên sờn rách, phụ nữ thời xưa và con gái của họ sẽ lấy chúng làm thảm.
Như câu ngạn ngữ ở New England, chúng ta thực sự có thể tận dụng những vật dụng đã cũ.
Vào mùa hè năm ngoái, đôi giày yêu thích của tôi trở nên quá cũ nát và không còn phù hợp để mang ở chỗ đông người. Phần gót của nó gần như biến mất, một bên đế bong ra, và không một lớp sơn bóng nào có thể che đi những vết xước và phần da bị hư tổn. Vì vậy, tôi đã đi mua một đôi giày khác. Trong khi chọn giày, tôi cũng tìm mua một đôi dép, nhưng tôi chẳng tìm được thứ tôi thích.
Trở về nhà, khi tôi sắp bỏ đôi giày cũ vào thùng rác thì một ý tưởng lóe lên. Tôi đã tháo dây giày, và biến nó thành một đôi dép. Tôi vẫn dùng đôi dép đó tới nay và thật sự đang mang chúng khi tôi đang ngồi viết những dòng chữ này trước hiên nhà.
“Dùng cho mòn” là cách đã giúp tôi có thêm một đôi dép. Tôi nghĩ rằng đôi dép đi trong nhà của tôi có thể được dùng thêm vài năm nữa.
Sửa chữa
Việc sửa chữa có thể mất nhiều thời gian. Bất cứ ai từng quét vecni bàn ghế đều biết rằng ta phải tốn công chà nhám hàng giờ trước khi ta có thể động đến cọ sơn.
Nhưng để “sửa chữa” một mối quan hệ, đôi lúc rất khó khăn. Chẳng hạn như trong một cuộc hôn nhân đang bế tắc, người chồng, người vợ, hoặc cả hai vợ chồng có thể đều tin rằng chấm dứt sẽ dễ dàng hơn là dành thời gian và nỗ lực để hàn gắn. Tuy cách giải quyết trên có thể đúng trong nhiều trường hợp, nhưng cũng có thể để lại nhiều nuối tiếc về sau. Trên thực tế, tác giả Audrey Jones đã cho chúng ta thấy trong bài báo “Hàn gắn sau ly hôn” mà cô ấy viết, có 6% các cặp vợ chồng ly hôn sẽ tái hôn với nhau và khi tái hôn, cuộc hôn nhân đó sẽ lâu dài hơn rất nhiều.
Trong thời đại này, việc duy trì các mối quan hệ gia đình và bè bạn tốt đẹp là chuyện khá khó khăn khi có quá nhiều người trong chúng ta đang ủng hộ khẩu hiệu “The personal is political – vấn đề cá nhân là (phạm trù) chính trị.” Có lẽ chúng ta đã từng có những cuộc tranh luận nảy lửa khi ta ra sức bảo vệ tổng thống này hay tổng thống kia, hoặc việc có nên chích vaccine, hoặc nghi vấn về tình trạng phân biệt chủng tộc ở nhiều cấp độ và hệ thống trong xã hội. Vì những cuộc cãi vã như vậy, chú Thomas đột nhiên trở thành một người kỳ quặc, và ông đã từ bỏ nhiều mối quan hệ bạn bè.
Tôi cũng biết một người phụ nữ – cô ta đã đánh mất tình bạn đẹp nhất của đời mình vì thiếu đi sự bao dung. Tình bạn rạn nứt khi người bạn lâu năm của cô bị chính cô chỉ trích là kẻ dối trá. Và mối quan hệ này đã thật sự chấm dứt vì người phụ nữ ấy cũng không có thành ý hàn gắn mối quan hệ trên.
“Tôi tha thứ”: cô nói, “Nhưng tôi không còn muốn bạn có mặt trong cuộc sống của tôi.”
Chăm sóc
Kim chỉ, keo dán, và dụng cụ của thợ mộc là một vật dụng cần thiết để “hàn gắn” áo quần và vật dụng. Tương tự, để hàn gắn các mối quan hệ trong cuộc sống chúng ta cũng cần những “công cụ” như sự hy vọng, tình yêu thương, sự khoan dung, sự hiểu biết, sự tha thứ và tánh kiên nhẫn.
Tuy nhiên tánh kiên nhẫn – công cụ cuối cùng trong danh sách trên thường bị xem nhẹ. Để hàn gắn thành công một tình bạn rạn nứt hoặc một cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ, ta phải sẵn sàng giải quyết các vấn đề trong thời gian dài một cách chăm chỉ.
Và ta nên có một tầm nhìn về nơi ta cần hướng đến. Khi ta bắt đầu sửa sang lại chiếc bàn hoặc chiếc ghế, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh lộng lẫy và tỏa sáng của chúng giữa một gian phòng hoặc một góc phòng khách. Cũng vậy, khi cố gắng hàn gắn một mối quan hệ tan vỡ, chúng ta cũng nên đặt ra mục tiêu, một đích đến. Tất nhiên, duy trì và hàn gắn những mối hệ là một việc khó khăn hơn rất nhiều so với việc sửa chữa đồ đạc, và sẽ không hiệu quả nếu đối phương không còn thành ý. Nhưng hãy nỗ lực vì không nỗ lực nghĩa là thất bại.
Kintsugi
Kintsugi là một môn nghệ thuật của Nhật Bản nhằm sửa chữa đồ gốm bị vỡ bằng chất liệu sơn mài, phủ lên hoặc trộn thêm với bột vàng, bạc hoặc bạch kim
Trong nhiều thế kỷ, người Nhật đã hàn gắn những mảnh đồ gốm bị vỡ bằng vàng nóng chảy, việc này không chỉ giúp khôi phục mà còn làm đồ vật trở nên đẹp mắt hơn. Trong một bài viết có tiêu đề: “Kintsugi: Gold Repair of Ceramic Faults – dùng vàng để khôi phục đồ gốm” Curtis Benzele – một giáo kiêm điêu khắc gia, đã nói rằng, “Đa số trường hợp, chiếc bình được hàn gắn bằng phương pháp Kintsugi trông lộng lẫy hơn và quý giá hơn trước.”
Điều này cũng có thể đúng đối với chúng ta khi chúng ta thực hành nghệ thuật chữa lành và hàn gắn với các mối quan hệ bè bạn và gia đình của chúng ta.
Nếu bạn mong muốn chia sẻ những mẫu chuyện của chính mình về những mối quan hệ đã được hàn gắn, hãy viết cho chúng tôi và gửi về địa chỉ : tradition@ epochtimes.com chuyên mục Life & Tradition, The Epoch Times, 5 Penn Plaza, New York, NY 10001
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và sáng tác tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: