Ý ngưng tuần tra chung với Trung Quốc sau tin tức về đồn công an bí mật ở hải ngoại
Hôm 19/12, Bộ trưởng Nội vụ Ý cho biết Ý sẽ ngưng không cho lực lượng công an của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc tham gia vào các cuộc tuần tra chung với cảnh sát Ý trên lãnh thổ của nước này. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Ý bị cáo buộc nhắm mắt làm ngơ trước các “quầy dịch vụ” bí mật của công an Trung Quốc ở hải ngoại được thiết lập tại các thành phố của nước này.
Năm 2015, Ý đã ký một thỏa thuận song phương với chế độ cộng sản Trung Quốc nhằm cho phép các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc tuần tra chung với cảnh sát Ý ở Rome, Milan, Naples, và các thành phố khác của nước này.
Hôm thứ Hai (19/12), Bộ trưởng Nội vụ Matteo Piantedosi nói với tờ Il Foglio, “Tôi có thể nói rằng những hình thức hợp tác đó sẽ không còn được thực hiện hoặc nhân rộng dưới các hình thức khác.”
Ông nói thêm rằng các cuộc tuần tra chung diễn ra từ năm 2016 đến 2019, và đã bị “tạm dừng” do đại dịch COVID-19.
Quyết định này được đưa ra sau các báo cáo của Safeguard Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha, về việc chính quyền Trung Quốc bí mật thiết lập các quầy dịch vụ công an ở các quốc gia khác đã thu hút sự chú ý đáng kể trong cộng đồng quốc tế.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Safeguard Defenders tuyên bố rằng bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã thành lập ít nhất 102 “Trung tâm Dịch vụ Công an Trung Quốc ở Hải ngoại” tại 53 quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở phương Tây. Trong số đó có 11 trạm ở Ý, số lượng lớn nhất ở bất kỳ một quốc gia nào.
Khi bị chất vấn trước Quốc hội hồi đầu tháng này, ông Piantedosi nói rằng thỏa thuận tuần tra chung với Trung Quốc không liên quan gì đến việc thành lập bất kỳ “quầy dịch vụ” nào ở Ý.
‘Quầy dịch vụ công an’ giám sát Hoa kiều
Chính quyền Trung Quốc đã và đang mở rộng khả năng giám sát trên toàn cầu, đặc biệt là nhắm vào cộng đồng người Hoa.
Các quầy dịch vụ Trung Quốc ở hải ngoại này được thành lập và điều hành bởi một số cơ quan công an khu vực của Trung Quốc với sự cộng tác của các hiệp hội Hoa kiều và một số cộng đồng doanh nghiệp.
Safeguard Defenders đã xác định bốn khu vực pháp lý khác nhau của công an địa phương Trung Quốc. Chẳng hạn, Cơ quan Công an Ôn Châu (Wenzhou) và Cơ quan Công an Thanh Điền (Qingtian) ở Trung Quốc đã thành lập “các quầy dịch vụ công an Trung Quốc” ở Milan. Công an Nam Thông (Nantong) cũng thiết lập các quầy như vậy ở Ý. Phần lớn người nhập cư Trung Quốc ở Ý đến từ các khu vực nói trên.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng các trung tâm này do các tình nguyện viên điều hành để cung cấp các dịch vụ hành chính cho công dân Trung Quốc ở ngoại quốc, chẳng hạn như gia hạn hộ chiếu. Báo cáo chỉ ra rằng các đồn công an hải ngoại bí mật này là phần mở rộng việc kiểm soát của chế độ này đối với người Hoa biệt xứ và nhập cư. Công an Trung Quốc đã thừa nhận các quầy dịch vụ này là để “lấy Hoa kiều trị Hoa kiều.”
Hơn nữa báo cáo trên còn cho thấy chính quyền Trung Quốc đã thành lập các trung tâm công an bí mật mà không thông báo cho chính phủ các nước sở tại.
Hà Lan, Ireland, và Canada đã ra lệnh điều tra các đồn công an Trung Quốc trên lãnh thổ của họ. Họ xem việc thành lập các đồn công an Trung Quốc ở ngoại quốc như vậy, bất kể mục đích của họ là gì, là bất hợp pháp và vi phạm Công ước Vienna.
Ông Peter Dahlin, người sáng lập Safeguard Defenders, đã viết trong bài báo phân tích của ông gửi cho The Epoch Times, rằng “cộng đồng người Hoa trên khắp Hoa Kỳ, Canada, và các nơi khác sẽ sống trong nơm nớp lo âu, không thể được tự do lên tiếng, và bị từ chối các quyền dân chủ của họ tại quê hương thứ hai của mình,” chừng nào tất cả các đồn công an ở hải ngoại của Trung Quốc bị đóng cửa.
“Đối với họ, các quyền tự do dân chủ căn bản đang bị từ chối vì sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc cộng sản ở ngoại quốc, nơi các trạm này còn là một công cụ khác để ‘lấy Hoa kiều trị Hoa kiều,’ đó mới chính là vấn đề.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times