Đồn công an Trung Quốc ở Greater Toronto có thể dính líu đến cưỡng chế Hoa kiều hồi hương
Theo một quan chức cao cấp của Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), các đồn công an bí mật của Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động ở Khu vực Greater Toronto (GTA) và hàng chục quốc gia khác trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về việc các cá nhân bị cưỡng chế hồi hương về Trung Quốc.
“Có một mối quan tâm chung về chủ đề này, vốn được bày tỏ cả trong lẫn ngoài nước. Điều này là bởi vì những đồn công an bị cáo buộc này không chỉ được báo cáo là đang hoạt động ở Khu vực Greater Toronto, mà còn được báo cáo trên toàn cầu,” bà Brigitte Gauvin, quyền giám đốc RCMP về Chính sách Liên bang và An ninh Quốc gia, làm chứng tại Ủy ban Hạ viện về mối bang giao Canada-Trung Quốc cho biết hôm 06/02.
“Điều này đáng lo ngại vì nhiều lý do. Những đồn công an bị cáo buộc này có thể góp phần vào việc buộc các cá nhân hồi hương về Trung Quốc một cách không tình nguyện. Ngoài ra, các gia đình sống ở cả Trung Quốc và Canada có thể trở thành mục tiêu của hoạt động sách nhiễu, đe dọa, hoặc chịu những hậu quả tiêu cực khác.”
Bà Gauvin lưu ý rằng nếu các đồn công an Trung Quốc bị cáo buộc này được chứng minh là đang hoạt động giống như những gì các báo cáo trên các hãng thông tấn và các nghiên cứu do tổ chức Safeguard Defenders công bố, thì có nghĩa là những cơ sở đó “đang vận hành bên ngoài các cơ chế pháp lý hiện có của Canada”.
Safeguard Defenders, một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha, đã thu hút sự chú ý của thế giới về “các quầy dịch vụ Hoa kiều” đó trong báo cáo được công bố vào tháng 09/2022. Báo cáo có nhan đề “110 Hải Ngoại: Kiểm Soát Xuyên Quốc Gia Của Trung Quốc Đã Trở Nên Điên Cuồng” (“110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild”) đã điều tra các tuyên bố của chính quyền Trung Quốc rằng, như một phần của chiến dịch toàn quốc nhằm chống lại vấn nạn gian lận viễn thông do công dân Trung Quốc sống ở hải ngoại thực hiện, ước tính có khoảng 230,000 cá nhân đã bị “thuyết phục hồi hương” để đối mặt với thủ tục tố tụng hình sự ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022.
Safeguard Defenders lưu ý rằng chiến dịch của Bắc Kinh, bắt đầu ở “quy mô khiêm tốn” vào năm 2018, được thúc đẩy bởi các đồn công an hải ngoại này, với số lượng “rõ ràng là đang tăng lên nhanh chóng.” Báo cáo của tổ chức phi chính phủ này hồi tháng 09/2022 đã xác định 54 đồn công an do hai cơ quan công an cấp tỉnh ở Trung Quốc điều hành. Một báo cáo cập nhật, được công bố hồi tháng 12/2022, đã xác định hai cơ quan công an cấp tỉnh khác ở Trung Quốc cũng đang điều hành các đồn tương tự, nâng tổng số đồn công an Trung Quốc được biết đến lên 102, với sự hiện diện bao quát ở 53 quốc gia.
Theo báo cáo của Safeguard Defenders, điều gây lo ngại đặc biệt là một số đồn công an đó cũng bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào những người không phải nghi phạm, sử dụng các phương pháp như đe dọa, sách nhiễu, và hăm dọa các thành viên gia đình của mục tiêu ở Trung Quốc.
Khi được hỏi về phản ứng của cư dân ở Khu vực Greater Toronto khi RCMP tiếp cận để phỏng vấn liên quan đến các đồn công an Trung Quốc đó, bà Gauvin cho biết một số người cho thấy những dấu hiệu của việc sợ bị trả thù.
“Một số người miễn cưỡng [nói chuyện với RCMP] do lo sợ bị những tác nhân ngoại quốc này trả thù,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng RCMP “hoàn toàn nhận thức được thực tế rằng một số người có thân nhân đang ở Trung Quốc cũng như một số người trở lại Canada có thể đang bị đe dọa.”
Đồn công an Trung Quốc ở Canada
Ủy viên RCMP Brenda Lucki, người cũng đã làm chứng tại ủy ban Hạ viện về mối bang giao Canada-Trung Quốc hôm 06/02, xác nhận rằng cảnh sát “hiện đang… xem xét ba trong số các đồn công an ở Toronto và một ở Vancouver.”
Đây là lần đầu tiên RCMP xác nhận số lượng các đồn công an Trung Quốc bị cáo buộc ở Canada. Sau các báo cáo do Safeguard Defenders đưa ra, RCMP đã đưa ra một tuyên bố hồi tháng 11/2022 nói rằng họ đã bắt đầu mở một cuộc điều tra về vấn đề này, và kêu gọi những người làm chứng đến chia sẻ thông tin với cơ quan cảnh sát.
Vị ủy viên này bảo đảm với công chúng rằng họ có thể chia sẻ thông tin với cảnh sát theo nhiều cách an toàn, đồng thời cho biết thêm rằng cảnh sát mặc đồng phục điều khiển xe cảnh sát chuyên dụng đã được cử đến các đồn công an Trung Quốc bị cáo buộc ở Toronto. Địa chỉ cụ thể của ba đồn cảnh sát ở Toronto được cung cấp trong một thông cáo báo chí của chính quyền địa phương Trung Quốc: một ở trong một cửa hàng tiện lợi ở Scarborough, một ở một khu dân cư ở Markham, và địa chỉ thứ ba ở trên một tòa nhà cũng đóng vai trò là trụ sở chính của Thương hội Phúc Thanh Toronto Canada (CTFQBA), một tổ chức bất vụ lợi được liên bang thành lập.
Tuy nhiên, bà Lucki từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể khi nào cuộc điều tra của RCMP sẽ hoàn tất. Bà cũng xác nhận rằng chưa có ai bị bắt hoặc bị trục xuất vì có liên quan đến các đồn công an này.
Trong khi đó, Bộ trưởng An toàn Công cộng Marco Mendicino lặp lại bình luận của bà Lucki rằng họ chưa thu hồi bất kỳ giấy ủy nhiệm ngoại giao nào của quan chức Trung Quốc.
Anh Andrew Chen là phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị thám khảo bản gốc từ The Epoch Times