ĐỘC QUYỀN: Quebec cắt tài trợ cho hai tổ chức bị cáo buộc là đồn công an Trung Quốc
Bộ Di trú Quebec cho biết, các tổ chức ở khu vực Montreal nằm trong diện điều tra của cảnh sát vì bị nghi ngờ là đồn công an Trung Quốc đã bị chính phủ cắt giảm tài trợ sau một cuộc kiểm toán.
Bộ này đã tiến hành công việc xác thực vào năm 2020-2021 với Trung tâm Trung Quốc-Québec Bờ Nam (Centre Sino-Québec de la Rive-Sud, CSQRS) ở Brossard và Dịch vụ Gia đình Trung Quốc của Greater Montreal (Service à la famille chinoise du Grand Montréal, SFCGM). Cả hai tổ chức này đều cung cấp các dịch vụ cho người nhập cư Trung Quốc.
Tuần trước, Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia thông báo rằng họ đang điều tra các tổ chức này trong một cuộc điều tra về sự can thiệp của ngoại quốc.
Phát ngôn viên Arianne Méthot nói với The Epoch Times trong một tuyên bố bằng tiếng Pháp rằng: “Do các vấn đề nảy sinh sau cuộc kiểm toán, Bộ đã quyết định chấm dứt liên kết đối tác” với các tổ chức này.
Bà cho biết cuộc kiểm toán này nhằm bảo đảm các tổ chức nói trên sẽ tôn trọng nghĩa vụ của họ đối với các chương trình hòa nhập những người nhập cư mới đến (PRInt và PASI).
Các lĩnh vực khác được kiểm tra là các khía cạnh liên quan đến quản trị, quản lý hợp lý, và trách nhiệm giải trình.
Bà Méthot cho biết bà sẽ không bình luận về các cáo buộc cho rằng những tổ chức này chứa chấp đồn công an Trung Quốc nhưng nói rõ rằng Bộ sẵn sàng hợp tác với các nhà chức trách và sẽ chia sẻ tất cả thông tin liên quan.
Cả hai tổ chức đều do ủy viên hội đồng thành phố Brossard Lý Tây Tây (Xixi Li) quản lý.
Dựa trên các hồ sơ trực tuyến chính thức, Bộ Di trú, Pháp hóa, và Hội nhập đã trao 1,948,221 USD cho tổ chức Trung Quốc-Québec từ năm 2012 đến năm 2020 theo hai chương trình hội nhập là PRInt và PASI.
Bộ cũng đã trao cho SFCGM 4,989,694 USD trong cùng khoảng thời gian và theo các chương trình tương tự.
Dữ liệu do bộ này cung cấp cho thấy chính phủ vẫn đang tài trợ cho các lớp đào tạo ngôn ngữ dành cho người nhập cư của những tổ chức này. Kể từ năm 2018, Trung Quốc-Québec đã nhận được 243,831 USD và SFCGM nhận được 522,451 USD cho chương trình đó.
Các trang web của cả hai tổ chức bị RCMP điều tra này đề cập đến một số đối tác ở cấp chính phủ, bao gồm cả Bộ Y tế Quebec.
Một phát ngôn viên của bộ này đã cung cấp thông tin cho The Epoch Times về tổng số tiền được trao cho các tổ chức này trong bốn năm qua.
Sino-Québec nhận được 622,237 USD và SFCGM nhận được 599,748 USD.
Ở cấp liên bang, Bộ Việc làm và Phát triển xã hội Canada cũng được liệt kê là đối tác của cả hai tổ chức trên.
Một phát ngôn viên cho biết bộ này đang làm việc theo một yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về số tiền tài trợ cụ thể.
Hôm 13/03, Cảnh sát Hoàng gia Canada nói rằng cho đến nay họ đã nhận được 15 manh mối thông tin quan trọng liên quan đến hai đồn công an được cho là của Trung Quốc.
“Chúng tôi đang thực hiện công việc của cảnh sát nhằm phát hiện và phá vỡ các hoạt động tội phạm do nhà nước ngoại bang hậu thuẫn này, mà vốn có thể đe dọa đến sự an toàn của những người sinh sống ở Canada,” lực lượng này cho biết hồi tuần trước.
RCMP cho biết họ đã làm gián đoạn hoạt động của các đồn công an Trung Quốc khác ở Ontario và British Columbia bằng cách đưa các sĩ quan mặc đồng phục tại các địa điểm đó.
Trong khi đó, ở cấp thành phố nơi bà Lý Tây Tây là ủy viên hội đồng, Thị trưởng Doreen Assaad của Brossard đã đề nghị bà Lý từ chức trong khi cuộc điều tra diễn ra căn cứ vào thực tế là các quan chức dân cử có quyền truy cập vào thông tin của cuộc điều tra.
Bà thị trưởng cũng lưu ý rằng đã có đơn khiếu nại bà Lý với Trưởng Ban Bầu cử cấp tỉnh về cuộc tranh cử cấp thành phố năm 2021.
Cả bà Assad và bà Lý đều không phúc đáp đề nghị bình luận.
Lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Quebec Éric Duhaime đã viết thư cho Trưởng Ban Bầu cử hôm 10/03 để yêu cầu điều tra bà Lý.
Hôm 13/03, ông cũng đã viết thư cho hội đồng thành phố của tỉnh này yêu cầu đưa ra quyết định về việc liệu bà Lý có nên từ chức trong quá trình điều tra hay không.
Bức thư của ông Duhaime dựa trên những cáo buộc đối với bà Lý khi tờ Journal de Montréal đưa tin đầu tiên rằng bà đã sử dụng các tổ chức của mình để thông báo cho các đại cử tri nên bỏ phiếu cho ai trong khi sử dụng biểu trưng của Élections Québec. The Epoch Times đã xem những bản sao của các bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat của Trung Quốc mà các cáo buộc này căn cứ vào.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times