Nam Hàn tiến hành cuộc điều tra toàn quốc về ‘các đồn công an’ ngầm được cho là của Trung Quốc
Các quan chức Nam Hàn đã mở một cuộc điều tra về các đồn công an cho là của Trung Quốc đang hoạt động bí mật trên khắp đất nước này sau khi một nhà hàng Trung Quốc ở Seoul hồi tháng trước (05/2023) được phát hiện đã từng là một cơ sở như vậy.
Korea Herald đưa tin hôm 16/06, các quan chức tình báo và cảnh sát Nam Hàn đã phối hợp điều tra sự hiện diện của các đồn công an ngầm của Trung Quốc tại nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Seoul và trên đảo Jeju.
Nhà lập pháp Choe Jae-hyeong tiết lộ những phát hiện cho thấy các Viện Khổng Tử đã quảng bá tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và dẫn đầu các hoạt động nhắm vào nhiều cuộc biểu tình dân chủ ủng hộ Hồng Kông tại các trường đại học ở Nam Hàn.
Hồi tháng Năm, cơ quan tình báo Nam Hàn đã đưa ra kết luận sơ bộ rằng một nhà hàng Trung Quốc ở quận Songpa-gu của Seoul đang hoạt động như một cơ sở cho các hoạt động không chính thức của công an Trung Quốc.
Hồi tháng 12/2022, một nhà hàng Trung Quốc ở quận Gangnam của Seoul đã tạm thời bị đóng cửa sau khi nhà chức trách Nam Hàn nghi ngờ cơ sở kinh doanh này hoạt động như một cứ điểm chính cho một đồn công an bí mật của Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha tiết lộ rằng Trung Quốc đang điều hành hơn 100 đồn công an ở 53 quốc gia mà cơ quan giám sát nhân quyền này cáo buộc được sử dụng để giám sát những người Trung Quốc bất đồng chính kiến và ép buộc họ trở về Trung Quốc.
Báo cáo có nhan đề “110 ở Hải ngoại: Kiểm Soát Xuyên Quốc Gia Của Trung Quốc Đã Trở Nên Điên Cuồng” đã xem xét sáng kiến của công an Trung Quốc, vốn được bắt đầu bởi 10 “tỉnh thử nghiệm” hồi năm 2018. Những đồn công an này còn được gọi là 110 ở Hải ngoại, được đặt theo số điện thoại dịch vụ khẩn cấp của lực lượng công an nước này.
Đồn công an ở thành phố New York
Một tiền đồn ở thành phố New York là một đồn thuộc “đợt thử nghiệm đầu tiên” gồm 30 đồn công an hải ngoại tại 21 quốc gia do Cục Công an thành lập ở Phúc Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh vùng ven biển phía nam Phúc Kiến. Các thành phố khác của Trung Quốc cũng thiết lập tiền đồn của họ ở ngoại quốc.
Hôm 17/04, các đặc vụ FBI đã bắt giữ hai người đàn ông với cáo buộc họ đã giúp điều hành đồn công an mật Trung Quốc ở New York để theo dõi và bịt miệng những người Trung Quốc bất đồng chính kiến sinh sống tại Hoa Kỳ.
Chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận rằng những cơ sở này là đồn công an, nói rằng các địa điểm đó tồn tại chủ yếu để cung cấp dịch vụ cho công dân như gia hạn giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, Safeguard Defenders cho biết các đồn công an như vậy có một “mục tiêu nham hiểm hơn, vì chúng góp phần vào việc ‘cương quyết trấn áp tất cả các loại hoạt động bất hợp pháp và tội phạm liên quan đến cộng đồng Hoa kiều.’” Một số đồn công an “dính líu đến việc hợp tác với công an Trung Quốc để thực hiện các hoạt động trị an trên lãnh thổ ngoại bang,” tổ chức này cho biết.
Ông Peter Dahlin, người sáng lập Safeguard Defenders, viết trong bài phân tích của ông dành cho The Epoch Times hồi tháng 12/2022, chừng nào toàn bộ các đồn công an của Trung Quốc ở hải ngoại chưa bị đóng cửa, thì “cộng đồng người Hoa trên khắp Hoa Kỳ, Canada, và các nơi khác sẽ sống trong sợ hãi, không thể tự do lên tiếng, và bị từ chối các quyền dân chủ ở quê hương mới của họ.”
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li và The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times