Xuất cảng của Trung Quốc vào Hoa Kỳ suy giảm, trong khi thương mại với Nga tăng
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 08/08, lượng hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã giảm 25% trong sáu tháng đầu năm 2023. Mexico và Canada đã thay thế Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho Hoa Kỳ, do xu hướng chuyển sản xuất về gần quê nhà để có các chuỗi cung ứng đa dạng hơn. Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng cường thương mại với Nga.
Theo dữ liệu mới nhất mà Bộ Thương mại công bố, Hoa Kỳ đã nhập cảng khoảng 203 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm nay, ít hơn 25% so với cùng thời kỳ năm 2022. Các số liệu này chưa được điều chỉnh theo lạm phát.
Dữ liệu cho thấy tỷ trọng của hàng nhập cảng Trung Quốc vào Hoa Kỳ chiếm 13.3% trong sáu tháng đầu năm, giảm từ mức 16.5% cùng thời kỳ năm ngoái.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Trung Quốc giảm 2.1 tỷ USD, xuống còn 22.8 tỷ USD, trong đó nhập cảng giảm 2.3 tỷ USD. Xu hướng này có thể tiếp tục khi Trung Quốc báo cáo hôm 08/08 về sự sụt giảm xuất cảng hai con số so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bị cản trở bởi căng thẳng gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh về các vấn đề như nhân quyền, công bằng thương mại, đối đầu quân sự, địa chính trị, và cạnh tranh về công nghệ cũng như thị trường. Các công ty Hoa Kỳ đã tìm đến các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trong bối cảnh xung đột ngày càng tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Hoa Kỳ đang chuyển sang hoạt động “gần quê nhà” trong thương mại toàn cầu, nhằm chuyển chuỗi cung ứng của các mặt hàng trọng yếu đến các quốc gia gần hơn về mặt địa lý và chính trị, chẳng hạn như Canada và Mexico. Cách làm như vậy không chỉ giảm áp lực lên chuỗi cung ứng đường dài xa quê nhà mà còn đặt ra thách thức đối với vị thế nền kinh tế thế giới của Trung Quốc vì làm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Vì giao dịch thương mại không công bằng của Trung Quốc, kể từ thời chính phủ ông Trump, Hoa Kỳ đã tăng thuế đối với hàng Trung Quốc lên mức 19.3%, cao hơn nhiều so với mức 9% của các “quốc gia được hưởng quy chế ưu đãi tối huệ quốc” khác.
Trung Quốc hiện đã tụt xuống vị trí nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ ba cho Hoa Kỳ sau Mexico và Canada. Nhập cảng hàng hóa từ Mexico vào Hoa Kỳ đã tăng 5.4% trong nửa đầu năm 2022.
Mexico cũng thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong tháng Bảy.
Ngoại thương của Trung Quốc giảm mạnh
Trong khi đó, hôm 08/08, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố dữ liệu xuất cảng và nhập cảng quốc gia trong tháng Bảy.
Báo cáo cho thấy xuất cảng của Trung Quốc trong tháng Bảy đã giảm 14.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái, xuống còn 281.76 tỷ USD, đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 02/2020.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng hàng mà Trung Quốc nhập cảng từ các đối tác thương mại lớn nhất nước này đã giảm mạnh hai con số, trong đó Nam Hàn giảm 23%, Nhật Bản giảm 14.7%, Đài Loan giảm 14.3%, và Hoa Kỳ giảm 11.2%.
Dữ liệu cho thấy xuất cảng và nhập cảng của Trung Quốc sang các nền kinh tế lớn ở châu Âu, châu Mỹ, và châu Á gần như đã giảm toàn bộ.
Trung Quốc tăng cường thương mại với Nga
Chỉ có bốn quốc gia và khu vực có tổng kim ngạch xuất nhập cảng tăng trưởng dương với Trung Quốc: Nga đứng đầu, tăng 36.5%, tiếp theo là Singapore, tăng 8.1%, Úc tăng 5.4%, và châu Phi tăng 0.1%.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times