Công ty Phi cơ Cirrus do Trung Quốc tài trợ dự trù niêm yết tại Hồng Kông
Sự tách rời giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở thành một xu thế đang tiếp diễn. Nhiều công ty Hoa Kỳ được các quỹ đầu tư của Trung Quốc mua lại hoặc đã từng liên doanh với các công ty Trung Quốc giờ đây hoặc là chia tách hoặc là giải tán. Tuy nhiên, việc giám sát liên tục mà chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện vẫn đang xác định các tổ chức có các mối liên kết tương tự. Trong thời gian gần đây, Cirrus Aircraft, một công ty do Trung Quốc tài trợ có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ chính phủ Hoa Kỳ. Hậu quả của sự lộ diện này khiến các chuyên gia dự đoán Cirrus có thể trở thành TikTok tiếp theo.
Tọa lạc tại Hoa Kỳ, Tập đoàn Phi cơ Cirrus (Cirrus Aircraft Corporation) được thành lập vào năm 1984 bởi anh em nhà Klapmeier. Cirrus chủ yếu sản xuất những phi cơ hạng nhẹ một động cơ. Năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã mua lại toàn bộ cổ phần của Cirrus Aircraft thông qua một công ty liên kết. Năm 2020, Hoa Kỳ bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với AVIC sau khi tổ chức này được xem là một mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.
Hồi tháng Sáu, Cirrus đã ghi danh phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX). Qua việc này, công ty này đã thu hút sự chú ý của chính phủ Hoa Kỳ bằng cách tiết lộ mối quan hệ của mình với AVIC.
Công ty con không thể thoát khỏi sự giám sát nếu công ty mẹ bị trừng phạt
AVIC là một trong những nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới. Công ty này sản xuất chiến đấu cơ, trực thăng, và phi cơ không người lái cho quân đội Trung Quốc. Cirrus là công ty con của AVIC được hơn mười năm. Thỏa thuận này, diễn ra vào năm 2011, có một số điều kiện nhất định, và đã tạo ra rất ít phản ứng tiêu cực trong những năm qua. Mặt khác, bà Brooke Sutherland, một người phụ trách chuyên mục Sáp nhập và Mua lại (M&A) của Bloomberg, gần đây đã đăng một bài báo nói rằng nhiều người đã hoàn toàn quên mất việc AVIC mua lại Cirrus Aircraft vào năm 2011. Tuy nhiên, khi Cirrus nộp đơn đề nghị được niêm yết ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông hồi tháng Sáu, công ty này đã tiết lộ mối quan hệ phức tạp của mình với AVIC trong bản cáo bạch của công ty.
Bản cáo bạch tiết lộ Phó Chủ tịch Vương Huy (Wang Hui) của Cirrus cũng giữ một chức giám đốc của AVIC Heavy Machinery. Công ty này bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và danh sách các doanh nghiệp quân sự thuộc ĐCSTQ của Ngũ Giác Đài. Bản cáo bạch cũng tiết lộ một giám đốc khác của Cirrus ngồi trong hội đồng quản trị của hai công ty con AVIC, mà cả hai công ty này đều bị áp đặt các lệnh trừng phạt. Các chuyên gia tin rằng mối quan hệ lãnh đạo giữa Cirrus và AVIC sẽ dẫn đến việc chính phủ Hoa Kỳ tăng cường giám sát Cirrus.
Bản cáo bạch tại Hồng Kông cũng cho thấy sự hợp tác giữa Cirrus và Công ty Viện Nghiên cứu Hàng không Tổng hợp AVIC Chiết Giang (Zhejiang AVIC General Aircraft Research Institute Co. Ltd.), một công ty con khác của AVIC. Mối quan hệ hợp tác này được thành lập vào năm 2019 với mục đích sản xuất phi cơ huấn luyện. Năm 2020, Hoa Kỳ đã đưa đối tác AVIC này vào danh sách người dùng cuối trong lĩnh vực quân sự của Bộ Thương mại, nghĩa là một số mặt hàng xuất cảng sang đối tác này bị hạn chế trừ phi được cấp giấy phép đặc biệt.
Thương vụ mua lại Cirrus khó được chấp thuận vào thời điểm hiện nay
Bà Sutherland cho rằng nếu AVIC mua lại Cirrus vào thời điểm hiện nay, có thể thương vụ này sẽ không được chấp thuận. Tuy nhiên, bà nói rằng Hoa Kỳ phải nỗ lực hơn nữa để giám sát rộng rãi và nghiêm ngặt nhất đối với tất cả các doanh nghiệp công nghiệp có liên hệ với Trung Quốc, bất kể tính chất, quy mô, hay lịch sử của họ. Bà tin rằng từ góc độ an ninh quốc gia, thì vật liệu tổng hợp và các thiết kế phi cơ loại nhỏ của Cirrus có thể bị Trung Quốc khai thác để đẩy mạnh các mục tiêu quân sự của họ.
Ông George Ferguson, nhà phân tích cao cấp về hàng không vũ trụ, quốc phòng, và hàng không của Bloomberg Intelligence, cho biết mặc dù có một khoảng cách lớn giữa việc sản xuất phi cơ hàng không tổng hợp (GA) và vũ khí sát thương như phi cơ không người lái tấn công tân tiến của AVIC, nhưng công ty con có trụ sở tại Hoa Kỳ này có chuyên môn nhất định hấp dẫn những khách hàng quân sự.
Một báo cáo năm 2018 của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng đề cập đến khả năng ngành hàng không vũ trụ trong nước của Trung Quốc sẽ được tăng cường nếu thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty ngoại quốc để tiếp cận chuyên môn và công nghệ.
Cũng trong năm 2018, New Era đưa tin rằng kể từ năm 2011, AVIC đã ráo riết mua lại các tổ chức sản xuất phi cơ và sản xuất phụ tùng của Mỹ như Cirrus, tạo cơ hội cho tập đoàn này tiến vào Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) nổi tiếng để nghiên cứu và phát triển.
Với ‘siêu hạn chiến’ của ĐCSTQ, Cirrus có thể cần phải từ bỏ quyền sở hữu của Trung Quốc
Hồi tháng Năm, Wall Street Journal đưa tin rằng công ty phát triển nhu liệu Rockwell Automation Inc., với lịch sử 29 năm ở Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của chính phủ Hoa Kỳ. Họ nêu ra lo ngại về khả năng nhân viên bản địa có thể truy cập các mã trong cơ sở hạ tầng công nghiệp và quân sự quan trọng để khai thác các lỗ hổng cho các cuộc tấn công mạng. Rockwell tuyên bố rằng công việc phát triển của họ tại trung tâm nhu liệu Đại Liên ở Trung Quốc bị hạn chế, và trọng tâm chính của công ty này là duy trì một số lượng nhỏ các sản phẩm đã phát triển đầy đủ. Rockwell cũng tuyên bố rằng doanh nghiệp này sẽ rời khỏi Trung Quốc nếu xảy ra bất kỳ tình huống nghiêm trọng nào.
Ông Nick Gangestad, giám đốc tài chính của Rockwell, nói tại một hội nghị rằng đó là điều luôn có thể giải quyết bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp của Hoa Kỳ có thể không thể giải quyết được căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times