WHO: Trung Quốc đang báo cáo số ca tử vong do COVID-19 thấp hơn ‘rất nhiều’ so với thực tế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thừa nhận rằng Trung Quốc đang báo cáo số lượng công dân tử vong vì nhiễm COVID-19 quá thấp so với thực tế, một lời chỉ trích được đưa ra vào thời điểm quốc gia này được cho là đang quay cuồng với sự tăng vọt về số ca nhiễm và tử vong.
Theo một bản tin cập nhật hôm 11/01, WHO sẽ tiếp tục “kêu gọi” Trung Quốc cung cấp thêm thông tin liên quan đến sự tăng vọt các ca nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 hiện đang diễn ra. “WHO vẫn tin rằng các trường hợp tử vong được Trung Quốc báo cáo thấp hơn thực tế rất nhiều, và điều này liên quan đến các định nghĩa được sử dụng nhưng cũng liên quan đến việc cần phải yêu cầu các bác sĩ và những người báo cáo trong hệ thống y tế cộng đồng dũng cảm báo cáo những trường hợp này và không nản lòng,” Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Điều hành WHO cho biết.
“Cũng có sự thay đổi trong định nghĩa từ viêm phổi do COVID là căn bệnh cần được báo cáo, sang nhiễm COVID là cơ sở chính để báo cáo căn bệnh.” Ông Ryan bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ khuyến khích việc báo cáo nhiều hơn cho cơ quan này về “tình hình thực tế” của đợt bùng phát COVID-19 ở đại lục.
Hồi tháng Mười Hai, Bắc Kinh đã thay đổi định nghĩa về các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, chỉ tính những trường hợp liên quan đến suy hô hấp và viêm phổi do COVID-19.
Cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết họ hiện đang làm việc với chính quyền Trung Quốc để tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của đợt bùng phát hiện tại ở quốc gia này, bao gồm cả việc tăng hoặc giảm số ca nhập viện, sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa khu vực nông thôn và thành thị, cùng với giải trình tự virus.
Bùng phát COVID-19 ngày càng trầm trọng
Trung Quốc chỉ báo cáo 10 trường hợp tử vong liên quan đến COVID trong tháng 12/2022, đồng thời các cơ quan y tế đã và đang báo cáo năm trường hợp tử vong hoặc ít hơn trong suốt tháng Một. Các nhóm khác nhau đã đặt vấn đề nghi ngờ những con số này.
Một báo cáo tháng Mười Hai từ công ty dữ liệu y tế Airfinity cho biết khoảng 9,000 người ở Trung Quốc tử vong mỗi ngày do COVID-19 — số lượng họ dự kiến sẽ tăng lên trước cuối tháng Một. Airfinity đang dự đoán 1.7 triệu ca tử vong do COVID ở Trung Quốc trong khoảng thời gian 4 tháng từ tháng Một đến tháng Tư.
Một mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington dự đoán đến ngày 01/04, 300,000 người tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc, và 1.25 triệu trường hợp tử vong vào cuối năm nay.
Tháng trước (12/2022), các tài liệu từ một hội nghị nội bộ của ĐCSTQ bị rò rỉ cho thấy có tới 248 triệu người đã bị nhiễm bệnh trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Capitol Report” của NTD, bà Diêm Lệ Mộng (Yan Limeng), một nhà virus học Trung Quốc cáo buộc Bắc Kinh che đậy đại dịch, gọi tình hình hiện nay ở Trung Quốc là “rất đáng lo ngại”. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã quyết định mở lại biên giới, bà lưu ý.
“Chúng ta không biết chính xác là những biến thể nào đang lưu hành ở Trung Quốc, mặc dù chính quyền đã nói với mọi người rằng [đó] là Omicron. Nhưng triệu chứng nghiêm trọng hơn mức trung bình rất nhiều trong dân chúng, và khả năng lây truyền rất cao”, bà Diêm nói.
“Và chúng ta cũng thấy tổng số ca tử vong tăng vượt tầm kiểm soát, với rất nhiều người bị viêm phổi, ngay cả [khi] họ là những người trưởng thành khỏe mạnh.”
Dữ liệu về virus
WHO đã gặp các quan chức đến từ Trung Quốc trong một cuộc họp hôm 30/12 để thảo luận về sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 ở nước này. Tổ chức này kêu gọi việc tăng cường việc giải trình tự virus, quản lý lâm sàng, và đánh giá tác động.
“WHO một lần nữa yêu cầu chia sẻ thường xuyên dữ liệu cụ thể và theo thời gian thực về tình hình dịch tễ học — bao gồm thêm dữ liệu về trình tự gene, dữ liệu về tác động của dịch bệnh bao gồm nhập viện, nhập viện tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) và tử vong — và dữ liệu về chích ngừa được cung cấp cũng như tình trạng chích ngừa, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương và những người trên 60 tuổi,” theo một thông cáo báo chí hôm 30/12 của tổ chức này.
Đến ngày 03/01, 773 trình tự virus từ Trung Quốc đại lục đã được gửi đến cơ sở dữ liệu EpiCoV của GISAID, trong số đó có 564 trình tự được thu thập sau ngày 01/12.
Trong một cuộc họp báo hôm 11/01, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ dữ liệu y tế liên quan đến COVID-19.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times