Người Trung Quốc chuyển sang dùng thuốc generic từ Ấn Độ sau khi Paxlovid bị loại khỏi bảo hiểm y tế
Phân tích: Trung Quốc từ chối thuốc kháng virus của Pfizer không phải vì thuốc này “được định giá quá cao” như tuyên bố công khai
Người dân Trung Quốc đang lùng sục tìm mua các loại thuốc generic* do Ấn Độ sản xuất sau khi Paxlovid, thuốc kháng virus COVID-19 của Pfizer, gần đây đã bị loại khỏi chương trình bảo hiểm y tế quốc gia của nước này.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hôm 08/01, Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHSA) đã thất bại trong việc đàm phán với Pfizer để đưa Paxlovid vào chương trình bảo hiểm y tế quốc gia với lý do báo giá của Pfizer quá cao.
Paxlovid, là một loại thuốc dạng uống chứa hai thành phần kháng virus chính, đó là nirmatrelvir và ritonavir. Thuốc này có thể giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người có nguy cơ nhiễm bệnh nếu họ dùng thuốc trong vòng ba ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, theo một thử nghiệm lâm sàng do Pfizer tài trợ.
Ban đầu, hôm 11/02/2022, Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc đã phê chuẩn khẩn cấp việc nhập cảng Paxlovid, và đến tháng 03/2022, họ đã tạm thời thêm thuốc này vào bảo hiểm y tế.
Theo một bản tin của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, hồi tháng 12/2022, Bệnh viện Đại học Y Hiệp Hòa Bắc Kinh đã công bố một phác đồ tham khảo về việc sử dụng Paxlovid trong điều trị [COVID-19] cho những người bị bệnh nhẹ có nguy cơ phát triển thành bệnh nặng và nguy kịch.
Trong cùng tháng đó, các trường hợp lây nhiễm đã tăng mạnh sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo chính sách zero COVID khắc nghiệt, dẫn đến nhu cầu dùng thuốc Paxlovid tăng vọt.
Ở một số bệnh viện tư nhân cao cấp, Paxlovid có thể có giá tới 8,300 nhân dân tệ (1,200 USD) mỗi hộp. Một quan chức tại Bệnh viện Quốc tế Oasis ở Bắc Kinh nói với Financial Times trong một bản tin được công bố hôm 28/12/2022 rằng bệnh viện này đã bán hết 300 hộp trong kho chỉ trong 24 giờ.
Các loại thuốc do Ấn Độ sản xuất
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, sau đợt bùng phát gần đây nhất vào tháng 12/2022, người dân Trung Quốc đã đổ xô đi mua Paxlovid, trong đó loại thuốc này được cho là đang được bán với giá 50,000 nhân dân tệ (7,400 USD) một hộp trên thị trường chợ đen. Loại thuốc này đã trở thành một món quà yêu thích của giới thượng lưu, quan chức, và chủ doanh nghiệp.
Nhiều người Trung Quốc nghèo khó hơn đang chuyển sang dùng các loại thuốc generic do Ấn Độ sản xuất, trong đó có Primovir (hộp màu xanh lá) và Paxista (hộp màu xanh dương). Hai loại thuốc này là phổ biến nhất, và có thể phân biệt được nhờ vào màu sắc khác nhau ngoài vỏ hộp.
Ấn Độ sản xuất ⅕ số thuốc generic trên thế giới. Giá thuốc generic của Ấn Độ có thể thấp đến mức chỉ khoảng 1% so với những loại biệt dược gốc trên thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Trung Quốc cảnh báo rằng nhiều hộp thuốc Paxlovid giả do Ấn Độ sản xuất đang tràn ngập thị trường và rằng thuốc đó không chứa Nirmatrelvir, thành phần chính có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus và nếu không có thành phần này thì liệu trình đó sẽ không hiệu quả.
Hôm 05/01, ông Doãn Diệp (Yin Ye), Giám đốc điều hành của Tập đoàn BGI Group, một tổ chức nghiên cứu di truyền học có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc rằng, một người bạn đã mua thuốc generic do Ấn Độ sản xuất và nhờ công ty này giúp thử nghiệm các loại thuốc đó. Kết quả cho thấy trong số 150 mẫu, chỉ phát hiện tám mẫu có chứa thành phần Nirmatrelvir.
Paxlovid không hề được báo giá quá cao ở Trung Quốc
NHSA tuyên bố họ từ chối đưa Paxlovid vào chương trình bảo hiểm y tế vì thuốc này được định giá quá cao, nhưng dường như rất khó để chấp nhận lý do này vì giá của Paxlovid là tương đối thấp so với các quốc gia khác.
Hồi tháng 02/2022, Trung Quốc đã cấp phép khẩn cấp cho thuốc Paxlovid được sử dụng ở thị trường Trung Quốc. Vào tháng 03/2022, loại thuốc này tạm thời được thêm vào bảo hiểm y tế, với giá mua là 2,300 NDT/hộp (339 USD) tại Trung Quốc đại lục.
Theo dữ liệu từ Observer Research Foundation, một tổ chức tư vấn chiến lược quốc tế có trụ sở tại Mumbai, đối với người mua lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, thì giá mua đối với Paxlovid là 529 USD/hộp; đối với các nước Âu Châu, giá mua của chính phủ là 600-700 USD/hộp, và Đài Loan có giá mua khoảng 700 USD/hộp.
Tại Úc, Paxlovid được bán trên thị trường với giá $1,159 AUD/hộp (khoảng 807 USD).
Hơn nữa, toàn bộ các quốc gia này đã đưa Paxlovid vào hệ thống bảo hiểm y tế của họ.
Tại Úc, Paxlovid được kê đơn với mức giá 42.50 AUD/liệu trình (xấp xỉ 30 USD) sau khi chính phủ mua thuốc tập trung.
Hôm 13/12/2022, Pfizer đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ để cung cấp thêm 3.7 triệu liệu trình điều trị bằng thuốc Paxlovid. Đơn hàng này bổ sung vào 20 triệu liệu trình điều trị trước đó theo hợp đồng mà hãng này đã ký kết và giao đủ cho chính phủ Hoa Kỳ.
Hôm 22/12/2022, Pfizer đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Vương quốc Anh về việc cung cấp thêm 2.5 triệu liệu trình điều trị bằng thuốc Paxlovid. Đây là đơn đặt hàng thứ hai, bổ sung cho 250,000 liệu trình điều trị đã ký hợp đồng trước đó với chính phủ Vương quốc Anh, nâng tổng số liệu trình lên 2.75 triệu.
Trung Quốc từ chối sử dụng các loại vaccine COVID-19 của Moderna và Pfizer
Giá thành có thể không phải là lý do chính khiến ĐCSTQ từ chối đưa Paxlovid vào hệ thống bảo hiểm y tế (Medicare). ĐCSTQ đã từ chối sử dụng các loại vaccine COVID-19 đến từ Hoa Kỳ, cụ thể là của hai hãng dược Pfizer và Moderna.
Công nghệ vaccine mRNA do Moderna và Pfizer sử dụng mang lại mức độ bảo vệ cao hơn và lâu dài hơn so với công nghệ vaccine bất hoạt được các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng. Một số công ty dược phẩm Trung Quốc đang cạnh tranh để phát triển vaccine mRNA của riêng họ, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa thành công.
Từ năm 2020 đến năm 2021, Moderna và chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã đàm phán để đưa vaccine của hãng này vào thị trường Trung Quốc. Tháng Mười năm ngoái, Financial Times đưa tin rằng các cuộc đàm phán mua bán của Moderna ở Trung Quốc đã đổ vỡ sau khi công ty này từ chối yêu cầu của Bắc Kinh về việc chuyển giao công thức vaccine mRNA của mình.
Bắc Kinh đề nghị với các nhà sản xuất vaccine ngoại quốc hai cách để bán được hàng ở Trung Quốc: một là chuyển giao toàn bộ công nghệ cho một công ty sản xuất dược phẩm của Trung Quốc; hai là liên doanh với một công ty Trung Quốc để thành lập một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế lo ngại rằng việc chính quyền nước này từ chối đưa Paxlovid vào bảo hiểm y tế của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm số ca tử vong do COVID-19 tại Hoa lục.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times