WHO triệu tập cuộc họp ‘khẩn cấp’ về Marburg, một trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới
Hôm thứ Ba (14/02), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một “cuộc họp khẩn cấp” trong bối cảnh virus Marburg, vốn gây ra một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, bùng phát ở Phi Châu.
Các quan chức y tế cho biết Marburg, lần đầu tiên được phát hiện vào cuối những năm 1960, có liên quan đến Ebola. Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết virus này nguy hiểm hơn nhiều, với tỷ lệ gây tử vong cho những người mắc mệnh tới 88%.
Virus này đã được phát hiện ở một số quốc gia Phi Châu trong vài tháng qua, bao gồm cả mới đây ở Guinea Xích Đạo. Một số ít trường hợp nhiễm Marburg đã được phát hiện ở Ghana vào cuối năm ngoái.
“WHO hôm thứ Ba đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hiệp hội vaccine virus Marburg (MARVAC) để thảo luận về đợt bùng phát này,” một thông cáo báo chí từ cơ quan y tế do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn cho biết hôm thứ Ba, đồng thời cho biết thêm rằng Guinea Xích Đạo đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus này. Các quan chức của WHO cho biết loại virus đó đã gây ra chín ca tử vong ở quốc gia châu Phi nhỏ bé này.
Khu vực bùng phát Marburg tập trung xung quanh tỉnh Kie Ntem, nằm ở phía tây Guinea Xích Đạo. Trích dẫn từ nhiều báo cáo, WHO cho biết, các trường hợp tử vong xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 07/01 đến ngày 07/02.
“Việc giám sát tại hiện trường đã được tăng cường,” ông George Ameh, đại diện quốc gia của WHO tại Guinea Xích Đạo, được Daily Mail dẫn lời cho biết trong cuộc họp hôm thứ Ba. “Truy vết tiếp xúc, như quý vị biết, là một nền tảng của việc ứng phó. Chúng tôi đã … tái khai triển các nhóm COVID-19 vốn đã ở đó để truy vết tiếp xúc và nhanh chóng trang bị thêm cho các nhóm này để thực sự giúp đỡ chúng ta.”
Trong thông báo của mình, WHO cho biết cơ quan này đã gửi “các nhóm tân tiến” đến các quận bị ảnh hưởng ở quốc gia Tây Phi này để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và thực hiện truy vết dịch tễ. “Các cơ quan y tế đã gửi các mẫu đến phòng thí nghiệm tham chiếu của Viện Pasteur ở Senegal, với sự hỗ trợ của WHO, để xác định nguyên nhân,” thông cáo hôm thứ Ba cho biết thêm. “Tám mẫu đã được xét nghiệm, một trong số đó cho kết quả dương tính.”
Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm virus này được coi là hiếm. Các số liệu toàn cầu hàng năm do WHO công bố chỉ ra rằng các trường hợp này có xu hướng ở mức một con số trên toàn thế giới.
Và mặc dù đây vẫn là “một căn bệnh rất hiếm gặp ở người,” Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết, “khi bệnh này xảy ra, thì sẽ có khả năng lây lan,” và có thể gây tử vong cao. CDC cho biết (pdf) trong một tờ thông tin rằng, “Nhân viên chăm sóc sức khỏe và các thành viên trong gia đình chăm sóc bệnh nhân” bị nhiễm loại bệnh dạng sốt xuất huyết này là có nguy cơ cao nhất.
Các cơ quan y tế cho biết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết Marburg và cũng không có vaccine.
WHO cho biết loại virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi virus này gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh “đồng thời” ở Marburg, Đức, và Belgrade, Serbia.
“Sự bùng phát này có liên quan đến công việc trong phòng thí nghiệm sử dụng loài khỉ xanh Phi Châu nhập cảng từ Uganda,” WHO cho biết trên trang web của mình về căn bệnh này. “Sau đó, các đợt bùng phát và các trường hợp lẻ tẻ đã được báo cáo ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi (ở một người có lịch sử du lịch gần đây đến Zimbabwe) và Uganda. Vào năm 2008, hai trường hợp độc lập đã được ghi nhận ở những du khách đã đến thăm một hang động có đàn dơi Rousettus sinh sống ở Uganda.”
Các dấu hiệu và triệu chứng
CDC nói rằng các triệu chứng của virus này xảy ra sau khoảng 5 đến 10 ngày. Các triệu chứng bao gồm sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, và đau cơ (yếu).
“Khoảng ngày thứ năm sau khi xuất hiện các triệu chứng, có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi bật nhất trên thân (ngực, lưng, bụng),” tờ thông tin của cơ quan này cho biết. “Buồn nôn, nôn mửa, đau ngực, đau họng, đau bụng, và tiêu chảy có thể xuất hiện.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times